Theo thống kê của Cục Hàng không, trong khoảng 10 năm từ 2008 đến 2018, số lượng tàu bay của Việt Nam đã tăng gấp 3 (từ 60 tàu lên 192 tàu). Thời gian tới, ngành hàng không có thể còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, dẫn đến lo ngại về tình trạng sân bay quá tải.
Thống kê cho thấy, mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 700 chuyến bay cất và hạ cánh, ngày cao điểm có khi lên đến hơn 900. Năm ngoái, sân bay này đã vượt công suất thiết kế lên đến trên 10 triệu lượt khách. Trong khi đó, kế hoạch mở rộng sân bay đã bàn từ 20 năm trước nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Hệ quả là, việc “kẹt máy bay” diễn ra hàng ngày. Máy bay xếp hàng dài chờ đến lượt cất và hạ cánh. Bên ngoài, từng dòng xe, đoàn người nườm nượp ra vào ở cửa ngõ sân bay. Những ngày lễ, tết, Tân Sơn Nhất “thất thủ”. Đó là khi mới có 5 hãng hàng không đang hoạt động.
Mới đây, Cục Hàng không đã cấp Giấy chứng nhận khai thác tàu bay (AOC) cho hãng hàng không Vietstar Airlines. Đây là hãng hàng không thương mại thứ 7 của Việt Nam được cấp phép, sau Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Vasco, Hải Âu và Bamboo Airways. Ngoài ra, còn 1 số dự án thành lập hãng hàng không mới cũng đang được Cục Hàng không thẩm định và báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải.
Với việc các hãng hàng không ra đời, nhập về nhiều tàu bay sẽ đem lại lợi ích cho hành khách nhưng đồng thời cũng là bài toán khó cho cơ quan quản lý vì hạ tầng hàng không chắc chắn sẽ quá tải, đặc biệt là tại các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Nha Trang…
Nhiều hành khách than phiền rằng, khi tàu bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất thường bị dằn, sốc khi lăn bánh vào đường băng với tốc độ cao, có không ít người đổ lỗi rằng phi công kém. Tuy nhiên, theo thông tin từ một số phi công, hai đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất và 1B của Nội Bài đã rạn nứt, phụt bùn, xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường băng, bê-tông bị biến dạng, hằn in vệt bánh xe, có nguy cơ đóng cửa bất cứ lúc nào. Thậm chí, các phi công và kỹ sư, thợ máy rất quan ngại về an toàn bay và tuổi thọ của tàu bay.
Tuy nhiên, do vướng các quy định nên việc sửa chữa, nâng cấp các sân bay gặp rất nhiều khó khăn, cho dù Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) có tiền cũng không được sửa. Việc đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hơn 3 năm vẫn chưa thể triển khai, dù cấp bách.
Ngoài ra, việc các hãng hàng không cũng phải chờ đến lượt cất hạ cánh và chậm, hủy chuyến cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành của công ty cũng như gây ra bất tiện cho khách hàng.
Vậy mới nói, gia tăng các hãng hàng không mới vừa là tin vui nhưng cũng là nỗi sợ hãi của chính hành khách và các hãng hàng không. Không ít ý kiến quan ngại các nhà ga sẽ “vỡ trận” với sự ra đời của các hãng hàng không trong thời gian sắp tới. Đường lăn, sân đỗ thiếu, giờ khai thác… đều rất khó đảm bảo vì tình trạng kẹt máy bay liên hoàn từ trên trời xuống dưới đất…