Đại Kỷ Nguyên

Vị bác sĩ ‘chân trần’ 30 năm đi khắp nơi lấy lại thị lực cho hơn 130.000 bệnh nhân nghèo

Trong hơn 30 năm qua, bác sĩ nhãn khoa người Nepal, Sanduk Ruit, đã đi nhiều nơi, mang lại đôi mắt sáng cho hơn một trăm nghìn người nghèo. 

Bác sĩ Ruit sinh ra trong một ngôi làng hẻo lánh trên dãy núi Himalaya. Ở đây, trẻ em phải đi bộ mất một tuần mới có thể đến được ngôi trường gần nhất. Tuổi trẻ của ông phải chịu cảnh nghèo khổ, khi em gái qua đời vì bệnh lao, ông nhận ra ước mơ của mình là theo đuổi công việc bác sĩ, một nghề không chỉ giúp ông mà còn phục vụ lợi ích cho cộng đồng. 

Bác sĩ Ruit kiểm tra mắt cho bệnh nhân (ảnh: hollows).

Ông chia sẻ: “Đáng buồn như vậy đó, bạn sẽ nhận ra cuộc sống này ngắn ngủi và không thể đoán biết trước điều gì. Cái chết là một giáo viên vĩ đại, nó sẽ nhắc nhở bạn, theo cách thật tàn nhẫn rằng mỗi người đều có ‘hạn sử dụng’. Tôi là một người trần mắt thịt. Tôi muốn làm những điều tốt nhất để giúp người khác sống tốt hơn trước khi tôi ‘hết hạn'”. 

Bác sĩ Ruit dành cả cuộc đời mình để chăm sóc mắt cho những người khác. Ông nổi tiếng vì phát triển một kỹ thuật an toàn và hiệu quả giúp loại bỏ đục thủy tinh thể chỉ trong năm phút.

Điều này giúp ông phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhân chỉ trong một thời gian ngắn. Ông cũng đi nhiều nơi, truyền lại cho những bác sĩ khác về kỹ thuật này. Ông đi khắp châu Á, châu Phi và thậm chí đến Bắc Hàn suốt 30 năm qua và cho đến nay ông đã giúp khoảng hơn 130.000 bệnh nhân phục hồi thị lực, theo Wikipedia

Bác sĩ Ruit chỉ mất năm phút để thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể nhưng đã thay đổi mãi mãi cuộc sống của bệnh nhân (ảnh: AP).
Những cuộc phẫu thuật mắt hàng loạt bắt đầu từ Nepal rồi truyền sang các nước nghèo khác khắp thế giới (ảnh: AP).

Theo Elite Readers, năm 1994, bác sĩ Ruit hợp tác với người thầy, cũng là người bạn tốt của ông, Fred Hollows, một bác sĩ nhãn khoa và nhà từ thiện người Úc. Họ cùng nhau thành lập Viện nhãn khoa Tilganga (TIO) hay còn gọi là Bệnh viện mắt Tilganga ở Kathmandu, thủ đô của Nepal. TIO cung cấp dịch vụ miễn phí cho những bệnh nhân nghèo. Tổ chức này còn phát triển loại mắt kính áp tròng nhân tạo hiện đại nhưng bán với giá rẻ, bởi vậy người bệnh nghèo vẫn có thể mua. Các mắt kính này cũng được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Viện nhãn khoa Tilganga (ảnh: Michael Amendolia).

Ngoài ra, bác sĩ Ruit cùng đồng sự của mình còn tổ chức các trại phẫu thuật mắt di động, đến các vùng nông thôn của Nepal và các nước láng giềng để giúp đỡ những người dân nghèo. Có những nơi xa xôi, đường khó đi lại, họ phải đi bộ nhiều ngày, phát quang cây cối và dựng tạm những chiếc lều để làm phòng mổ tạm thời.  

Những bệnh nhân nghèo đi xe máy, xe đạp, xe bus hoặc đưa theo người thân của mình di chuyển nhiều ngày để đến được “phòng khám” của bác sĩ Ruit. 

Chiếc lều lớn ngoài Bệnh viện mắt cộng đồng Hetauda, cách thủ đô Kathmandu 18 dặm về phía nam (ảnh: AP).
Một nhóm các thầy tu chờ đợi được chữa mắt (ảnh: Elite Readers).

Nhiếp ảnh gia người Úc Michael Amendolia, đã đi cùng với bác sĩ Ruit và các đồng nghiệp của ông từ năm 1990, để ghi lại khoảnh khắc ấm lòng trên máy ảnh. 

Một người Bắc Triều Tiên 80 tuổi đã nhìn thấy con trai mình sau 10 năm hoàn toàn mất thị lực (ảnh: Michael Amendolia).

Với tài năng của mình, bác sĩ Ruit có thể chọn một lối sống giàu có, xa xỉ hơn nhưng ông đã chọn ở lại Nepal, hay đến các cộng đồng người nghèo ở những nơi xa xôi hẻo lánh và giúp họ lấy lại thị lực. Ông làm công việc này kiên trì trong nhiều năm, tất cả điều đó đã nói lên tấm lòng và nhân cách của người bác sĩ. 

Câu chuyện về vị bác sĩ tốt bụng, giàu lòng nhân ái được xuất bản thành sách (Ảnh dẫn qua Facebook).

Ông nhận được nhiều giải thưởng trong cuộc đời mình. Tiểu sử của ông, The Barefoot Surgeon (Tạm dịch: Bác sĩ chân trần) do tác giả người Úc Ali Gripper ghi lại, được xuất bản vào tháng 6/2018.  

Video xem thêm: Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thu Vệ: Người lo trước cái lo của người khác

Exit mobile version