“Glory to Hong Kong” (Tạm dịch: “Vinh quang Hồng Kông” hoặc “Nguyện vinh quang quy xứ Hương Cảng”) là bài hát đại biểu cho tinh thần kiên cường, dũng cảm, không bỏ cuộc của những người biểu tình tại Hồng Kông.
Theo Wikipedia, bài hát do một nhạc sĩ địa phương với bút danh “Thomas dgx yhl” sáng tác. Sau khi được chia sẻ trên Youtube và 31/8/2019, “Glory to Hong Kong” được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, một số người còn gọi đó là “quốc ca không chính thức mới” của Hồng Kông.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, tác giả – nhà soạn nhạc cho biết: “Âm nhạc là công cụ tạo nên sự kết nối, tôi rất mong muốn có một bài hát để kết nối chúng tôi và tăng tinh thần cho mọi người. Thông điệp chính gửi tới người nghe là: Bất chấp gian khổ và chao đảo của thời thế, người dân Hồng Kông sẽ không bỏ cuộc”.
Những bạn trẻ xuất hiện trong MV đều mặc đồ đen, đeo mặt nạ phòng độc, đội mũ bảo hiểm… những hình ảnh mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên truyền thông trong cuộc biểu tình, phản kháng tại Hồng Kông vào thời gian này.
Trên nền nhạc hào hùng, bi tráng, các bạn trẻ cất tiếng hát từ trái tim nguyện cầu cho một ngày không xa, vinh quang sẽ về với xứ Hương Cảng.
Mời bạn cùng thưởng thức bài hát
Nguồn video: Phong trào dù vàng Hồng Kông
Lời bài hát (Tạm dịch)
Lệ ta đã thấm nhòa mảnh đất này.
Bạn ơi bạn có nghe tiếng oán than
Cùng đứng lên góp lời thành tiếng thét vang dậy trời.
Đến một ngày ánh dương rạng ngời
Mặc bao gian khó kia không khiến ta gục ngã
Hùng tâm tráng, chí vững lòng ta khó lui
Gạt nước mắt ướt nhòe, hòa tan dấu máu, dấn thân vì…
… sẽ có ngày quang phục Hồng Kông
Trong đêm trường không sao tỏ lối
Mịt mờ sương, lương tri soi sáng đường ta tranh đấu.
Hãy vững vàng, đầu ngẩng cao hiên ngang, đồng lòng ta kiên gan
Tay đan chắc, thề không thoát lui
Chào mừng bình minh cùng đắp xây Hương Cảng ta
Đồng hành vì quyền tự do lâu dài, vì nền dân chủ vững bền
Nào hào khí anh hùng, vận hội canh tân đã đến rồi
Cho một ngày vinh quang Hồng Kông.
Vì sao luật dẫn độ đã bị bãi bỏ mà người dân Hồng Kông vẫn biểu tình?
Cuộc phản kháng nảy lửa hiện nay của công chúng Hồng Kông đã đặt ra một thách thức lớn đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.
6 tháng về trước, người biểu tình Hồng Kông chỉ muốn huỷ bỏ Luật Dẫn Độ. Nếu dự luật này được thông qua, người Hồng Kông hoặc du khách nước ngoài tới Hồng Kông đều có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc. Những người bị dẫn độ sẽ đối mặt với quy trình xét xử ở Trung Quốc, bị xử lý theo luật pháp của chính quyền Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc vốn là quốc gia nổi tiếng có hệ thống pháp lý không minh bạch và tình trạng vi phạm nhân quyền diễn ra tràn lan với những “thảm họa nhân quyền” khiến thế giới bàng hoàng như Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, đàn áp những người tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay, bức hại Phật tử Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, hay hoạt động mổ cướp nội tạng do chính quyền hậu thuẫn.
Dự luật dẫn độ được thông qua sẽ đánh dấu chấm hết cho nền độc lập tư pháp của Hồng Kông cũng như quyền tự trị của thành phố. Sau khi vấp phải sự biểu tình, phản kháng mạnh mẽ của người dân, chính quyền Hồng Kông buộc phải bãi bỏ dự luật này.
Tuy nhiên sau đó, người dân không thể chấp nhận sự đàn áp và những hành vi bạo lực của cảnh sát như đánh đập tàn nhẫn, ném bom hơi cay, xả súng vào người biểu tình. Thậm chí nghiêm trọng hơn, cùng với sự biến động chính trị, xuất hiện những xác chết trôi nổi và những người rơi xuống từ các tòa nhà cao tầng mà được cảnh sát kết luận là “chết đuối” hoặc “tự sát“.
Giờ đây, các cuộc biểu tình đã phát triển thành cuộc phản kháng vì quyền dân chủ của người dân thành phố, bao gồm yêu cầu chính quyền rút lại cáo buộc các cuộc biểu tình là “bạo loạn”, thả tự do vô điều kiện cho những người biểu tình đã bị bắt, yêu cầu bầu cử trực tiếp các nhà lãnh đạo thành phố và mở một cuộc điều tra độc lập về tình trạng bạo lực của cảnh sát.
Một bạn trẻ Hồng Kông khi được hỏi vì sao người dân vẫn biểu tình khi Dự luật đã bị bãi bỏ, cậu đã hỏi ngược lại người đặt câu hỏi đại ý rằng: “Nếu có người đánh bạn, không nói một lời xin lỗi, rồi sau đó cả mấy tháng trời họ đánh gia đình, bạn bè bạn, có người bị thương, người thì chết, có người tàn tật suốt đời và sau đó họ xin lỗi vì đã đánh bạn trước đó, vậy có được không?”.
Có thể đặt mình vào hoàn cảnh của những bạn trẻ Hồng Kông đó, sống giữa nỗi đau mỗi ngày lại thấy một xác chết mặc đồ đen “nghi” do “tự tử” trôi nổi trên biển, nằm bất động dưới sân tòa nhà cao tầng… những gương mặt đẫm máu vì bị đánh, những bóng người gục xuống đờ đẫn mất hết ý thức vì bị bắn… rồi chính phủ nói đồng ý yêu cầu đầu tiên của cuộc biểu tình. Nhưng đó là sau khi cảnh sát đã gây ra biết bao tội ác và khiến người dân phải đặt ra thêm 4 yêu cầu khác nữa. Liệu người Hồng Kông có thể đồng ý dễ dàng như vậy không? Như thế có quá bất công với những người đã ngã xuống không? Và như thế có đảm bảo tương lai sẽ không lặp lại quá khứ cho thế hệ mai sau không? Những gì người Hồng Kông đang làm, chẳng phải chính là vì người khác đó sao, trong văn hóa truyền thống của họ, đó chính là Đại Nghĩa.
Video xem thêm: Chính phủ Hồng Kông cho xe lao vào người biểu tình