“Các bạn biết đấy, tôi là một dị nhân, người sống đến 99 tuổi vốn đã ít, mà người 99 tuổi vẫn còn chạy bộ thì càng ít hơn”. Ông lão tự nhận mình là “dị nhân” này tên là cụ George Etzweiler, giáo sư trường Đại học Pennsylvania đã về hưu.
Khi cụ George 49 tuổi, cụ bắt đầu xỏ giày chạy, 67 tuổi cụ tham gia cuộc thi Marathon lần đầu tiên. Và năm nay, cụ 99 tuổi, vẫn kiên trì leo núi tham gia những cuộc thi chạy đường dài. Gần đây, Runner Worlds, tạp chí chạy bộ của Mỹ đã đăng tải câu chuyện về cụ George. Dù đã gần 100 tuổi, cụ George vẫn tiếp tục lãnh đạo đội Marathon 80 km có thành viên trẻ nhất là 67 tuổi.
Cụ George có vóc dáng nhỏ, lưng cụ hơi gù. Vào mỗi buổi sáng mùa hạ, cụ thường hướng dẫn đội của mình luyện tập chạy vòng quanh núi, mọi người đều đang chuẩn bị cho cuộc đua Marathon sắp tới.
Từ năm 2007 đến nay, cụ George đã cố gắng thuyết phục nhiều người cao tuổi tham gia cuộc thi chạy bộ thay vì cuộc sống an lão. Năm cụ George 67 tuổi, cụ tràn đầy sinh lực và cũng là vị khách trẻ tuổi quen mặt của nhiều cuộc thi chạy tại địa phương. Trong một cuộc thi Marathon, giám đốc điều hành cuộc thi đã đến chỗ cụ và phát biểu trước đông người rằng: “Chào mọi người, chẳng lẽ chúng ta không thể tổ chức được cuộc thi Marathon 80 km cho hội người cao tuổi hay sao?”
Cụ George nhận lời đồng ý. Đầu tiên, cụ bắt đầu tìm từ danh bạ điện thoại những người bạn trên 65 tuổi. Cụ tìm được rất nhiều người và bắt đầu gọi điện cho những ứng viên tiềm năng trước, nhưng đó không phải là một công việc dễ dàng.
Ví như ông Ed Keller 70 tuổi có thể chạy đoạn đường dài 5 km. Tuy nhiên, ông đã dần từ bỏ sở thích chạy khi bị tổn thương khớp. Mặc dù vậy, cụ Geore vẫn quyết định gọi điện thoại để thuyết phục ông Ed Keller. Ông Keller khi đó gần như đã mất hết niềm tin vào chính mình, ông từng là vận động viên Marathon, nhưng đó chỉ là chuyện của quá khứ. Bỏ qua tất cả, cụ George vẫn tiếp tục kiên trì, cụ tin rằng với những gì ông Keller đã làm được, ông vẫn còn rất nhiều hy vọng ở tương lai.
Ông Keller trả lời rằng: “Tôi không biết mình có thể chuẩn bị tốt để tham gia cuộc thi được hay không?”. Cụ George thuyết phục ông Keller rằng, nếu cụ có thể làm được thì ông ấy cũng có thể làm được, cụ nói: “Ông xem, tôi đã lên núi chạy bộ, tại sao ông không cùng tôi làm việc đó?” Cuối cùng, ông Keller đồng ý và đã tham gia cùng hội chạy đội người cao tuổi được 10 cuộc thi.
“Tôi tự hào về ông”
Cụ George chia sẻ rằng cụ có thể kiên trì chạy bộ là nhờ ý chí kiên cường, bền bỉ của bản thân và đặc biệt là câu chuyện tình yêu năm 1937. Năm đó, cụ George mới tốt nghiệp Phổ thông trung học được 1 năm và đang làm cho một công ty điện gia dụng. Một người bạn đã giới thiệu cụ sửa đèn cho một vị khách tên là Mary Richard, cụ George rất sẵn lòng đồng ý.
Cũng từ đó, cụ George nảy sinh thiện cảm với cụ Mary: “Bà ấy là một người phụ nữ thân thiện, thiện lương, giàu lòng cảm thông và rất quan tâm đến người khác”. Cụ George và cụ Mary đã có những ngày tháng tuổi trẻ hạnh phúc bên nhau và đám cưới diễn ra vào 1942. Sau kết hôn, họ thường cùng nhau làm việc, thậm chí vào năm 1969, khi lần đầu tiên cụ George quyết định tham gia cuộc thi chạy, cụ Mary cũng đồng ý cùng cụ ông tham gia.
