Đại Kỷ Nguyên

Xoa dịu cái lạnh mùa đông với món bánh trôi tàu nóng dẻo

Bánh trôi tàu còn gọi là Sủi dìn (ảnh: VnReview/Du lịch Việt Nam).

Mùa đông đến, mọi người thường chế biến những món vừa ăn vừa thổi để ấm cái bụng, xoa dịu cái rét mùa lạnh. Món bánh trôi tàu là một trong những món ăn phổ biến và quen thuộc với nhiều gia đình Việt nhất.

Bánh trôi tàu còn có tên gọi khác là Sủi dìn hoặc Chè thang viên. Đây là món bánh có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Sủi dìn của người Hoa có rất nhiều loại nhân, ngon nhất là nhân vừng đen, hạt sen nấu với táo tàu khô. Trong đó, “sủi” là thủy (tức nước) và “dìn” (tức viên) được hiểu với nghĩa đen là viên bánh ngập trong nước. Chính vì thế, Sủi dìn (bánh trôi tàu) được du nhập vào Việt Nam và biến thành bánh chay trong dịp Tết Hàn thực. Từ “Sủi dìn” được Việt hóa bởi các dân tộc vùng núi phía Bắc gọi tên như vậy.

Tại các tỉnh miền núi đông bắc Việt Nam, viên Sủi dìn thường không có nhân đồng thời được nhuộm màu bằng gấc và nghệ.

Dân tộc Tày ở Việt Nam có món bánh Coóng phù. Nhân bánh bằng đỗ xanh xào đường hoặc làm bằng lạc rang giã nhỏ rồi nấu với đường đỏ. Cho nhân vào giữa miếng bột dàn mỏng, vo viên lại cho thật tròn. Nấu nồi nước đường phèn đun sôi, đập gừng vào cho thơm. Thả bánh vào nồi nước đường sủi tăm nghi ngút khói, ngào ngạt hương thơm của nếp, gừng. Khi nào bánh nổi lên là chín. Múc bánh vào bát chan nước đường, cho thêm dừa nạo nhỏ, và lạc rang cùng với dầu chuối cho thơm, ăn nóng.

Phoóng dăm (bánh trôi mặn của người Tày) có nhân thịt mộc nhĩ bên trong ăn cùng rau cải cúc tần, xương sườn và canh xương.

Biến thể của Sủi dìn có thể kể đến bánh ngào của tỉnh Nghệ An, kết hợp của bột nếp thơm bùi và mật mía ngọt lịm, lạc rang, gừng. Gừng là nguyên liệu quan trọng khi làm bánh để tăng độ thơm ăn trong những ngày đông giá. Khâu nặn bánh rất quan trọng, độ tròn sẽ quyết định đến độ phồng, nở của bánh ngào khi cho lên nấu.

Ảnh: Trường Dạy Làm Bánh Á Âu.

Đặc biệt ở Hà Nội thì vào mùa đông không thể thiếu món bánh trôi tàu này. Người Hà Nội thưởng thức món ăn ngon không chỉ nằm ở chất lượng, hương vị, mà nó còn ở cái thú ngồi miên man trên vỉa hè, đường phố, nhìn người ta trực tiếp nhào nặn bánh, rồi đun trên bếp lửa than nước sôi liu riu, đến khi sệt lại một mức vừa phải, không quá đặc, không quá loãng, không có vị ngọt sắc, nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị đậm đà. Vừa nhẩn nha cắn thưởng thước từng miếng bánh vừa nhìn dòng người qua lại giữa những ngày đông.

Vậy, để mang chút ấm áp xoa dịu cái lạnh mùa đông bạn cùng Bếp Đại Kỷ Nguyên làm món bánh trôi tàu từ công thức của nhân vật Facebook Su Lì nhé.

Nội dung chính

Nguyên liệu:

Cách làm:

Làm nhân:

– Cho mè đen, dừa nạo, lạc rang và 80g đường trắng, thêm 300ml nước vào máy sinh tố xay nhuyễn. Hoặc nếu không máy xay, bạn có thể giã bằng tay nhé.

– Sau đó bạn cho vào chảo chống dính, sên lửa vừa sao cho nhân thành khối đặc dẻo thì tắt bếp, đổ ra đĩa để nguội.

– Các nguyên liệu như: Lạc, dừa, mè đen, mỗi thứ bạn có thể bớt lại một chút để ăn kèm cùng bánh trôi tàu.

– Đối với nhân đậu xanh, bạn làm theo các bước như làm nhân bánh Trung thu hoặc đơn giản hơn là ngâm đậu xanh qua đêm, rồi đồ/hấp chín với chút muối. Khi đậu đã chín, bạn nghiền nhuyễn mịn rồi trộn với 80g đường còn lại nhé.

Ảnh: Facebook Su Lì.

Làm vỏ bánh

– Bột nếp nhào với nước lọc sao cho thành khối dẻo không dính tay là đạt, bạn nên cho nước từ từ ở bước này nhé. Sau đó để bột nghỉ 20 phút trước khi làm bánh.

– Cách nặn bánh giống với bánh trôi hoặc bánh chay. Bạn chia đều bột thành từng viên nhỏ vừa ăn (khoảng 40g), ấn dẹt bột rồi xúc 1 thìa nhân (khoảng 20g) gói lại cho kín các mép, như vậy khi luộc bánh mới không bị bung ra, rồi làm cho đến khi hết khối bột và nhân. Riêng với bánh trôi nhân mè đen, bạn có thể chấm bánh vào mè rang rồi cho vào luộc hoặc luộc xong chấm mè cũng được.

Luộc bánh

– Đun một nồi nước sôi và thả bánh đã viên vào luộc. Khi sôi 5 – 7 phút, bánh nổi lên trên mặt nước và chuyển màu trong là bánh đã chín. Vớt bánh thả vào tô nước rồi vớt bánh ra cho vào từng bát nhỏ.

– Cho đường phèn/đường nâu vào đun chảy rồi thêm nước lọc và gừng thái sợi vào đun sôi. Sau đó đổ ra bát nếu thích ăn nguội. Còn muốn ăn nóng thì bạn cứ để nguyên nước chan trong nồi.

– Khi ăn, bạn chan nước đường gừng vào bát bánh trôi tàu, thêm dừa nạo, lạc rang lên trên là thưởng thức thôi.

Bếp Đại Kỷ Nguyên chúc bạn thực hành thành công để có món bánh trôi tàu thơm dẻo cho cả nhà thưởng thức nhé.

Video xem thêm: ‘3 không, 3 nhiều’: Bí quyết có thể cải biến vận mệnh của bạn

Exit mobile version