Đại Kỷ Nguyên

Vị bác sỹ dành cả cuộc đời để chăm sóc người nghèo (P1)

Bác sỹ James O’Connell nổi tiếng khắp thành phố Boston và trên toàn nước Mỹ khi là người “chăm sóc” những ai nghèo nhất trong xã hội – người vô gia cư. Ông cũng giúp người ta hiểu được đâu là lòng nhân đạo của nghề y và tình người.

Vào bất kỳ đêm nào ở Hoa Kỳ, có gần 600.000 người trong tình trạng vô gia cư ở các nhà tạm trú, nhà nghỉ, nhà ở chuyển tiếp, cơ sở điều trị, xe hơi, tòa nhà trống hoặc trên đường phố. Cuộc điều tra dân số vô gia cư gần đây nhất của thành phố Boston được tiến hành vào năm 2015 cho thấy 7.663 đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô gia cư ở nhiều nơi khác nhau.

Người vô gia cư là nhóm cộng đồng có trình độ văn hóa kém, chế độ dinh dưỡng kém, điều kiện sinh hoạt kém, vai trò xã hội kém,… dẫn đến việc họ trở thành nhóm người mắc tỷ lệ cao về bệnh tâm thần và lạm dụng thuốc, rượu. 

Dù vậy, vấn đề này đã và đang được giải quyết khi thành phố Boston, Mỹ đã trở thành nơi tiên phong trong việc phát triển mô hình quốc tế về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người vô gia cư, và có được danh tiếng nhờ vào những cống hiến không mệt mỏi của một vị bác sĩ có trình độ và tâm huyết: Bác sỹ James O’ Connell.

Bác sĩ James O’Connell, Assitant professor of medicine tại Đại học Y Havard. (Ảnh: James Harrison)

Để hiểu lý do tại sao Tiến sĩ James O’ Connell không giống như hầu hết các bác sỹ khác, hãy đến thăm ông vào tối thứ Hai hoặc thứ Tư hàng tuần. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể tìm thấy ông ở nhà, bệnh viện hay tại một phòng khám y tế nào đó, bởi vì khi đó ông đang ở trong một chiếc xe tải với bánh sandwich, sôcôla nóng, chăn ấm và những đôi vớ khô ráo. 

Cứ vào hai buổi tối một tuần như thế, ông lái xe quanh thành phố để phân phát những đồ dùng này cho những người cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, không phải James O’Connell được sinh ra với tố chất của một bác sỹ hay phẩm chất của một nhà nhân đạo, tất cả là một cuộc hành trình không mệt mỏi của một người đi tìm “những gì mình muốn”

Hành trình tìm kiếm “những gì mình muốn” 

Đó là vào những năm 1960 thời đại học đầy biến động, trong một quãng thời gian dài chàng thanh niên O’Connell chỉ cảm thấy bất lực, buồn chán và đã từng hoàn toàn không biết mình muốn làm gì với cuộc sống của mình cả. O’Connell kể rằng xã hội dòng chính hay một công việc truyền thống không có sức hấp dẫn với ông, không phải vì ông không có bất kỳ triển vọng nào. Ông nói đùa rằng bằng cử nhân triết học từ Notre Dame và bằng Thạc sĩ triết học, thần học từ Đại học Cambridge ở Anh của ông đã khiến ông “chuẩn bị duy nhất cho việc pha chế và lái xe taxi”.

Vì vậy, O’Connell đã dành 20 năm lang thang, làm những công việc lặt vặt, đi đây đó khắp đất nước. Ông dạy trung học ở Hawaii, làm bồi bàn ở quê nhà Newport, R.I, đăng ký học ngắn hạn vào một chương trình tiến sĩ ở thành phố New York, sau đó học ở một trường luật.

Ông tâm sự: “Về cơ bản, khi tôi thấy thứ gì đó có vẻ thú vị, tôi sẽ làm nó, tôi có suy nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì lâu hơn một hoặc hai năm. Tôi dường như không có bất kỳ khát vọng nghề nghiệp nào”.

Có một lần, ông và một nhóm bạn đã mua một nông trại cũ ở tiểu bang Vermont và sống ở đó hơn một năm, chủ yếu chỉ để trò chuyện, đọc sách và nướng bánh mì cùng nhau. Đó là một cuộc sống bình dị theo nhiều cách, nhưng O’Connell biết rằng cuộc đời ông cần phải có nhiều hơn thế, ông nói:

Tôi nhớ rằng mình không hoàn toàn cảm thấy bình yên với những gì tôi muốn làm hoặc muốn trở thành, tôi bắt đầu ngày càng bị kích động nhiều hơn. Tôi quyết định phải tìm ra những gì mình sẽ làm.

Tìm lại chính mình trong tai nạn của người khác

Trong một chuyến đi nước ngoài ở độ tuổi gần 30, O’Connell đã chứng kiến ​​một tai nạn xe máy khủng khiếp xảy ra ở một nơi xa bất kỳ cơ sở y tế nào, vì vậy ông đã ở bên cạnh người bị nạn và chờ đợi cho đến khi nhận được sự giúp đỡ.

Ông hồi tưởng lại: “Tôi đã có cuộc thảo luận không thể tin được này với người này trong khi chân anh ấy bị gãy làm đôi. Anh ấy đã kể về cuộc sống của mình diễn ra như thế nào, anh ấy đã khóc một chút. Rồi một lúc sau, tôi nhận ra rằng mình cảm thấy thực sự thoải mái khi ở vị trí người giúp đỡ, cuộc trò chuyện mà chúng tôi có khiến tôi ước rằng mình có thể giúp điều trị vết thương cho anh”.