Ở tuổi 49, cụ George lần đầu tiên hoàn thành quãng đường dài 1 km, cụ bà đã mua cho cụ ông một chiếc quần ngắn thể thao màu xanh lục quân. Cụ ông mặc nó vào mỗi lần tham gia các cuộc thi tiếp sau. Mấy chục năm đã trôi qua, không biết bao nhiêu lần chiếc quần đã được cụ bà may vá lại để cụ ông mặc. Cụ Mary chạy cùng cụ George được một vài năm, cho đến khi sức khỏe của cụ không còn cho phép cụ chạy thêm được nữa. Vậy nhưng, cụ bà vẫn tiếp tục cổ vũ cho chồng của mình tiếp tục theo đuổi đam mê. Dù đã ngoài 80 tuổi, bà vẫn lái xe đưa chồng mình lên núi tham gia thi chạy.
Trong một cuộc thi chạy diễn ra vào năm 2010, cụ George dự tính để con gái đến đón ông và đưa ông đến thăm vợ mình đang chữa trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, người đón ông buổi hôm đó lại chính là cụ bà Mary, bà ngồi phía sau xe của con gái, tay cầm bình o-xy. Khi người gặp nhau, cả hai đều đang rất mệt, lúc lâm trung cụ bà chỉ kịp nói với cụ ông một câu mà ông có lẽ sẽ không bao giờ có thể quên được, chính là: “Tôi tự hào về ông”, rồi nhắm mắt ra đi. Đó là một ngày mùa đông năm 2010, cụ George mất đi người vợ mà ông vô cùng thương yêu. Sau thời gian đó, cụ ông tiếp tục kiên trì chạy bộ bởi vì: “Tôi luôn luôn tin rằng bà ấy sẽ cổ vũ tôi tiếp tục chạy. Câu nói: ‘Tôi tự hào về ông’ vẫn luôn quanh quẩn trong tâm trí tôi”.
“Ông sẽ tiếp tục tiến lên chứ? – Tôi sẽ thử xem”
Hiện nay, cụ George đang tiếp tục chuẩn bị cho cuộc thi Leo núi Washington vào tháng 6, đây là lần thứ 14 liên tiếp cụ tham gia cuộc thi. Năm ngoái, cụ đã xuất sắc hoàn thành 12,2 km đoạn đường có đỉnh cao nhất xuyên qua miền Đông nước Mỹ với độ cao cao nhất là 1400m. Lúc đó, cụ George và cháu nội Bob tham gia, ban đầu họ bị bỏ lại phía sau cả đội. Mỗi cây số phía trước trở nên thật gian nan đối với cụ. Những đoạn dốc đứng khiến cụ thở không ra hơi, chưa kể đến những nơi có gió lớn đã quật cụ ngã không biết bao nhiêu lần. Nhiều người chạy qua cụ, cũng có nhiều người động viên khích lệ cụ: “Cố lên cụ George”, “Chúng tôi yêu cụ”, “George, cụ là động lực của chúng tôi”… Sau những lời động viên khích lệ là câu nói đùa dí dỏm của cụ George: “Tôi vẫn chưa chết đâu”. Lấy quyết tâm, cụ nhằm hướng đỉnh núi thẳng tiến và hoàn thành chặng đường với thành tích 4 giờ 4 phút 48 giây, nhanh hơn so với năm trước 1 phút.
Khi chạy trở về khu vực xuất phát, người dẫn chương trình hỏi thăm cụ rằng: “Cụ vẫn ổn chứ, cụ George?”
Và cụ trả lời: “Gì cơ? Thính giác của tôi không theo kịp bước chân tôi”. Câu trả lời khiến khán giả vỗ tay và cười ồ lên.
– Cụ luôn thực hiện đúng lời hứa của mình, cụ vẫn sẽ tiếp tục tiến lên đúng không?, người dẫn chương trình hỏi.
– Tôi sẽ thử xem, cụ George trả lời.
Tất cả khán giả đều đã trông thấy một cụ già trên đường đua bất chấp tuổi tác. Tuy nhiên đó không phải là tất cả, hình ảnh của cụ chính là nguồn cảm hứng khích kệ nhiều người cao tuổi khác cùng tham gia đội chạy, thắp lên những ngọn lửa đã bụi lụi tàn theo năm tháng.
Khi cụ George rời khỏi đám đông, một em bé kéo váy hỏi mẹ mình một câu hỏi nhỏ. Người mẹ ngồi xuống chỉ tay về hướng cụ ông nổi tiếng ở phía trước: “Con có biết đó là ai không? Đó là cụ George!”.
Theo Apollo,
Nam Phương biên dịch