Đại Kỷ Nguyên

Báo Mỹ nêu 3 lý do khiến chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn

Kinh tế Việt Nam đang trở nên mạnh hơn. (Ảnh: Bloomberg)

Hãng tin Bloomberg của Mỹ vừa có bài phân tích mới về chứng khoán Việt Nam, trong đó đánh giá thị trường Việt Nam đang trở nên sôi động nhờ một nền kinh tế mạnh và hoạt động bán tài sản của nhà nước.

Mức độ sôi động của thị trường Việt Nam được dự báo sẽ vượt Philippines trong năm nay dù cách đây 4 năm giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới chỉ đạt 50 triệu USD, bằng khoảng 1/4 so với sàn Manila.

Giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM đã vượt Manila. (Nguồn: Bloomberg)

Dẫn lời một phân tích của ngân hàng Credist Suisse, Bloomberg nêu ra 3 lý do đang khiến thị trường cổ phiếu Việt Nam đang trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Hệ thống ngân hàng sau khi từng phải gánh chịu tỷ lệ nợ xấu cao nhất ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2012 giờ đây đã trở nên lành mạnh hơn nhiều và lại bắt đầu tăng trưởng với tốc độ nhanh.

Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) được coi là một ví dụ. Nhà băng này đã xoay sở giảm được tỷ lệ nợ xấu còn 1,4% từ mức 5% vào giữa năm 2013, và dư nợ cho vay cũng tăng từ mức gần 5 tỷ USD khi đó lên tận 12 tỷ USD hiện nay.

Thứ hai, chính phủ Việt Nam đang rất nghiêm túc trong vấn đề cổ phần hóa. Đầu tháng 11, Tổng công ty Đầu tư Vốn nhà nước (SCIC) đã cho bán đấu giá 3,33% cổ phần tại Vinamilk. Một công ty con của tập đoàn Jardine Matheson Holdings tại Singapore đã mua hết số cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên 10% và còn muốn mua thêm.

Việc bán thêm vốn nhà nước tại Sabeco cũng đang được tiến hành. Tuần trước, Chính phủ đã tổ chức roadshow ở Singapore để chuẩn bị cho một đợt bán cổ phần lớn tại Sabeco.

Chứng khoán Việt Nam nằm trong số các thị trường tăng mạnh nhất châu Á năm nay. (Ảnh: Bloomberg)

Thứ ba, Việt Nam đã trở thành một phần chuỗi cung ứng hàng điện tử và điện thoại thông minh của châu Á. Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam giờ đây không phải là dệt may hay giày dép, thủy sản và cà phê nữa, mà là điện thoại thông minh và linh kiện, với giá trị xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 36,5 tỷ USD.

Theo Bloomberg, kinh tế toàn cầu mạnh lên có thể đang giúp nâng nhiều “con thuyền” châu Á lên, và các thị trường như Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines có thể mang đến những cơ hội lớn cho giới đầu tư.

Tuy nhiên, với 3,3 tỷ USD cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) trong 1 năm qua, Việt Nam đang trở thành thị trường IPO sôi động thứ ba ở Đông Nam Á sau Singapore và Malaysia.

Mức độ sôi động của thị trường Việt Nam còn được thể hiện qua việc lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã lên tới 16 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm ngoái. Con số này tương đương 8% GDP của Việt Nam (ước tính 203 tỷ USD) – là một lượng vốn không thể xem thường.

Khả năng sản xuất những sản phẩm ngày càng cao cấp của người Việt cùng với tầng lớp trung lưu tăng nhanh cũng là những yếu tố thu hút nhà đầu tư.

Với những yếu tố đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là đang rũ bỏ vị thế “ngoài rìa “, theo Bloomberg.

Minh Tuệ

Exit mobile version