Đại Kỷ Nguyên

5 bộ cùng siết, hàng hiệu dởm gắn mác hàng xách tay vẫn bán tràn lan

Sau chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu 5 bộ ngành tăng cường quản lý hàng xách tay, nhiều lô hàng vượt chỉ tiêu miễn thuế bị “tắc” ngoài cảng. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, hàng xách tay vẫn được các cửa hàng rầm rộ mời chào “hàng chính hãng vừa về”.

Chia sẻ trên Thanh niên, nhiều tiểu thương chuyên nhận đặt hàng và vận chuyển hàng xách tay từ Mỹ về Việt Nam than thở các lô hàng về số lượng lớn rất khó thông quan lúc này. Nguyên nhân là do cơ quan hải quan đang siết chặt quản lý nên những lô hàng vượt chỉ tiêu miễn thuế sẽ bị “tắc” ngoài cảng.

Tuy nhiên, tại một số cửa hàng thời trang áo quần, mắt kính, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ở Tp.HCM, các chủ hàng vẫn mời chào “hàng xách tay vừa về”.

Tại một cửa hàng thời trang T.O trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), gọng kính cận hiệu Chanel và Dior được khẳng định hàng xách tay chính hãng, bán đồng giá 2,5 triệu đồng/cái. Khi người mua còn phân vân, người bán lập tức giảm giá xuống 2,2 triệu đồng và cuối cùng là 2 triệu đồng, tặng kèm hộp chính hãng.

Trong khi đó, cùng gọng kính Dior này, giá bán tại cửa hàng miễn thuế sân bay Singapore tính ra tiền Việt khoảng 4,2 triệu đồng.

Hàng xách tay được quảng cáo hàng hiệu nhưng giá chợ vẫn được rao bán tràn lan trên thị trường. (Ảnh: Thanh niên)

Tại “thủ phủ” hàng xách tay trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), rất nhiều cửa hàng gắn bảng hàng nhập xịn của các thương hiệu nổi tiếng. Điều đáng nói ở các cửa hàng này là giá gốc bằng ngoại tệ và giá tiền đồng chênh lệch một trời một vực. Ghé vào một cửa hàng thời trang tại đây, túi xách Coach in giá trên sản phẩm là 499 USD, nhưng giá Việt dán bên dưới là 5,6 triệu đồng (rẻ hơn một nửa giá gốc).

Ngoài hàng xách tay giá rẻ, điệp khúc “hàng xuất dư” được nhiều cửa hàng thời trang lớn, trung tâm mua sắm chào mời khách.

Tại cửa hàng chuyên bán quần áo xuất khẩu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quần 1), các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Banana Republic, Gap, Old Navy, Espirit… đều có mặt. Người bán khẳng định đây đều là hàng chính hãng, do có mối quan hệ nên nên khi xuất dư, cửa hàng sẽ “ôm” để bán cho khách lẻ. Một chiếc váy hiệu Warehouse (của Anh) có giá đính bên trong sản phẩm là 59 USD (1,3 triệu đồng), nhưng giá Việt dán bên dưới chỉ 360.000 đồng (rẻ bằng 1/3 giá gốc).

Trong khi đó, theo một số đại lý chuyên nhận đặt hàng từ nước ngoài, giá hàng thời trang, mỹ phẩm xách tay về đến Việt Nam cộng thêm 5% công mua, 5-9% thuế (tùy sản phẩm), phí vận chuyển 11-12 USD/kg… nên thường cao hơn khoảng 20-25% so với giá gốc, do đó không thể có hàng xách tay chính hãng giá chợ như vậy.

Đối với hàng xuất dư, một chủ xưởng may gia công hàng xuất khẩu tại huyện Củ Chi, Tp.HCM, cho biết khi đặt hàng, các tập đoàn có quy định rất chặt về tiêu hủy, bỏ tên thương hiệu ra khỏi những sản phẩm lỗi. Nếu để bị phát hiện đưa ra thị trường hàng hóa lỗi, doanh nghiệp sẽ bị ngưng hợp đồng và bị phạt rất lớn. Vì vậy, không thể có hàng xuất dư bán tràn lan như vậy.

Trước đó, chia sẻ trên VOV về tình trạng hàng xách tay nở rộ tại Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng hàng xách tay chính là hàng lậu đang thao túng thị trường, chèn ép hàng nội địa.

Ông Phú đơn cử, một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa…Sở dĩ hàng xách tay có đất sống là vì tâm lý chuộng hàng ngoại, giá lại rẻ so với chính hãng.

Lợi dụng tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay. Thị trường hàng xách tay hoạt động công khai, tràn lan trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 5 bộ, ngành tăng cường quản lý hàng xách tay, Tổng cục Hải quan cũng ra văn bản siết hàng xách tay. Song, ông Phú cho rằng văn bản ra là 1 chuyện, vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào lại là chuyện khác.

Nguyễn Trang

Exit mobile version