Đại Kỷ Nguyên

Xúc động người vợ cụt 2 chân suốt 5 năm chăm chồng liệt nửa người trong bệnh viện

Người ta cho rằng khổ đau sẽ vơi đi, gian khó sẽ bớt lại và hạnh phúc sẽ trở nên trọn vẹn nếu bên ta là một người bạn đồng hành. Câu chuyện mối nhân duyên trùng hợp đôi vợ chồng tật nguyền dưới đây phần nào minh chứng cho điều ấy là sự thật.

Mỗi ngày bước chân thoăn thoắt của người phụ nữ có dáng hình đặc biệt ấy cứ đều đặn qua lại mấy dãy hành lang của bệnh viện 108. Nhiều người nhìn chị bằng ánh mắt tò mò, chị đi rất nhanh không phải vì ngại mà vì chồng chị còn đang đợi bên trong, anh ấy đang đau, đau hơn chị rất nhiều. Ít nhất là lúc này…

Chị Nguyễn Thị Đào bị tật nguyền bẩm sinh, nên không thể đi lại như bao người. Cho đến năm 20 tuổi, sau cuộc phẫu thuật thành công chị Đào mới cảm nhận được thế nào là bước chân tự do và hạnh phúc của một người bình thường. Chị trở về học nghề, đi làm may rồi lập gia đình và sinh con.

Tuy nhiên, hạnh phúc hiếm khi kéo dài mãi, 10 năm sau, vết thương trên đôi chân của chị bị nhiễm trùng. Sau khi hội chẩn các bác sĩ thông báo, chị cần làm phẫu thuật cắt bỏ đôi chân từ phần bắp trở xuống. Cái tin như sét đánh ngang tai làm chị Đào muốn ngã quỵ, chị nghĩ rằng chỉ còn chồng mình là điểm tựa hy vọng duy nhất có thể cứu chị thoát khỏi sự thật bàng hoàng này. Nhưng nào ngờ, anh chồng hay tin đã dứt áo bỏ chị lại bơ vơ cùng hai đứa con thơ dại.

Trước mắt chị, cả bầu trời xanh trong chỉ trong nháy mắt hóa thành những đám mây đen che lấp phía trước. Chị hoang mang và gần như lạc lối, khi cố gắng vũng vẫy trong những đau đớn, trong nỗi tuyệt vọng cuối cùng của đời người, chị chợt nhớ ra, sau cơn mưa bầu trời sẽ sáng, tất cả đều chưa phải cuối cùng. Như được tiếp thêm sức mạnh cho tâm hồn, chị lên bàn mổ với tâm thái sẵn sàng và niềm tin tái sinh một cuộc đời mới dẫu có thêm nhiều khó khăn hơn.

Phục hồi sau ca phẫu thuật lần II, chị về nhà cùng hai đứa con thơ đang đợi. Chị Đào tự mày mò làm cho mình một đôi dép cao su đặc biệt, gắn vào phần chân để tiếp tục cuộc sống mưu sinh.

Trong một lần đi bán tăm ở chợ chị gặp anh Nguyễn Văn Cường người quê Thái Nguyên. Cách đây 14 năm, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã làm người đàn ông khỏe mạnh bị đứt ruột, hỏng một bên thận, gãy hai xương sườn và liệt tủy sống. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện Việt Đức, anh Cường trở về nhà cùng gia đình, chưa được bao lâu thì vợ bỏ anh mà đi cùng hai đứa con nhỏ.

Hai con người tuy chẳng chung đường nhưng chung một số phận, cảm thông nỗi bất hạnh của cuộc đời, họ quyết định về chung một nhà để cùng nhau bắt đầu lại. Năm 2012, anh chị nên duyên vợ chồng, căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười, 4 đứa con tuy không cùng cha cùng mẹ nhưng rất biết yêu thương và nhường nhịn lẫn nhau.

