Đại Kỷ Nguyên

Bác sĩ già 14 năm tặng ‘đôi chân, cánh tay’ cho người khuyết tật

Bác sĩ Đô với công việc chế tạo những bộ tay chân giả. (Ảnh: Dân Việt)

Ngoài 70 tuổi, hàng ngày bác sĩ Lê Thành Đô vẫn miệt mài làm việc trong xưởng sản xuất chân tay giả tại Hà Nội. Đến nay, ông đã giúp cho hơn 600 người khuyết tật có bộ phận cơ thể mới để cuộc sống thuận lợi hơn. 

https://doctinnhanh.net/stores/video_data/tranhien/072018/31/14/bacsilethanhdo_10801.mp4
Xưởng dụng cụ chỉnh hình của bác sĩ Lê Thanh Đô. (Video: VTV24)

Trong căn nhà nhỏ ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) của bác sĩ Lê Thành Đô (73 tuổi) – nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Chỉnh hình (Đại học Lao động Xã hội) giống như một “bệnh viện thu nhỏ” với đầy đủ thiết bị phục vụ việc chế tạo ra những đôi tay, đôi chân giả.

Bác sĩ Đô vốn là thương binh với tỷ lệ thương tật 61%. Sau khi về hưu năm 2006, ông đã mở xưởng chế tạo chân tay giả cho người khuyết tật ngay tại ngôi nhà trong khu tập thể của mình.

Bác sĩ Đô chia sẻ với Báo Dân Việt, ông cũng là người khuyết tật nên hiểu và cảm thông được sự khó khăn, cực nhọc khi cơ thể bị khiếm khuyết một phần. Chính vì vậy, ông dành những đồng lương hưu, lương trợ cấp thương binh để mở xưởng sản xuất, mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị làm chân tay giả.

“Vì thông cảm với những người khuyết tật nghèo, không có tiền, nên tôi mở xưởng để giúp những người tàn tật nghèo bằng dụng cụ chỉnh hình”, bác sĩ Đô nói.

Cứ vào cuối tuần, xưởng sản xuất chân tay giả của bác sĩ Đô lại tập trung rất đông những người khuyết tật. Họ đến từ nhiều nơi và mức độ thương tật khác nhau, nhưng tất cả đều chung mong muốn có một bộ phận cơ thể mới để có thể tự tin hòa nhập vào cuộc sống.

Những người được bác sĩ Đô giúp đỡ đều những khó khăn và mong muốn có đôi tay đôi chân để tự mình có thể sinh hoạt. (Ảnh: Lao Động)

Vị bác sĩ này cho biết, quá trình làm được một chiếc chân, tay giả mất khoảng 2-3 ngày, từ việc thử chân, đổ bột, mài giũa sao cho phù hợp với từng người… Trong đó, khó nhất là khâu kỹ thuật áp dụng sao cho khéo léo, tinh xảo.

Ngoài việc thăm khám cho các bệnh nhân, làm dụng cụ chỉnh hình miễn phí, ông còn động viên và tư vấn cho bệnh nhân cách tập, vận động để phục hồi khả năng đi lại, sinh hoạt.

Tuy nhiên, ông không làm 1 mình mà còn có sự hợp sức hỗ trợ của 3 người bạn đã về hưu cùng một số học trò.

Niềm hạnh phúc của người bác sĩ đó là nhìn bệnh nhân của mình hòa nhập được với cộng đồng nên công rất miệt mài với công việc của mình. (Ảnh: Dân Việt)

Theo Lao Động, lúc đầu, kinh tế còn thiếu thốn, cả năm bác sĩ Đô mới giúp được cho vài người. Sau đó, ông đã liên hệ với các tổ chức Unireach International của Mỹ, YoungSan-Choyoungki Foundation, Hanoi – Corea Church, Mr. Rodd Man… để kêu gọi các Mạnh Thường quân tài trợ.

Bắt đầu làm từ thiện từ cuối năm 2004, đến nay đã 14 năm, bác sĩ Đô đã trao tặng cho hơn 600 người khuyết tật 1 bộ phận cơ thể mới. Những người được ông giúp hầu hết là trẻ em và người có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, 600 người nhờ vị bác sĩ già này mà “có tay, có chân” trở lại. (Ảnh: Dân Việt)

Vị bác sĩ già tâm sự, ông cho đi nhưng không mong nhận lại, niềm hạnh phúc chính là được nhìn thấy bệnh nhân khuyết tật sống với chính mình. Nhiều người sau khi được lắp chân giả có được công việc phù hợp để mưu sinh như: thợ điện, xe ôm, bán hàng… “Tôi sẽ còn làm công việc này cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa”, bác sĩ Đô tâm sự.

Sắp tới, bác sĩ Đô ấp ủ dự định mở rộng thêm xưởng sản xuất để Trung tâm Tư vấn Trợ giúp Dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật ngày càng giúp được nhiều mảnh đời khó khăn hơn.

Bao năm qua, đôi tay khéo léo, trái tim nhân hậu cùng với tấm lòng vàng của những người như bác sĩ Thành Đô cùng đồng nghiệp đã mở ra những hy vọng mới và tương lai cho người khuyết tật.

An An

Exit mobile version