Đại Kỷ Nguyên

AEON và Fivimart chính thức chia tay sau 3 năm hợp tác

Địa chỉ siêu thị Fivimart tại tòa nhà Trung Yên 1, Trung Hòa, Cầu Giấy. (Ảnh: Kinh tế và Tiêu dùng)

Sau 3 năm hợp tác cùng AEON, Fivimart tuy có mở rộng về quy mô và tăng trưởng doanh thu nhưng lại phải đối diện với những khoản lỗ lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ngày 28/9, VnExpress dẫn lời lãnh đạo Tập đoàn Nhật Bản AEON cho biết, công ty đã hoàn tất việc "chia tay" và nhượng lại cổ phần tại chuỗi siêu thị Fivimart cho một doanh nghiệp trong nước. Không tiết lộ về giá trị thương vụ song vị lãnh đạo này cho rằng việc ngưng hợp tác với Fivimart nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp.

Fivimart cũng đã công bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu đến các đối tác, khách hàng. Cụ thể, từ ngày 28/9, Fivimart sẽ chỉ sử dụng logo Fivimart mà không đặt kèm logo AEON như 3 năm hợp tác vừa qua. Trên trang fanpage chính thức của hệ thống này cũng đã cập nhật ảnh đại diện mới, và không còn thương hiệu AEON đính phía trước. Còn trên website của hệ thống này cũng ngừng hoạt động để sửa chữa và nâng cấp.

Logo trên fanpage của Fivimart không còn bóng dáng của AEON. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Báo Pháp Luật TP. HCM, trước thời điểm AEON và Fivimart hợp tác, Fivimart liên tục phải đóng cửa các siêu thị tại TP. HCM vì lý do tài chính. Trong khi Fivimart đang loay hoay tìm lối thoát thì đại gia bán lẻ hàng đầu của Nhật là Aeon đề nghị hợp tác bằng cách mua lại 30% cổ phần.

Kết quả kinh doanh của Fivimart sau 3 năm kết hợp cùng Aeon. (Ảnh: Kinh tế và Tiêu dùng)

Tại thời điểm bắt tay hợp tác năm 2015, Fivimart có 10 siêu thị, nay là 23 siêu thị. Doanh thu năm 2015 chỉ là 1.075 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên 1.269 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau ba năm hợp tác với AEON, lợi nhuận của Fivimart lại không mấy khả quan khi vẫn tiếp tục thua lỗ kéo dài.

Fivimart cho biết năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 60 tỷ đồng, đến năm tiếp theo số lỗ đã lên 96 tỷ đồng. Trong năm 2017, tình hình có cải thiện nhưng Fivimart vẫn lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.

Bình luận về sự kiện này, ông Lý Trường Chiến, chuyên gia thương hiệu, nói: “Khi hợp tác, các bên đều có những mục tiêu chung và riêng. Họ định hướng theo thời gian sẽ đạt được những mục tiêu kinh doanh nào đó, nếu không thì các bên phải nói lời chia tay. Việc lỗ quá nặng nề có thể là một trong các yếu tố đẩy nhanh tiến trình thoái vốn của AEON khỏi Fivimart”.

Theo ông Chiến, đây là một cuộc chia tay đầy đáng tiếc. Một doanh nghiệp phân phối Việt sẽ không còn bệ đỡ từ nguồn lực, mối quan hệ, hệ thống logistics của nhà đầu tư ngoại vốn đầy kinh nghiệm phát triển hệ thống phân phối quốc tế.

(Tổng hợp)

Exit mobile version