Đại Kỷ Nguyên

Vì sao ‘tình yêu thời hiện đại’ rất dễ tan vỡ?

Cuộc sống hiện đại, người ta thường có nhiều mối tình chóng vánh “sớm nở tối tàn”, “tay ba tay tư”… Lúc yêu thì đam mê mãnh liệt, đến khi chia tay thì thất vọng tràn trề, thậm chí xem người mình đã từng yêu thương như “cái gai trong mắt”. Vậy rốt cuộc là vì sao?

1. Thích tìm kiếm cảm giác mới mẻ

Con người trong cuộc sống hiện đại có suy nghĩ và tư duy rất khác với người xưa. Nếu trước kia người ta luôn muốn sống một đời bình thản, an yên và nhẹ nhàng thì người ngày nay luôn thích theo đuổi sự mãnh liệt và ưa thích mạo hiểm. Họ thường cho rằng cuộc sống không sóng gió quá đỗi nhàm chán, vô vị và luôn muốn tìm kiếm những điều mới mẻ.

Trong chuyện tình cảm, có không ít người cứ mải say đắm với người lạ mới quen mà quên mất người luôn kề bên quan tâm, âm thầm ủng hộ mình. Trong cuộc sống cũng như vậy, nhiều người cứ theo đuổi những lý tưởng xa xôi, nhưng thực tế những chuyện nhỏ cũng không có khả năng thực hiện được tốt. Đây chính là trạng thái tâm lý “cả thèm chóng chán” đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay, đặc biệt là ở giới trẻ.

2. Sợ quá nhiều điều

Con người sống trong xã hội hiện đại ngày nay dường như không còn đơn giản như trước. Có rất nhiều người sợ tình cảm mới, sợ thất vọng, sợ tổn thương, sợ đau lòng… vì vậy không dễ dàng đón nhận người khác. Họ tự dựng một bức tường vừa cao vừa dày trong lòng, không chỉ để từ chối đón nhận người khác, mà còn không cho phép chính mình bước ra ngoài để nhìn cuộc sống hiện thực.

(Ảnh: dantri)

Lại cũng có người chỉ cần nghĩ đến cuộc đời sau này phải sống với một người khác là cảm thấy sợ hãi, cho rằng mình không muốn một mối quan hệ ổn định. Họ không muốn dành nửa đời sau cho người khác nên tạo thành phản xạ tự nhiên là chạy trốn tình cảm.Thế nhưng, quan trọng hơn cả, đó là những nỗi sợ hãi ấy đã khiến ngày càng  ít người có thể dành hết trái tim, toàn tâm toàn ý, vượt qua khó khăn, dũng cảm khắc phục trở ngại để yêu một người.

3. Quá đề cao cái tôi

Con người thường rất tham lam. Họ luôn hy vọng nửa kia phù hợp với hình mẫu hoàn hảo mình yêu cầu, nhưng không chịu cho người kia cơ hội hoặc dành thời gian để cả hai cùng trưởng thành. Họ luôn suy nghĩ về “Tình yêu mì ăn liền”, đề cao cái tôi và đòi hỏi ở đối phương phải “đạt chuẩn” của mình.

Người hiện đại cũng không còn hiểu và tin tưởng vào nhân duyên. Nhiều người không tin rằng có thể gặp gỡ và quen biết một người đều là duyên nợ từ tiền kiếp.Khi đối diện với những bất công, hiểu nhầm trong mối quan hệ, nhiều người không ngừng trách móc đối phương, không ngừng bất bình và oán thán chứ chẳng mấy khi biết đặt mình vào vị trí của người kia để thấu hiểu, lắng nghe. Họ luôn khiến nội tâm mình như một quả cầu lửa có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Đúng là món nợ cũ chưa trả xong đã lại chuốc thêm nợ mới vào!

