Đại Kỷ Nguyên

Vợ bị lăng mạ khi đi xin nước, chồng đào giếng giúp đỡ cả làng

Thành tích của Bapurao Tajne có thể không được vĩ đại như của Dashrath Manjhi – người đàn ông xẻ núi vì tình yêu, nhưng nghị lực của anh cũng phi thường không kém.

Việc người vợ của anh bị từ chối cho lấy nước từ giếng của người khác và thậm chí còn bị họ xúc phạm đã khiến Bapurao Tajne quyết tâm đào một cái giếng để có thể tự lực cánh sinh mà không cần đi xin ai hết. Đây là một công việc khó khăn, nặng nhọc, thông thường cần tới 4-5 người để thực hiện.

Và hiện tại, toàn bộ tầng lớp Dalit (giai cấp xã hội bị khinh miệt và coi thường nhất tại các vùng nông thôn Ấn Độ) của ngôi làng đã có thể sử dụng nước từ giếng của mình và không phải phụ thuộc vào những người từ các tầng lớp cao hơn cho nước, tất cả là nhờ có Tajne.

Bapurao Tajne là một người lao động nghèo sinh sống tại ngôi làng Kalambeshwar thuộc quận Washim, bang Maharashtra, Ấn Độ. Mặc dù trước đó anh chưa bao giờ đào một cái giếng, nhưng anh đã dành sáu giờ đồng hồ mỗi ngày trong suốt 40 ngày cho đến khi chạm tới mạch nước. Không một ai, thậm chí cả những thành viên trong gia đình giúp anh. Mọi người đều nghĩ rằng anh đang làm việc điên rồ.

Anh Bapurao Tajne ở trong chiếc giếng chính tay anh đào. (Ảnh: Maharashtratimes.indiatimes)

Nhưng sau tất cả, anh đã tìm thấy nước ở một nơi có địa hình núi đá và đặc biệt là khi ba cái giếng và một lỗ khoan giếng ở khu vực quanh đó đã cạn khô. Bất chấp việc dân làng công khai chế nhạo nhưng Tajne vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình một cách không hề nao núng.

Anh đã làm việc 14 giờ một ngày gần như không ngừng nghỉ trong suốt 40 ngày. (Ảnh: Newsonhunt)

“Tôi không muốn nêu tên người chủ sở hữu cái giếng đã từ chối vợ tôi cũng vì tôi không muốn anh ta có tai tiếng xấu trong làng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy anh ta đã xúc phạm chúng tôi bởi vì chúng tôi là người nghèo và thuộc tầng lớp Dalit. Tôi đã trở về nhà vào ngày hôm đó, một ngày tháng Ba và gần như đã khóc. Tôi quyết định sẽ không bao giờ phải đi cầu xin nước từ bất cứ ai. Tôi đã đi đến Malegaon (thị trấn gần nhất) và mua các công cụ trong vòng một giờ, tôi bắt đầu đào bới”, Tajne nói với trang tin TOI ở trong ngôi nhà đơn sơ của mình.

Không có bất kỳ một nghiên cứu thủy văn nào để lựa chọn vị trí đào chiếc giếng, Tajne hoàn toàn làm theo bản năng. “Tôi chân thành cầu nguyện trước khi bắt đầu công việc. Tôi rất biết ơn vì nỗ lực của tôi đã được đền đáp,” anh nói.

Tajne đào hàng ngày và không thể bỏ việc để tập trung cho việc đào giếng. Anh đào bốn giờ trước khi đi làm và hai giờ sau khi trở về nhà. Anh đã vừa đi làm vừa đào giếng 14 giờ một ngày gần như không ngừng nghỉ trong suốt 40 ngày. “Thật khó để giải thích những gì tôi cảm thấy trong những ngày đó. Tôi chỉ muốn có nước cho toàn bộ dân làng để tầng lớp Dalit chúng tôi không phải đi xin nước từ các tầng lớp khác”.

Vợ anh, cô Sangita giờ đã hối tiếc vì đã chế nhạo chồng mình. “Tôi đã không giúp anh ấy cho đến khi anh ấy chạm tới mạch nước. Bây giờ cả gia đình, ngoại trừ hai đứa trẻ đều giúp anh ấy đào sâu và mở rộng cái giếng. Nó đã sâu 4,5m và Tajne muốn đào sâu thêm 1,5m nữa. Miệng giếng hiện đang rộng 1,8m và anh muốn làm cho nó rộng khoảng 2,5m. Chúng tôi hy vọng hàng xóm của chúng tôi sẽ giúp một tay”, Sangita cho biết.

Bapurao Tajne và người vợ Sangita bên cạnh chiếc giếng anh đào, giờ đây người dân trong làng có thể lấy nước từ đây mà không cần đi xin từ những tầng lớp cao hơn. (Ảnh: TOI/Shailesh Mishra)

Người hàng xóm Jaishree đã dành cho Tajne những lời khen ngợi: “Nhờ Tajne, chúng tôi có thể lấy nước một cách đều đặn. Trước đó, chúng tôi đã phải đi một cây số đến một khu vực khác của ngôi làng và đôi khi còn bị họ xúc phạm.”

Tajne đang dần nhận được sự ủng hộ. Trưởng thôn đã đến thăm và hết lời ca ngợi anh. Sau khi một kênh truyền hình phát tiếng Marathi đưa tin về hành động của anh, vị tehsildar (một chức vụ như thanh tra thuế) của thành phố Malegaon đã tặng anh một bó hoa. Nam diễn viên Nana Patekar cũng đã nói chuyện với anh qua điện thoại và hứa sẽ gặp anh sớm. Một nhân viên xã hội từ Washim đã tặng anh 5000 Rupee (đơn vị tiền tệ Ấn Độ).

Nhưng Tajne không nhận những yêu cầu giúp đỡ. “Khi vị tehsildar hỏi tôi về những gì tôi cần được giúp đỡ, tôi nói với cô ấy có thể làm bất cứ điều gì cô ấy thấy phù hợp.”

Theo Timesofindia.indiatimes
Thu Hiền

Xem thêm:

Exit mobile version