(Ảnh: Boston Health Care for the Homeless program)

Đó là một “cú hích” nhỏ đầu tiên trong cuộc đời để thúc đẩy chàng thanh niên O’Connell quyết định đến học trường y. Do không có nền tảng căn bản về khoa học, ông đã tham gia các khóa học về vật lý và hóa học hữu cơ. Một số trường y từ chối đơn xin học của ông vì cho rằng ông đã quá già để theo đuổi ngành y. Nhưng ông đã vào Harvard, đến trường ở tuổi 30, và trước sự kinh ngạc của chính bản thân mình, ông cảm thấy mình yêu thích điều này.

Cuối cùng, ông quyết định trở thành bác sỹ chuyên khoa ung thư, giành được học bổng tại Trung tâm Ung thư Sloan-Kettering ở New York. Nhưng sau đó, trưởng khoa của ông có một yêu cầu rằng: “Liệu anh có sẵn sàng hoãn lại chương trình học bổng của mình trong một năm để trở thành bác sỹ toàn thời gian cho một chương trình vô gia cư mới ở Boston không?” 

O’Connell kể rằng khi điều đó đã xảy ra, ông thấy mình như co rúm người lại, rên rỉ và nghĩ rằng: “Ôi không! Sau tất cả thời gian học tập, cuối cùng mình cũng biết mình muốn làm gì, và rồi họ sẽ làm mình thất vọng mất!”

Tuy nhiên, ông không còn cách nào khác ngoài việc đồng ý, khi đó là đề xuất của vị trưởng khoa. Vào thời điểm đó O’Connell biết rất ít về tình trạng vô gia cư đến nỗi ông còn nghĩ rằng khu vực vô gia cư Pine Street Inn là một khách sạn. Ông nhớ lại với một tiếng cười nhỏ: “Khách sạn Hampton Inn ở trên đường này, khách sạn Holiday Inn cũng ở trên đường này, thế là tôi cho rằng Pine Street Inn cũng là một nơi như thế”.

Cốt lõi của sự chữa lành

O’Connell nhớ về lời khuyên ông nhận được trong những ngày đầu đến trung tâm vô gia cư, đó là: “Bạn chỉ có thể lắng nghe, và kiên nhẫn… bạn không thể điều khiển điều gì cả, bạn chỉ có thể phục vụ”.

O’Connell nhớ về một y tá huyền thoại chăm sóc cho những người vô gia cư tại Boston tên là Barbara McInnis, người đã truyền đạt cho O’Connell những bài học mà ông khắc ghi và thực hiện trong suốt hơn ba thập kỷ: 

“Hãy dành thời gian của bạn cho họ, lắng nghe những câu chuyện của bệnh nhân, tôn trọng phẩm giá của họ. Hãy kiên định, cung cấp sự chăm sóc, hy vọng, và không bao giờ phán xét. Hãy nhớ tên mỗi người, và nhớ rằng cốt lõi của nghệ thuật chữa bệnh là mối quan hệ yêu thương giữa người và người”.

Tôi nhận ra rằng tất cả mọi thứ tôi được dạy là để làm mọi việc nhanh chóng, hiệu quả, đã rất phản tác dụng khi bạn chăm sóc những người vô gia cư. Một điều mà Barbara và các y tá đã dạy tôi từ sớm là bạn phải tìm cách ”đột nhập” tình cảm của bệnh nhân, bạn phải dùng trái tim mình, với tấm lòng yêu thương và quan tâm người khác. 

Khi bạn thấy ai đó ở bên ngoài, hãy lấy cho họ một tách cà phê và ngồi với họ. Đôi khi phải mất sáu tháng hoặc một năm trước khi ai đó bắt đầu nói chuyện với tôi. Nhưng một khi bạn “mở lòng” mình với họ, họ sẽ đến với bạn bất cứ lúc nào vì họ tin tưởng bạn. Tôi thường nói rằng nghề nhân viên pha chế là điều tôi được đào tạo tốt nhất cho công việc này. Bởi vì nó hoàn toàn liên quan đến về việc lắng nghe và kiên nhẫn, và nhận ra rằng bạn không có nhiều quyền kiểm soát tình hình. Bạn chỉ có thể phục vụ, nhưng bạn không thể kiểm soát.

O’Connell cho biết một điều rằng mặc dù ông biết cách điều trị bệnh viêm phổi, ông không biết làm thế nào để điều trị nó cho những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần và nghiện ma túy. Ông gặp phải những căn bệnh hiếm gặp, như bạch hầu, rãnh chân,…

Thực hành y học trong cộng đồng những người vô gia cư rất phức tạp, đầy thách thức, nó đòi hỏi những kỹ năng mà ông không được dạy tại khóa đào tạo ở đại học Harvard của mình. Ông nói: “Tôi đã bị cản trở ở mọi vấn đề, ví như ai đó cần insulin đã được làm lạnh, nhưng chúng lại ở bên ngoài. Họ cần một cây kim để có thể tự cung cấp insulin, nhưng những nơi này không cho phép bạn có kim tiêm vì đó là những thứ hàng lậu. Mọi thứ cứ rối tung lên, vì thế tôi phải làm việc và học lại từ đầu. Điều đó quả là thú vị!”

Exit mobile version