(Ảnh: phụ nữ online)

4. “Cởi mở” trong mối quan hệ giới tính

Đây chính là sai lầm tai hại nhất trong tất cả những sai lầm của những đôi yêu nhau. Lối sống “phóng khoáng” khiến con người trở nên không còn trân trọng và tôn trọng nửa kia của mình bởi suy nghĩ đã quá “hiểu” về đối phương.

Hơn nữa, dục vọng của con người vốn không có giới hạn, một khi đã “bước chân vào” thì rất khó dứt ra. Nếu người này không thỏa mãn thì sẽ đi tìm người khác, giống như một cuộc chơi tìm kiếm nguồn vui chứ hoàn toàn không còn là tình yêu nữa. Những chuyện đổ vỡ, oán hận, ghen tuông… phần nhiều đều từ đấy mà ra. Ngoài ra, “cởi mở” trong mối quan hệ giới tính còn là hành vi không sợ nhân quả, xem thường luân lý. Những cái gì là hưởng thụ thanh sắc, “tình một đêm”, “tình nhân tinh thần”… đều là những việc làm tội lỗi không thể chấp nhận. Không sớm thì muộn chắc chắn sẽ mang đến khổ đau và họa nạn lớn cho những ai mắc vào.

5. Không biết ơn tình yêu

Nhiều cặp khi yêu nhau đã lâu thì dường như quên mất nguyên nhân ban đầu họ đến với nhau. Họ bắt đầu dùng kính lúp để soi mói cái sai của người khác, thậm chí dùng khuyết điểm của nửa kia để che dấu cho thiếu sót của bản thân mình. Thực ra, đúng sai về mặt hình thức nhiều khi là không quan trọng. Nếu bạn nhìn vào mặt tốt nhiều hơn, khen ngợi nhiều hơn, thì mối quan hệ tự nhiên sẽ tốt đẹp, hòa ái.

(Ảnh: pinterest)

Thế nhưng, rất nhiều người không có cảm giác biết ơn, trân trọng đối với nửa kia của mình. Khi chia tay rồi thì chẳn những không còn bất cứ cảm giác gì đối với người mà mình “đã từng yêu thương” mà còn không ngừng oán trách hoặc nhấn mạnh việc mình thất vọng về người đó nhiều đến mức nào.

6. Không xem trọng hôn nhân

Trong cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây, hôn nhân đều rất được xem trọng. Ở phương Tây, khi vào nhà thờ làm lễ, người ta cầu xin Chúa trời chứng giám cho lứa đôi. Ở phương Đông, trong ba lần bái lạy ở hôn lễ, thì đầu tiên chính là bái thiên địa, chính là xin trời đất chứng giám cho hôn nhân. Vậy nên hôn nhân mang ý nghĩa như một lời thề hẹn thiêng liêng, rằng cả hai sẽ luôn ở bên nhau, vượt qua gian nan không oán trách.

Tuy nhiên, giới trẻ hiện đại không còn nhiều người cảm nhận được sự thiêng liêng của điều đó nữa. Họ bị chi phối rất nhiều bởi cái gọi là ” theo đuổi tình yêu đích thực”. Thực chất chính là phóng túng bản thân, không tôn trọng người khác nên mới yêu hết người này đến người khác để thử xem ai “phù hợp” với mình.

(Ảnh: tumentoday)

Nhưng mà, trên đời vốn không tồn tại khái niệm “phù hợp” mà họ đeo đuổi. Con người chính là rất dễ phạm sai lầm, cuộc sống chính là luôn có lúc thăng lúc trầm không thể nói trước, mọi mối quan hệ chính là luôn có lúc bất chợt sóng gió. Với một người biết xem trọng hôn nhân, họ sẽ biết xem trọng người yêu hiện tại, học cách nhẫn nhịn, bao dung với người kia, chờ cả hai cùng trưởng thành. Còn với người không hiểu đạo lý này, họ rất dễ dàng buông tay người yêu vì những chuyện nhỏ nhặt.

Hiểu Minh (TH)

Exit mobile version