Đại Kỷ Nguyên

Trẻ yêu ở tuổi dậy thì, cha mẹ nên làm gì: Treo biển cấm hay vẽ đường cho hươu chạy?

Trong lúc dọn nhà chị Hà vô tình nhặt được một lá thư tình của một bạn trai gửi cho con gái đang học lớp 9, chị bỗng thấy giật mình hoảng hốt. Bởi con gái dù đã 15 tuổi, cao hơn mẹ, nhưng với chị nó vẫn chỉ là một cô bé con, non nớt, ngây thơ. Vậy mà giờ chúng đã tập tành chuyện yêu. Bối rối chị gọi điện cho chồng và giục anh về bàn chuyện con gấp.

Cả ngày hôm đó chị Hà cứ bần thần với những suy nghĩ con mình đã lớn trước tuổi, hay giờ là lúc chúng đã biết yêu hay tại chị chưa quan tâm sát sao đến con gái. Rồi chị lại lo, lo rằng con yêu sớm sẽ xao nhãng chuyện học hành, rồi lại lo chúng đi quá giới hạn của tuổi học trò và chị còn căng thẳng hơn khi nhớ đến những vụ trẻ bị xâm hại, bạo hành gần đây. Chợt nhớ ra có cô bạn dạy tâm lý trong trường sư phạm, chị Hà liền hẹn gặp mặt bạn để mong được tư vấn.

Mất một buổi chiều ngồi nói chuyện chị Hà mới thở ra nhẹ nhõm, song chị cũng được cập nhật rằng trong xã hội hiện đại ngày nay, trẻ yêu sớm trong độ tuổi dậy thì là một điều không quá khó hiểu nhưng lúc này vai trò bố mẹ lại rất quan trọng để chúng không bị lạc hướng.

Lứa tuổi vị thành niên đang trưởng thành về mặt cơ thể và tâm sinh lý. Đến giai đoạn này, trẻ có sự chuyển biến lớn về hành vi cư xử đối với cha mẹ, bạn bè và những người xung quanh; đặc biệt, có ý thức về giới tính, và bắt đầu biết rung động. Đây là cảm xúc tự nhiên của con người nên việc cấm kị trẻ không được yêu sớm không hẳn đã là đúng. Do vậy cách quan tâm, giáo dục của cha mẹ trong thời điểm này là điều vô cùng cần thiết.

Lệnh cấm dễ dẫn đến tiêu cực

(Ảnh: Xa Luan)

Khi bước vào độ tuổi dậy thì hay còn gọi là tuổi teen (từ 15 đến 18 tuổi), trẻ chưa hẳn đã lớn nhưng đã có nhận thức về những việc mình làm đặc biệt là tinh thần trách nhiệm. Cha mẹ không thể cấm trẻ yêu vì đó thuộc về “cảm xúc”. Lứa tuổi này thích tự làm theo ý mình mà không muốn lắng nghe ý kiến cha mẹ, vì thích khám phá những điều xung quanh và “tập làm người lớn” nên cha mẹ càng quản càng chặt thì sự phản kháng của con cái càng lớn.

Thực ra “dậy thì là khoảng thời gian cha mẹ cần quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu con cái nhất để có những định hướng kịp thời cho tâm lý của con”. Khi dậy thì, trẻ có sự thay đổi rõ rệt cả về thể chất và tinh thần, biết quan tâm chăm sóc cho nửa còn lại chỉ bằng những hành động nhỏ như đưa đón bạn gái đến trường, cùng nhau đi ăn, đi chơi sau mỗi giờ tan trường. Còn bạn gái thì quan tâm chàng trai bằng cách mua đồ ăn sáng cho 2 đứa ăn chung mỗi ngày, cùng nhau ngồi làm bài, cùng nhau học tập, đôi khi là những cái nắm tay nhẹ nhàng cũng đủ để vui cười hạnh phúc.

Đối với tình yêu tuổi dậy thì cha mẹ càng cấm đoán, các bạn trẻ càng kháng cự mạnh. Độ tuổi này rất nhạy cảm, khi ấy nếu bố mẹ can thiệp không khéo léo sẽ dẫn đến trẻ suy nghĩ tiêu cực cho rằng cha mẹ không còn thương mình, có trường hợp còn bỏ nhà ra đi, tự hủy hoại tương lai bằng những thói xấu của xã hội hay tệ hại hơn là tìm đến cái chết.

