Đại Kỷ Nguyên

80% tài xế xe ôm Grab là sinh viên thất nghiệp?

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban kinh tế Quốc hội ngày 17/10 tại Đà Nẵng, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, đã lên tiếng chất vấn về công tác tạo công ăn việc làm cho người dân.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đó cho biết kinh tế Việt Nam năm 2017 dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7%, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 202 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước đạt 17 tỷ USD, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế năm 2017 tăng lên vị trí 55/137 quốc gia.

Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đang rất chậm.

“Tốc độ giải ngân thế này thì làm sao đạt 6,7% tăng trưởng GDP. Mà nếu đúng thì làm sao năm 2018 lại đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ 6,5% thôi. Đang đà tăng trưởng tốt mà đặt (mục tiêu) thụt lùi như vậy thì rất đáng suy nghĩ. Làm kinh tế mà thấy như vậy thì rất buồn”, ông Lợi nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi chất vấn tại phiên họp. (Ảnh: PLO)

Không đồng tình với báo cáo cho rằng hơn 1,6 triệu công ăn việc làm đã được tạo ra, ông Lợi nói: “Tôi đi khảo sát thì 80% chạy Grab xe ôm là sinh viên ra trường thất nghiệp mới làm việc đó. Như vậy thì đào đâu ra con số hơn 1,6 triệu lao động mới”.

Theo vị đại biểu quốc hội này, Việt Nam đã trải thảm đỏ mời chào nhà đầu tư nước ngoài vào trong một thời kỳ dài, nhưng họ chỉ sử dụng lao động phổ thông và thủ công.

“Sắp đến cách mạng công nghiệp 4.0 tràn vào nước ta, các doanh nghiệp đều nói họ sẽ thay lao động thủ công bằng bán cơ khí và robot thì nhiều lao động sẽ không có việc làm”, ông nói.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, lương cơ sở tại Việt Nam trong những năm qua liên tục được điều chỉnh, nhưng lại tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động. Năm 1993, lương cơ sở là 120.000 đồng thì năm 2017 là 1,3 triệu đồng. Như vậy, trong 24 năm qua, lương cơ sở tăng 10,87%/năm nhưng năng suất lao động mỗi năm chỉ tăng vài phần trăm.

Với số liệu đó, vị đại biểu này đặt ra nghi ngại về hiệu quả của nền kinh tế.

Minh Tuệ – Theo PLO

Exit mobile version