Đại Kỷ Nguyên

VIỆT NAM TRONG TÔI: Hội An, mảnh đất lưu giữ những ký ức về một thời xa xưa lắm…

Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Người ta nói, Hội An bé xíu như lòng bàn tay, bé đến mức chỉ cần một ngày là đủ để đi hết cái phố cổ bé xíu xiu ấy. Nhưng, Hội An nhỏ mà sâu, nên thích Hội An thì dễ, chứ yêu Hội An, thương Hội An thực lòng thì đừng đến và đi vội vàng.

Hội An nhỏ mà sâu, nên thích Hội An thì dễ chứ yêu Hội An, thương Hội An thực lòng thì đừng đến và đi vội vàng. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Nếu Hà Nội, Sài Gòn hay ở bất kỳ thành phố nào mà bạn cảm thấy lạc lõng bởi sự tấp nập, vội vã, thì hãy thử một lần tìm về với Hội An. Bởi nơi đây, cuộc sống cứ bình lặng mà trôi đi như thế.

Ở nơi đây, người ta bảo, dòng chảy vô tình của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi cái hồn xưa, nếp cũ của vài trăm năm trước: Những mái ngói phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những đôi quang gánh bình yên qua chiều phố Hội…

Một góc nhà xưa nơi phố cổ (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Cũng là phố cổ, nhưng Hội An không ồn ào và tấp nập như 36 phố phường Hà Nội. Dù từ sáng đến tối, khắp các nẻo đường lúc nào cũng chật kín khách du lịch nhưng Hội An vẫn bình yên một cách lạ thường. Tới đây, ta cứ ngỡ như đang ngược dòng thời gian, lạc bước trong không khí truyền thống của một thương cảng sầm uất thời nhà Nguyễn, rời xa mọi cám dỗ của đời thường, để sống trọn vẹn từng giây phút.

Cũng là phố cổ, nhưng Hội An không ồn ào và tấp nập như 36 phố phường Hà Nội. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Người ta nói, xưa kia Hội An là thương cảng sầm uất nhất xứ Đàng Trong. Đây là nơi giao lưu buôn bán với các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan… vì lẽ đó, mới có thơ rằng:

Phố cổ Hội An rêu mọc giữa rừng hoa
Đèn lồng đỏ người Hà Lan đến đó
Dân Pháp ngữ đến sau vẫn tỏ
Người Mỹ lạnh lùng vẫn giữ dấu nghìn xưa

Thế hệ này con xin mãi kế thừa
Sông Hoài niệm của một thời ký ức
Rưng rức tình người lưu luyến thăm đây….

(Thơ Đặng Quang Thắng)

Dòng Sông Thu Bồn chạy qua con phố nhỏ, có lẽ cũng vì mang theo nét hoài cổ nơi đây mà đổi tên thành sông Hoài. (Đại Kỷ Nguyên)

Dòng Sông Thu Bồn chạy qua con phố nhỏ, có lẽ cũng vì mang theo nét hoài cổ nơi đây mà đổi tên thành sông Hoài. Dòng sông hiền hoà ấy gắn liền với mưu sinh của nhiều người dân bản xứ. Nghề chính của họ là chèo thuyền đưa khách du lịch tham quan. Bởi vậy, đến Hội An, bạn sẽ luôn thấy những chiếc thuyền lênh đênh trên dòng nước.

Có lẽ bạn nên thử một lần dạo chơi trên những con ghe nhỏ, ngắm hoàng hôn yên ả, thanh bình; hay thử gói ghém hết những tâm tình, phiền muộn trong lòng vào Hoa Đăng, thả trôi theo dòng nước.

Hãy thử một lần dạo chơi trên những con ghe nhỏ, trên dòng sông Thu Bồn hoài niệm (Đại Kỷ Nguyên)

Và khi những chiếc Hoa Đăng nhỏ xinh đang trôi lênh đênh trên mặt nước, đừng quên ước một điều thật đẹp, thật mới; để ngày mai khi rời khỏi mảnh đất này, phải trở về với những bộn bề thường nhật, ta lại có thêm hi vọng bắt đầu một hành trình mới, như thể những bon chen đời người chưa từng hiện hữu…

Và khi những chiếc Hoa Đăng nhỏ xinh đang trôi lênh đênh trên mặt nước, đừng quên ước một điều thật đẹp, thật mới. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

***

– Sao em cảm giác Hội An thân quen đến thế nhỉ?

Linh An cảm thấy như vừa tìm lại được điều gì đó khi sắp sửa phải lên chuyến tàu trở về Hà Nội.

Trần Phong mỉm cười:

– Có lẽ một kiếp nào đó em đã sống ở đây rồi.

– Ủa, anh là Tiến sĩ khoa học mà cũng tin vào chuyện luân hồi sao? Thần có tồn tại trên đời không nhỉ? Ôi! Em chẳng biết nữa…

Linh An có vẻ lúng túng, còn Trần Phong thì rất bình thản. Anh nói:

– Càng nghiên cứu khoa học anh càng tin rằng, vũ trụ của chúng ta được tạo ra bởi một vị Thần toàn năng. Chỉ có trí huệ của Thần mới đủ để sáng tạo vũ trụ tinh mỹ đến thế. Trước kia, khi phủ nhận sự tồn tại của Thần, anh như lạc lối trong mê cung vậy.

Hãy sống chậm lại và lắng nghe trái tim mình. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

– Đôi khi em có cảm giác lạc lõng trong thế giới này và không biết đặt niềm tin vào đâu. Em muốn trở về với văn hoá truyền thống, muốn tin tưởng vào Đấng Tối Cao, nhưng mà… em cũng không biết nữa… Mọi thứ cứ mơ hồ…

Khuôn mặt Linh An thoáng buồn, Trần Phong nhẹ xoa đầu cô, an ủi:

– Đừng vội vàng. Hãy sống chậm lại và lắng nghe trái tim mình, rồi em sẽ được dẫn lối. Giống như chuyến đi lần này vậy. Nó đang gọi em về với những ký ức xa xưa đó. Khi đến Hội An, anh tin rằng, các vị Thần đã cố ý giữ lại những tinh hoa của văn hoá truyền thống ở đây, để lưu lại hồi ức cho con người mai sau, nhắc nhở họ không quên con đường trở về…

Luân hồi ngàn vạn năm, chuyện xưa trôi theo gió

Chỉ có tấm lòng thành, hồng nguyện chưa hề đổi…

( Đại nguyện – Cổ Phong)

Trần Phong – Linh An

Exit mobile version