Đại Kỷ Nguyên

Bán 324.971 m2 đất công sản giá siêu rẻ: Lộ nhiều sai phạm, Thành ủy TP. HCM chỉ đạo khẩn hủy hợp đồng

Khu đất nằm trên xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. (Ảnh tổng hợp)

Phần đất công sản ‘siêu lớn’ trên 324.971 m2 có giá thị trường hơn 2.400 tỷ đồng nhưng lại được Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) ‘ưu ái’ bán cho một công ty tư nhân với giá cực rẻ, chỉ hơn 419 tỷ đồng gây bức xúc dư luận.

Theo bản phụ lục hợp đồng cuối cùng cho biết, sau khi hoàn tất chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai, Công ty Tân Thuận thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Đây là con số “bé hạt tiêu” so với giá trị thực tế của khu đất ven sông thuộc vào hàng đắc địa tại khu vực Nam Sài Gòn hiện nay, theo Người Tiêu Dùng.

Vào ngày 18/4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã họp nghe Văn phòng Thành ủy báo cáo việc chuyển nhượng phần diện tích đất tại khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Qua thảo luận, Ban Thường vụ Thành ủy nhận thấy:

Việc ký kết hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU, ngày 31-3-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH Một thành viên thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố.

Yêu cầu công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng, không đồng ý việc bán chỉ định.

Con đường lớn của dự án Phước Kiển A nhìn sang khu đất hơn 90 ha của Công ty QCGL. (Ảnh: Thanh Niên)

Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, khu đất đã được chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, theo số liệu báo Người Tiêu Dùng có được thì tính đến ngày 22/8/2017, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã thanh toán và Công ty Tân Thuận đã nhận hơn 335 tỷ đồng.

Dù tại buổi làm việc với Báo Người Tiêu Dùng vào ngày 17/4/2018, bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết: trường hợp xấu nhất Quốc Cường Gia Lai sẽ trả lại đất này.

Khu đất của ông Nh. nhìn sang khu dân cư Phước Kiển A cách con rạch nhỏ. (Ảnh: Thanh Niên)

Tuy nhiên, theo bà Loan, Công ty Tân Thuận phải trả lại lãi vay, phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại ở đây theo bà Loan hiện nay Công ty Quốc Cường đang san lấp mặt bằng và các công tác liên quan tới việc triển khai dự án.

“Chúng ta ra tòa, dù là nhà nước cũng phải ra tòa rất là rõ ràng, không thể ép doanh nghiệp được, doanh nghiệp không sai. Nếu như là tài sản công sản mà chị vẫn cứ cố tình mua, không ra đấu giá thì chị mới sai, quá sai rồi”, bà Loan cho biết thêm.

Trở lại với việc lô đất 324.971m2 (32,4 ha) của công ty trực thuộc Văn phòng Thành ủy bán với giá bèo, qua xác minh cho thấy, thương vụ chuyển nhượng diễn ra hết sức “âm thầm” thay vì đưa ra đấu giá công khai, rộng rãi để đạt được mức giá tốt nhất thu về cho ngân sách Nhà nước.

Cũng không hiểu tại sao, sự “âm thầm” này chỉ mình Quốc Cường Gia Lai biết được và nhanh tay vung ra 419 tỷ đồng để thâu tóm công sản, trục lợi hàng ngàn tỷ đồng.

Theo nguồn tin riêng trong cuộc họp ngày 18/4 cho PV Báo Người Tiêu Dùng biết, ngoài Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện, chính ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo và quyết định chấp thuận bán chỉ định phần đất công sản này.

Cần chỉ rõ ai đã làm sai

Liên quan vụ chuyển nhượng đất nói trên, trong văn bản báo cáo Ủy ban Chứng khoán và các cổ đông, Công ty QCGL xác nhận đã nhận chuyển nhượng 32,4 ha trên tổng số 50 ha đất tại xã Phước Kiển, H.Nhà Bè từ Công ty Tân Thuận. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 632 tỷ đồng (có thuế giá trị gia tăng – VAT) và 574,4 tỷ đồng (chưa có VAT). Giá chuyển nhượng ban đầu là 1,29 triệu đồng/m2.

Công ty QCGL khẳng định quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 32,4 ha mà Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty QCGL 100% không phải là đất công và việc chuyển nhượng này cũng không phải thông qua đấu giá.

Tuy nhiên, lãnh đạo một vụ chức năng của Bộ Tài chính cho rằng, Công ty Tân Thuận có vốn chủ sở hữu 100% là của Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Do đó, việc sử dụng vốn, tài sản phải áp dụng theo cơ chế, quy định liên quan tới DN nhà nước, theo Thanh Niên.

Diện tích đất nông nghiệp thuộc sở hữu của Công ty Tân Thuận, nếu nhà nước giao cho Văn phòng Thành ủy TP.HCM và đơn vị này cho công ty thuê lại thì khi chuyển nhượng phải áp dụng theo luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 01 năm 2017 của Chính phủ; khi Công ty Tân Thuận không đủ năng lực để thực hiện dự án hoặc không còn mục đích sử dụng thì Văn phòng Thành ủy TP.HCM sẽ thu hồi lại, tổ chức bán đấu giá chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất kinh doanh. Các nhà đầu tư nộp hồ sơ, đấu giá công khai, ai trả giá cao nhất sẽ được ưu tiên chuyển nhượng.

Ở một khía cạnh khác, PGS-TS Ngô Trí Long phân tích thêm, trong thương vụ này có một bên đại diện cho sở hữu tài sản của nhà nước nên nếu không tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì người trực tiếp ký vào hợp đồng bán đất phải chịu trách nhiệm. Cần xem lại hợp đồng sai ở đâu, vì lý do gì và đặc biệt quan trọng phải chỉ ra ai đã làm sai.

Mạnh Tiến (TH)

Exit mobile version