Hàng ngày, họ cùng nhau đi hát rong, anh hát và chị đi bán mấy món hàng nhỏ lặt vặt. Tuy nhiên, yên ấm chưa được bao lâu, bệnh tình của anh Cường chuyển biến xấu, đôi chân buộc phải cắt bỏ vì bị hoại tử. Anh không thể cùng vợ ra chợ mỗi ngày, trong nhà chỉ có một chiếc xe lam nhưng cũng đã phải bán để lấy tiền chữa bệnh. Mọi gánh nặng cuộc sống đổ dồn lên đôi vai chị Đào.

Do các vết thương cũ mới đổ dồn lên thân thể cùng lúc, anh Cường phải nhập viện. Gần đây, bác sĩ đã tiến hành nạo phần thịt hoại tử bên trong khiến anh đau đớn khôn tả, nhiều đêm thức trắng mà không thể chợp mắt, nhưng dường như tất cả nỗi đau đều không quá kinh khủng khi bên anh sớm hôm là người vợ tảo tần lo lắng chăm sóc.

Cơ thể anh Cường vốn yếu do các vết thương cũ chưa hoàn toàn hồi phục, anh phải nhập viện với các loại bệnh tật cũ mới. Gần đây nhất anh phải tiến hành nạo phần thịt hoại tử bên trong khiến cơ thể đau đớn, nhiều đêm thao thức không thể chợp mắt. Bên cạnh giường bệnh của anh chị Đào luôn túc trực chăm lo, không rời anh nửa bước. Biết cuộc sống vợ chồng còn nhiều vất vả anh Cường tâm sự: “Trong cuộc sống không ai vẹn toàn cả, mình không may bị thế này nhưng lúc nào cũng nghĩ phải lạc quan lên, nghĩ đến mấy đứa con mà cố gắng sống để chúng còn có bố”.

Còn chị Đào thì qua những lần ký cam kết cho chồng lên bàn mổ, cố gắng an ủi mình hãy tự tin nhưng đôi tay vẫn cứ luôn run rẩy. Chị nói: “Khó khăn thì mình phải khắc phục thôi, chứ nhà bây giờ cũng chẳng có ai. Chỉ mong lúc đi có 2 vợ chồng, khi về vẫn còn cả 2”. Trong khoảng thời gian chăm chồng ở bệnh viện, bằng đôi chân ngang bắp chị cứ thoăn thoắt đi đi lại lại chạy mua cái này cái kia chăm lo cho chồng.

Theo lời các bác sĩ, nếu chị tiếp tục di chuyển như hiện tại thì đầu gối sẽ nhanh chóng bị hỏng và khả năng cao phải cắt bỏ. Được biết chi phí bỏ ra để có được đôi chân giả là 300 triệu đồng, hai vợ chồng chị chẳng dám mơ tới. Chị Đào chia sẻ: “Số tiền đó là quá sức với vợ chồng mình. Giờ mình chỉ mong anh ấy nhanh chóng bình phục để ra viện. Còn đôi chân trụ được ngày nào hay ngày ấy”.

Đã 5 năm chăm chồng trong bệnh viện bằng đôi chân tật nguyền, dù chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, chị Đào chỉ biết rằng sẽ cùng anh trải qua những ngày tháng này cho dù có khó khăn đến mấy. Lạc quan đôi khi cũng là niềm tin để chị bước tiếp, chị nghĩ rằng mình sẽ chẳng làm được gì nếu như thiếu đi hy vọng và tự tin.

Đôi khi cuộc đời có những mối lương duyên sâu đậm đến lạ. Hai con người, hai đoạn đường chẳng chung khúc nhưng chung một số phận. Dường như, ông Trời sớm đã biết trước số kiếp này, nên sắp xếp cho hai người chịu chung một cảnh đời, để đến khi kiếp nạn xảy đến có thể cảm thấu nỗi đau của nhau mà an ủi nhau cùng vượt qua sóng gió. Người ta nói, tận cùng của khổ đau chính là hy vọng. Quả đúng là như vậy, phải đến khi bước đến ngưỡng cửa của tuyệt vọng, hai anh chị mới có thể chạm đến được sợi dây ân tình, nó vô hình nhưng không gì có thể cắt đứt.

Gia Viên – Hồng Tâm 
Nguồn ảnh: Giadinhmoi

Xem thêm:

Exit mobile version