Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện về cậu bé 9 tuổi ‘xuyên đêm’ nhặt ve chai phụ mẹ giữa lòng Sài Gòn

9 tuổi – cái tuổi mà những ông bố bà mẹ Việt Nam hay gọi là “ăn chưa no, lo chưa tới”, và những đứa trẻ đa số còn mải chơi, chẳng mấy chuyên tâm đến gia đình. Nhưng đâu đó giữa Sài thành hoa lệ, một cậu bé 9 tuổi vẫn hằng ngày “xuyên đêm” nhặt ve chai phụ mẹ.

Cuộc đời của chị Yến

Chị Yến (mẹ của Nhí) tên thật là Trần Hồng Tâm, sinh ra ở Sóc Trăng. Lớn lên nhờ tình yêu thương của ông ngoại, chị chưa một lần được gặp ba mẹ ruột. Nhà ông ngoại rất nghèo nên tuổi thơ của bé Tâm chịu muôn vàn cực khổ. Cuối cùng, năm 10 tuổi, cô bé ấy đã đưa ra một quyết định táo bạo – bỏ nhà lên thành phố. Không người thân, không tiền bạc, cô gái bé nhỏ ấy đã bước chân vào cái thế giới xô bồ của thành thị như vậy.

Yến là cái tên mà chị Tâm đổi sau khi lên Sài Gòn như một cách để quên đi những ký ức không đẹp và bắt đầu một cuộc đời mới. Thế nhưng, cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là với những phận người nhỏ bé như chị Yến. Nay sống lay lắt nơi góc đường này, ngày mai lại ngủ vạ vật nơi xó chợ kia; lúc thì đi bán vé số khi thì đi nhặt ve chai, mọi thứ vậy rồi cũng qua…

Hai mẹ con chịu cảnh màn trời chiếu đất mãi tới khi Nhí 3 tuổi mới có tiền thuê một phòng trọ tử tế để ở.

Lớn lên chị thương một người con trai. Cứ ngỡ có chồng rồi thì cuộc sống sẽ bớt cơ cực, nào ngờ, ngày biết tin chị mang thai, anh bỏ đi không một lời từ biệt. Một lần nữa chị bơ vơ không điểm tựa, không niềm tin.

Ngày Nhí (tên thật là Hoàng Anh) chào đời là ngày hạnh phúc nhất của chị Yến, nhưng cũng là bắt đầu cho một hành trình gian truân mà chị Yến không biết tương lai rồi sẽ ra sao. Thế rồi, hai mẹ con đùm bọc nhau ở góc chợ Cây Gõ, chịu cảnh màn trời chiếu đất mãi tới khi Nhí 3 tuổi mới có tiền thuê một phòng trọ tử tế để ở.

Những đứa trẻ ngoan sẽ có quà

Lên 6 tuổi, Nhí đã theo chân mẹ đi khắp mọi nẻo đường Sài Gòn để nhặt ve chai. Những túi rác, thùng rác – với người ta là đồ bỏ đi, là thứ dơ bẩn lại trở thành một kho báu to lớn mà nhờ đó hai mẹ con họ mới có thể sinh tồn.

Mỗi đêm hai mẹ con chia ra hai ngã đường, rồi đến 12h đêm thì gặp nhau tại điểm hẹn để cùng nhau về nhà. Mấy tháng trước chị Yến gặp tai nạn phải nghỉ làm tận 10 ngày trời. Mấy ngày đó Nhí đi làm một mình, không có mẹ. Với chiếc xe đạp, mỗi tối Nhí bắt đầu công việc từ lúc 19 giờ và kết thúc vào 4 giờ sáng ngày hôm sau.

Mỗi tối Nhí bắt đầu công việc từ lúc 19 giờ và kết thúc vào 4 giờ sáng ngày hôm sau.

Tuy chỉ mới 9 tuổi nhưng nội lực của cậu bé quả vô cùng lớn. Niềm khát khao mưu sinh, lòng hiếu thảo của em đã khiến biết bao người rơi lệ vì cảm động. Ông Trời cũng thường tình mà cho hai mẹ con gặp được nhiều quý nhân. Đó là cô gái trẻ hàng xóm thường xuyên qua chơi, mua cho Nhí tập vở; là anh công an vẫn đều đặn mỗi tháng chở qua nhà cho hai mẹ con 5kg gạo để đỡ lo cái ăn; là cô gái gặp trên đường dẫn Nhí vào siêu thị mua kem ăn; là một chú xa lạ cho cái bánh, là con heo đất Nhí được tặng để tiết kiệm tiền… Nghe đâu còn có người hỗ trợ cho Nhí tiền ăn học đến năm 18 tuổi.

Bởi Nhí ngoan nên Nhí chắc chắn sẽ nhận được nhiều quà.

Cuộc sống như một bức tranh có đầy đủ những gam màu sáng, tối; và câu chuyện cậu bé 9 tuổi hằng đêm đi nhặt ve chai giữa phố phường Sài Gòn đã vẽ nên một bức tranh đẹp về tình người giữa cuộc đời này.

Người ta thường nói những đứa trẻ ngoan sẽ có quà. Bởi Nhí ngoan nên Nhí chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều quà.

Trần Phong (TH)

(Nguồn ảnh: báo Thanh Niên)

Xem thêm:

Exit mobile version