Đại Kỷ Nguyên

Xúc động khoảnh khắc mẹ Nhật để con tự đi bộ tới trường trong ngày đầu tiên

Ngày đầu tiên đi học sẽ mãi là một kí ức không thể xóa nhòa trong tâm trí của mỗi chúng ta. Nhưng ngày đáng nhớ ấy cũng sẽ được lưu lại trong trái tim của một người khác nữa, như một kí ức trân quý về sự trưởng thành. Đó là trong trái tim của mẹ. 

Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội đang lưu truyền một clip ngắn rất cảm động, ghi lại ngày đầu tiên đến trường của một em bé Nhật Bản. Trong đoạn phim ngắn nhẹ nhàng và dễ thương ấy, không chỉ có sự sợ hãi, lo lắng mà còn hàm chứa rất nhiều những thông điệp về sự trưởng thành của hai nhân vật chính.

Có một sự khác biệt thú vị giữa người Nhật và người Việt. Vào ngày khai trường, tuy các bé và bố mẹ đều có chút bồi hồi. Nhưng, người Nhật không dắt con tới lớp, không đi cùng con đến trường như các cha mẹ Việt. Họ để con… tự đi đến lớp.

Đối với mỗi đứa trẻ, việc phải rời xa mẹ, rời xa trường mẫu giáo là một sự kiện quan trọng. Đây được coi là bước trưởng thành đầu tiên trong cuộc đời của mỗi người. Là thời khắc mà các bé phải rời xa sự chăm chút của mẹ hơn nữa, sự vui vẻ của những thứ đồ chơi, để bắt đầu một cuộc sống mới, nhiều nhiệm vụ hơn.

Đó là lý do vì sao, như bao cô cậu học trò nhỏ khác, cô bé trong đoạn clip lo lắng và muốn mẹ đi cùng. Khuôn mặt tròn xinh của em không giấu được những cảm xúc này, những giọt nước mắt nhỏ như trực trào nơi khóe mắt.

Mẹ là người thấu hiểu con cái của mình nhất, chỉ cần nhìn con, mẹ có thể hiểu những điều đang diễn ra trong trái tim bé nhỏ. Để rồi, mẹ dùng bàn tay mềm ấm của mình nắm lấy tay con, đặt một câu hỏi như gợi nhớ “Đã hứa rồi phải không? Lên lớp 1 là không khóc nhỉ?”. Câu hỏi của mẹ là lời động viên mang thật nhiều sức mạnh. Nó gợi cho con nhớ rằng mình đã lớn, đã có thể dũng cảm hơn để ngăn dòng nước mắt. Bởi vì con đã hứa với mẹ, bởi vì mẹ luôn tin tưởng con, vì thế con sẽ làm được.

Với sự tin tưởng chắc chắn “con làm được” mà mẹ trao, bé bắt đầu bước những bước đầu tiên tới trường, những bước chân nhỏ chậm rãi, còn nhiều nghi ngại. Và rồi bé quay lại để nhìn mẹ, như để tìm thêm sự chắc chắn. Và mẹ luôn ở đó, ánh mắt dõi theo con.

“Bé rất hay khóc nhè, nhưng bé là một cô bé mạnh mẽ”, mẹ là người biết điều đó rõ hơn ai hết. Vậy nên hôm nay, khi để bé một mình tới lớp, nhìn thấy con có thể dũng cảm đối đầu, dũng cảm thực hiện lời hứa của mình, mẹ thực sự hạnh phúc. Bởi cô gái nhỏ của mẹ đã lớn thật rồi.

Nhưng, “mẹ cũng hơi buồn một chút đấy”.

Những hình ảnh của con từ khi lọt lòng, khi lên ba rồi lên năm cứ ùa về. Những phút giây con vui vẻ, những lúc con buồn, nhất là những khi con nỗ lực để làm một điều gì đó, mẹ đều được chứng kiến tất cả, được ở bên và cùng con trải qua. Nhưng từ ngày hôm nay, khi con đã có thể tự đến trường, những giây phút mẹ được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với con bắt đầu không còn nhiều như trước nữa. Học cách để thả đôi tay bé nhỏ của con, học cách đứng bên cạnh và dõi theo sự trưởng thành của con, với mẹ cũng không phải là một điều dễ dàng.

Nhưng vì con gái đã nỗ lực rất nhiều, nên mẹ cũng sẽ cố gắng. Mẹ sẽ kìm lại cảm giác muốn chạy theo và cầm đôi bàn tay bé xinh của con, dắt con đến lớp, ôm và hôn tạm biệt con. Bởi mẹ biết, điều tốt nhất mẹ có thể làm cho cô bé của mẹ lúc này là “gửi con yêu dấu vào cuộc hành trình”, là cùng con trở nên dũng cảm hơn. Vì mẹ biết để con có được cơ hội học cách tự lập, học cách vượt qua nỗi sợ của chính mình, học cách kiên cường bước tới mới là yêu thương con thực sự.

Vậy nên, dù rất muốn, nhưng mẹ sẽ chỉ nói thật to rằng “Đi nhé!”, để thêm một lần nữa ủng hộ tinh thần cho con, để con biết rằng không có nhiều điều phải lo lắng và sợ hãi bởi vì mẹ luôn ở đây.

Cô bé nghe thấy giọng nói của mẹ liền quay lại, đáp lại mẹ thật tự tin “Con đi ạ!”. Rồi sau đó, bước chân em trở nên mạnh dạn hơn và mang theo trong đó rất nhiều niềm vui và sự háo hức. Có lẽ lời chào của mẹ đã giúp em xóa bỏ được nỗi sợ hãi và sự ngập ngừng. Khuôn mặt em sáng lên theo từng bước chân. Có mẹ ở sau lưng, luôn dõi theo, luôn ủng hộ, con có được cảm giác an toàn để có thể cùng những người bạn mới “chinh phục” trường học mới mẻ và rộng lớn.

 

Khi con lên cấp ba, rồi vào đại học, cho tới khi con làm cô dâu và lần đầu tiên trở thành mẹ, tất cả những dấu mốc ấy đều giống như lần đầu tiên này, với cả mẹ và con. Trước những ngưỡng cửa mới của cuộc đời, con đều mang tâm trạng của cô bé lớp một ngày ấy bỡ ngỡ và đầy hồi hộp, âu lo. Còn mẹ, nếu có đủ may mắn được đi cùng con đến tận chặng này của cuộc hành trình, mẹ cũng sẽ mang trái tim của mình năm ấy: Hồi hộp cùng con, nhưng trên hết là thương con và mong cho con những điều tốt nhất.

Lần nào, mẹ cũng muốn dùng tất cả những gì mình có để đồng hành cùng con, để đi bên con. Nhưng kí ức về lần đầu tiên con tự mình đi học này lại nhắc nhở mẹ: Vị trí của mẹ là ở phía sau con, để có thể luôn dõi theo bước con đi. Ở đây, mẹ có thể để con được đi trên cuộc hành trình bằng chính đôi chân, lý trí và nghị lực của con. Nhưng không bao giờ con cảm thấy cô đơn, vì mẹ sẽ luôn chờ con, nếu con không may vấp ngã, hay khi con cần thêm động lực, cần một sự động viên.

Mẹ sẽ luôn ở đây để ôm con vào lòng khi con quay về, và để nói với con rằng: “Con của mẹ đã làm được rồi, con giỏi quá, mẹ chúc mừng con”.

Mẹ vẫn luôn yêu con theo cách của riêng mình!

Hy Văn

Exit mobile version