Yêu tuổi dậy thì: Treo biển cấm hay vẽ đường cho hươu chạy? (Ảnh: Klocher.sk)

Hãy dạy trẻ biết cách yêu

Không cấm đoán mà “dạy trẻ biết cách yêu” chính là những điều mà các nhà tâm lý hướng đến các bậc cha mẹ khi tư vấn tình yêu tuổi dậy thì. Đâu phải cứ là cha mẹ là có thể quyết định mọi thứ của con, là sắp đặt cho con việc này việc khác. Ở độ tuổi dậy thì các bạn trẻ cũng muốn mình trở thành một người lớn, một người trưởng thành và quyết định tương lai của mình. Thay vì ngăn cấm, cha mẹ hãy đóng vai trò như một người bạn tâm tình có thể trò chuyện cùng con mọi lúc, mọi nơi, là nơi mà con có thể chia sẻ mọi tâm tư mà không cần suy nghĩ. Khi đó cha mẹ hãy dạy trẻ biết yêu bằng cách.

(Ảnh: Suckhoevabe)

Người cha hãy nói chuyện với con như hai người đàn ông để con trai cảm thấy mình được tôn trọng như một người lớn tuổi thực sự. Khi trò chuyện cha hãy dạy con thế nào là trách nhiệm của một người đàn ông khi yêu người phụ nữ để con hiểu được việc nào nên làm, việc nào không nên làm và việc học vẫn phải được ưu tiên hơn tất cả. Còn mẹ hãy chia sẻ với con bằng cách, bảo con mời bạn nữ về nhà chơi, nấu cơm ăn uống cùng nói những chuyện vui cười nhưng lồng vào đó là những bài học tâm lý cho 2 bạn trẻ. Khi con cái đã coi bố mẹ là những người bạn thì chuyện chia sẻ cũng trở nên dễ dàng hơn, khi đó chúng sẽ kể cho cha mẹ nghe từ những chuyện nhỏ nhất như hai đứa yêu nhau như thế nào, giận nhau ra sao… Từ đó mà những bậc làm cha làm mẹ dễ kiểm soát hành động của con hơn.

Còn nếu không trò chuyện tâm sự và bắt con làm theo ý kiến chỉ đạo của mình thì cha mẹ cũng biết hậu quả rồi đấy. Ở độ tuổi này trẻ rất tò mò về của người yêu nhất là đối với các bạn nam nên cha mẹ phải dạy cho trẻ biết cách yêu, đừng ngại mà lảng tránh không đối mặt với xã hội thực tế ngày nay.

Khéo léo trong cư xử

Tình yêu bọ xít (Ảnh: Efnews)

Mặc dù các bậc phụ huynh thường coi thường “tình yêu bọ xít” của trẻ nhưng hãy hiểu rằng, đây là những cảm xúc tuyệt vời nhất mà con của bạn đã trải qua cho đến thời điểm này.

Dẫu cha mẹ biết trước tình yêu này thường chẳng bền lâu nhưng cũng tuyệt đối không được dùng mọi biện pháp đe dọa, ngăn chặn bởi điều này có thể gây ra một số hậu quả tiêu cực, đặc biệt với những đứa trẻ có cá tính mạnh.Thanh thiếu niên là độ tuổi rất nhạy cảm, do vậy, các bậc cha mẹ cần suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra bất kỳ lời nói nào về các mối quan hệ của chúng.

Ở giai đoạn này, các cô cậu có xu hướng thân thiết với bạn bè hơn những người trong gia đình. Đa phần những đứa trẻ thích chia sẻ tâm sự với bạn bè hơn.

Điều này cũng dễ hiểu bởi chúng cho rằng, suy nghĩ của cha mẹ thường cổ hủ và áp đặt. Trong khi đó, những người bạn thân thiết luôn khuyến khích chúng làm theo những gì trái tim mách bảo.

Chia sẻ về tuổi teen của mình

Chia sẻ với con về tình yêu đầu đời của mình. (Ảnh: RadioMe)

Sự thật là mặc dù có khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái nhưng những giai đoạn phát triển và quá trình thay đổi tâm sinh lý của con người đều giống nhau.

Thời niên thiếu của cha mẹ cũng đã từng biết yêu, biết lo lắng khi bị gia đình phát hiện. Chia sẻ với con về thời “oanh liệt” của mình là cách tốt nhất để gần con hơn, giúp chúng mở lòng chia sẻ với cha mẹ khi cần thiết.

Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, trẻ có cơ hội giao lưu bạn bè nhiều hơn nhưng đồng thời cũng có thể dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, đặc biệt là khi chúng được tiếp xúc với Internet và các thiết bị điện tử. Nếu bạn biết con đã đi quá xa, cần phải trao đổi với trực tiếp với chúng, tránh gặp rắc rối cho sau này.

Tạo ra những hoạt động bổ ích

Trẻ vị thành niên luôn có thừa năng lượng. Nếu không biết giáo dục đúng cách có hể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Gia đình nên khuyến khích chúng dành một phần thời gian cho sở thích, học một loại nhạc cụ hay chơi thể thao sẽ khiến cuộc sống của trẻ thú vị hơn.

Vũ Linh

Exit mobile version