Đại Kỷ Nguyên

Vợ phàn nàn ‘Anh về mà xem… mẹ anh phiền thật!’, chồng mở một xấp hình khiến cô im lặng

“Anh về ngay đi, em hết chịu nổi rồi, mẹ anh phiền quá”. Không đợi anh kịp nói gì, đầu dây bên kia đã tức tối dập máy. Anh buông thõng người ra ghế sau thở dài…

Anh đã quá mệt mỏi với những chuyện xung đột giữa mẹ và vợ, đó là hai người phụ nữ mà anh yêu thương nhất trong đời, nhưng họ lại không thể hòa hợp với nhau. Anh nghĩ, nếu cứ tiếp tục như vậy, cả ba người sẽ kiệt sức, và anh cần làm một điều gì đó. Anh đứng dậy, xách cặp đi về nhà, hôm nay anh cần xin phép về sớm một chút.

Ảnh minh họa.

Anh vừa về đến nhà thì vợ đã kéo ngay xuống bếp:

“Anh nhìn đi. Đây này, ngày nào em cũng sắp xếp dọn dẹp, còn mẹ anh thì bày biện đủ thứ. Em không chịu nổi nữa rồi. Mà mẹ anh còn suốt ngày nói em nên như thế này thế kia nữa chứ. Cứ như em là trẻ con không bằng vậy”.

Anh không nói gì cả, chỉ nắm lấy tay cô kéo vào phòng. Khép hờ cánh cửa, anh lấy một chiếc hộp đặt trong góc tủ, rồi nhìn thẳng vào mắt cô, nói: “Bây giờ anh sẽ kể cho em mẹ chúng ta phiền đến mức nào”.

Anh mở chiếc hộp ra, bên trong là một xấp hình, anh lấy ra một tấm ảnh đã cũ nhưng không hề dính bụi, ôn tồn nói:

Ảnh minh hoạ.

“Em thấy không, đây là tấm hình mà dì chụp lúc anh sinh ra. Dì kể, vì mẹ yếu quá nên sinh lâu lắm, bác sĩ nói nếu cứ cố sinh sẽ nguy hiểm cho mẹ, nhưng mà mẹ anh cứ khăng khăng đòi sinh thường theo ý mình, nói thế nào cũng không chịu nghe. Mẹ anh phiền thật em nhỉ?”.

Cô nhìn bức ảnh, cảm giác nghèn nghẹn trong cổ họng.

Anh cẩn thận bỏ tấm hình đó qua một bên, lấy một tấm khác cho cô xem.

“Còn đây nữa. Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, con nít hơn một năm ai chẳng chập chững biết đi, mẹ cứ làm như chỉ có con mẹ mới làm được không bằng. Ba kể mẹ cứ gặp ai là cũng hí hửng khoe: ‘Thằng cu Tin nhà tôi đi được rồi, nó biết đi rồi đó’. Hình như mẹ không biết phiền hay sao ấy em nhỉ?”.

Ảnh minh hoạ.

Môi cô run run, muốn nói gì đó nhưng không cất lời nổi. Cô nhìn mãi vào bức ảnh đứa trẻ con chập chững đi về phía mẹ…

“Ba anh còn kể, từ ngày anh bắt đầu bi bô tập nói rồi gọi được tiếng mẹ thì nguyên những ngày sau là một chuỗi điệp khúc: Cu Tin gọi mẹ đi, gọi mẹ đi cu Tin. Mẹ phiền quá đi mẹ à”.

Anh mỉm cười xoa nhẹ vào bức ảnh, đôi mắt long lanh ngấn lệ… Anh lại lôi ra nguyên một xấp, rất nhiều ảnh.

“Ðây nữa. Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa? Chụp làm gì mà nhiều ảnh thế không biết. Lần đầu tiên anh vào mẫu giáo, có phiếu bé ngoan, rồi tiểu học, trung học, nhận bằng khen… Em coi đi, anh làm gì mẹ cũng chụp lại hết, mẹ nói là để lưu giữ kỷ niệm. Coi hình của anh chắc đến Tết còn chưa xong ấy em nhỉ?”.

Rồi anh cầm một tấm hình lên nhìn vào đó rất lâu. Đó là tấm hình chụp vào ngày lễ tốt nghiệp đại học của anh. Trông anh thật điển trai trong bộ áo cử nhân.

“Em có thấy không? Trông mẹ anh khác nhiều nhỉ? Tóc đã bạc trắng cả rồi, lại rối nữa chứ. Còn cả áo quần này, cũ mèm…”.

Giọng anh lạc đi, đứt quãng. Cô nắm lấy tay anh…

“Năm 15 tuổi, ba ra đi bỏ lại mẹ con anh bơ vơ không còn chỗ nương tựa. Mẹ cứ sáng sớm đi phụ quán cơm cho người ta, trưa ăn một chén cơm thừa trong quán để dư tiền cho anh học thêm ngoại ngữ, rồi chiều lại chạy đi giặt đồ cho những bà mẹ khác, để họ đi mua sắm, cà phê, giải trí…”.

