Đại Kỷ Nguyên

Bất an cảnh học sinh vùng lũ ngồi đò vượt sông đến trường

Các em nhỏ hồn nhiên khi qua đò (Ảnh: Quang Cường).

Nhiều năm nay, học sinh 2 thôn 7, 8 xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn “đánh đu” tính mạng trên con đò bằng gỗ, cũ kỹ vượt sông Ngàn Sâu đến trường.

Là xã vùng lũ của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Hương Thủy có 9 xóm với hơn 4.000 nhân khẩu. Khúc sông Ngàn Sâu chạy dọc chia cắt xóm 7 và 8 với các xóm còn lại. Đã rất nhiều năm nay, để đến trường học và chợ ở phía tây của xã thì học sinh, người dân hai xóm 7, 8 phải đi thuyền qua sông Ngàn Sâu, theo Báo VNExpress.

Do chưa có cầu bắc qua sông Ngàn Sâu – đoạn đi qua thôn 7 và thôn 8 nên bao đời nay, gần 300 hộ dân 2 thôn này đi làm đồng hay có việc ra trung tâm xã đều phải qua đò. Có tất cả 3 con đò gỗ cũ kỹ dài khoảng 6m, rộng chưa đến 2m, cuối đò gắn mấy cọc gỗ để phủ tấm bạt che mưa tạm bợ, theo Báo Zing.vn.

Con đò tuềnh toàng là phương tiện qua sông cho người dân đặc biệt là học sinh tiểu học (Ảnh: Quang Cường).

Hiện xóm 7 và 8 có 3 bến đò, nguy hiểm hơn khi đây chỉ là bến đò tự phát. Trên mỗi con đò gỗ cũ kỹ dài khoảng 6m, rộng chưa đến 2m chỉ có 3 chiếc áo phao cứu hộ nhưng đều bị nhét phía dưới những tấm ván bắc ngang để dựng xe máy. Cuối đò gắn mấy cọc gỗ để phủ tấm bạt che mưa tạm bợ, ngoài ra không có bất cứ một phương tiện bảo hộ nào.

Người dân địa phương cho biết, đò hiện tại đã bị hư hỏng hết nên chẳng còn mấy ai muốn lái những con đò này. Lâu nay, do không có kinh phí thuê người chèo đò cố định nên người lớn 2 thôn thay nhau chèo đò, mỗi người chèo một ngày. Theo người chèo đò ở đây, mỗi con đò chỉ chở tối đa được 3 chiếc xe máy và 10 người.

Bất an những chuyến đò cũ chở học sinh vùng lũ đến lớp. (Ảnh: Quang Cường).

Trước đây, con em trong hai thôn này học cấp 1 và cấp 2 đều phải đi đò để sang sông đến trường, nhưng mới đây, hầu hết học sinh cấp 2 đều xin chuyển về trường bên xã Hương Giang nên không phải qua đò nữa. Còn học sinh tiểu học thì hằng ngày vẫn qua đò để tới trường, bất kể nắng mưa.

Các phụ huynh phải gửi gắm tính mạng con mình cho người chèo đò theo phiên. Sợ nhất là những lúc con em đi học qua sông, rất dễ bị nước cuốn trôi. Do đó, có một số phụ huynh chở con đi học bằng đường vòng qua xã Hương Giang xa hơn 13 km.

Vào mùa nước lên, do nước sông lớn không thể chèo nên người dân dùng dây thừng vắt qua sông, rồi níu theo sợi dây kéo đò qua sông. Bùn đất bám đầy đường, đầy thuyền và bến đò cũng bị sụt lở nên việc qua đò rất nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phú, Bí thư Đảng ủy xã Hương Thủy cho biết, xã cũng rất lo ngại về vấn đề an toàn của bến đò ngang này. Trước đây có 3 bến đò ngang ở xóm 7 và xóm 8, nhưng trận lũ vừa rồi làm hỏng bến số 1, hiện tại còn 2 bến hoạt động.

Ước mơ có một cây cầu (Ảnh: Quang Cường).

Ông Phú cũng cho biết, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện một số dự án cấp bách của địa phương, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phân bổ nguồn này để hỗ trợ xây chiếc cầu qua sông cho xã Hương Thủy. Dự án đang trong giai đoạn khảo sát và chọn địa điểm.

Bên cạnh đó, xã đã tổ chức tuyên truyền kết hợp với kiểm tra chủ đò, người điều khiển đò để ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa; đồng thời cấp phát áo phao để đảm bảo an toàn đi lại cho người qua đò.

Tuy nhiên, ý thức chấp hành của chủ đò lẫn người đi đò còn hạn chế. Trong khi đó, xã không thể cấm hoạt động bởi nhu cầu của người dân rất lớn.

Tuấn Anh (TH)

Exit mobile version