Rồi anh nghẹn ngào nói tiếp:

“Tối đến mẹ lại tiếp tục đi làm lao công đường phố, mãi đến đêm mới về chợp mắt được một lúc, rồi chưa sáng mai đã vội dậy đi làm tiếp. Em thấy mẹ anh có khỏe không?”.

Những giọt nước mắt cứ đua nhau rớt xuống, đọng lại trên tấm hình, cả hai đều im lặng hồi lâu, rồi anh nói:

“Em thấy mẹ anh khác nhiều không? Một bà mẹ trẻ với gương mặt xinh đẹp lúc đứa con mới bi bô tập nói, còn bây giờ là một người phụ nữ gầy rộc với làn da nhăn nheo, đứng cạnh cậu con trai chuẩn bị ra trường…”.

Bàn tay cô run run siết chặt tay anh.

“Em có thấy tay mẹ rất yếu không, anh chưa bao giờ kể em nghe nhỉ? Khi 5 tuổi, anh nghịch lắm, suốt ngày chạy nhảy lung tung. Có lần, đang chơi đuổi bắt cùng cô nhóc hàng xóm, anh trượt chân từ cầu thang xuống. Vì đỡ cho anh không bị ngã mà mẹ mới bị như vậy đó. Tay yếu vậy mà mẹ vẫn nuôi được anh lớn từng này em nhỉ?”.

Cô sững người, nước mắt cô trào ra, ướt đẫm tay anh:

“Em à, mẹ anh phiền vậy đó. Phiền từ khi anh sinh ra cho đến khi anh sắp đón đứa con đầu lòng. Chưa hết đâu, anh nghĩ mẹ sẽ còn phiền cả đời đó em. Anh lớn như vậy rồi mẹ vẫn còn căn dặn đủ thứ: cơm phải ăn 3 bát, đi xe phải chậm thôi, không được thức khuya quá. Mẹ anh phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé”.

Ảnh minh hoạ.

Cô ôm chặt lấy anh, òa khóc nức nở:

“Em xin lỗi…”.

Anh ôm lấy cô vỗ về, giống như ngày xưa anh vẫn thường được mẹ vỗ về như vậy.

Choang!!!

Anh và cô giật mình nhìn ra ngoài.

“Mẹ xin lỗi, mẹ chỉ định mang cho con bát chè sen mẹ vừa nấu thôi”.

Giọng mẹ run run không dám nhìn về phía trước, bà cúi người nhặt những mảnh vỡ vừa rơi…

“Mẹ à…”.

Cô chạy đến ôm chặt mẹ, nước mắt ướt đẫm vai áo.

Ảnh minh hoạ.

Anh nhìn cô trong lòng của mẹ, bất giác mỉm cười hạnh phúc…

Suy ngẫm:

Mẹ chồng nàng dâu vốn là câu chuyện muôn thuở và là đề tài luôn được nhiều người quan tâm. Nhiều cô gái trẻ cho rằng, đó là một mối quan hệ phức tạp và không thể dung hòa, và họ bắt đầu “sợ” kết hôn. Nhưng nếu nhìn theo một cách tích cực, bạn sẽ nhận ra, nó vốn không nan giải như chúng ta vẫn nghĩ. Anh chồng trong câu chuyện trên đã khéo léo kéo hai người phụ nữ lại với nhau, bằng những điều chân thành, mộc mạc, và giản dị.

Nếu đặt mình vào vị trí của người khác, bạn sẽ hiểu người mẹ nào cũng dành cho con tình yêu thương vô hạn. Bà chăm bẵm nuôi nấng con từ khi lọt lòng cho đến tận lúc trưởng thành. Và khi một người người phụ nữ khác bất ngờ xuất hiện, san sẻ tình yêu của cậu con trai “quý tử”; tất nhiên, bà sẽ không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, trống trải.

Ảnh minh hoạ.

Những cô con dâu trẻ thường dễ vì những khác biệt về quan điểm sống hoặc những áp lực công việc mà cảm thấy mẹ chồng thật khó chịu, phiền phức. Nhưng nếu hiểu cả hai người phụ nữ đều yêu thương sâu sắc cho một người đàn ông và dành thời gian lắng nghe nhau hơn, vị tha hơn, nghĩ về cảm nhận của đối phương hơn, thì mọi mâu thuẫn và định kiến sẽ được hóa giải.

Khi sự thiện lương và dung nhẫn lên tiếng, “cơn ác mộng” kia sẽ chẳng còn đáng sợ, và mẹ chồng nàng dâu sẽ hiểu sâu sắc vị trí của mỗi người trong cuộc sống gia đình.

Linh An

Video xem thêm: Làm mẹ chồng cũng có lắm nỗi khổ tâm

Exit mobile version