Đại Kỷ Nguyên

Úc: Cửa hàng không có nhân viên và máy tính tiền, tất cả đều dựa trên sự tin tưởng và lòng trung thực

Ảnh chụp màn hình trang abc.net.

Thị trấn khai thác mỏ Kambalda của Tây Úc sau bao năm đình trệ lại có được sức sống mới nhờ cửa hàng từ thiện không nhân viên, hoạt động hoàn toàn dựa trên niềm tin và sự trung thực.

Người có ý tưởng mở cửa hàng đặc biệt này là cô Whitney Page, người New Zealand, khi cô đến Kambalda sáu năm trước. Khi mới đến Kambadla, thị trấn cách Perth 600km, Page không bao giờ nghĩ mình sẽ yêu cái thị trấn hoang tàn này. Nhưng rồi, không chỉ yêu mà cô còn hợp tác với một tổ chức từ thiện địa phương để giúp những người đang phải vật lộn với cuộc sống nghèo khổ.

Cô cũng không nghĩ mình sẽ nghĩ ra một khái niệm mua sắm độc đáo nhưng rồi cô đã làm được, bởi như cô nói: “Tất cả đều có thể, vì tôi có niềm tin vào người khác”.

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới đang thử nghiệm các cửa hàng không có nhân viên bán hàng – từ cửa hàng tiện lợi đến cửa hàng điện thoại di động – tất cả đều có một điểm chung: họ cảm thấy chúng giống những máy bán hàng tự động khổng lồ.

Trong các cửa hàng này, sản phẩm được đặt trong các tủ kính, khi nào người mua trả tiền thì hàng sẽ được giao cho họ thông qua cánh tay robot.

Nhưng cửa hàng không người bán mà cô Page mở ở Kambalda thì khác hẳn, nó hấp dẫn hơn rất nhiều. Cửa hàng từ thiện của cô hoàn toàn không có tủ kính và không có hệ thống báo động.

Thay vào đó, khách hàng có thể thoải mái lấy những gì họ muốn và trả tiền bằng cách thanh toán trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của cửa hàng. Mọi giao dịch hoàn toàn dựa vào niềm tin và sự trung thực.

Ảnh chụp màn hình trang abc.net.

Mô hình cửa hàng này còn khá mới lạ ở Kambalda nên thời gian đầu có một chút khó khăn do mọi người chưa nắm bắt được cách thức hoạt động của nó.

“Họ đã nói rằng có rất nhiều người tinh ranh ngoài kia và tôi biểu cảm như thể: ‘Ồ, vậy ư?'”.

Cô Page nảy sinh ra ý tưởng về một cửa hàng không có nhân viên và máy tính tiền xuất phát từ thực tế là cô không thể tìm đủ tình nguyện viên làm việc này mỗi ngày.

“Chúng tôi không muốn bất cứ ai ở đây tới cửa hàng làm việc mà không được nhận lương. Nhưng là một tổ chức từ thiện, chúng tôi thực sự không đủ khả năng để trả tiền cho bất cứ ai làm ở đây cả ngày. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra ý tưởng này”, cô Page chia sẻ.

Cho đến nay, doanh thu từ cửa hàng được gửi tới các tổ chức từ thiện nhằm giúp đỡ các gia đình trong địa phương gặp khủng hoảng bằng cách thanh toán hóa đơn tiện ích hoặc cung cấp thực phẩm cho họ.

Giảm nhẹ gánh nặng mua sắm cho khách hàng thu nhập thấp

Hệ thống trung thực của cửa hàng cũng cho phép khách hàng thanh toán sau nếu họ không đủ khả năng thanh toán trong ngày. Bà mẹ trẻ Rhiannon Jones, người sắp sửa đón đứa con thứ ba chào đời, là một khách hàng thường xuyên của cửa hàng.

“Bạn không cần căng thẳng khi đi vào cửa hàng vì bạn không cần trả tiền ngay nếu bạn không có đủ khả năng đó”, cô Jones cho biết.

Ảnh chụp màn hình trang abc.net.

Cô Jones chia sẻ: “Tôi chỉ cần nhắn tin cho Whitney rằng tôi đang lấy thứ này và tôi sẽ thanh toán khi đối tác của tôi trả tiền”. Nhưng vẫn có những món đồ bị lấy đi. “Đó là không trung thực và tôi không thích điều đó”, cô Page bày tỏ. “Nhưng có lẽ họ cần nó”, cô nói thêm.

Mang lại sức sống cho một thị trấn bị bỏ hoang

Các gian hàng trống rỗng đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại Kambalda kể từ khi giá niken sụt giảm thê thảm và các mỏ đóng cửa.

Ảnh chụp màn hình trang abc.net.

Một siêu thị, cửa hàng đồ uống và văn phòng bất động sản là những gì còn sống sót trong khu thị trấn nhỏ. Ngân hàng đã đóng cửa cách đây không lâu.

Bây giờ, cửa hàng từ thiện đang mang lại sức sống mới cho thị trấn này.

Hầu hết các ngày trong tuần, Eleanor Till đều đi mua sắm hàng tạp hóa cho hai đứa con, giờ đây, họ có thêm một lựa chọn thú vị, đó là dạo qua cửa hàng từ thiện.

“Thật tuyệt vì đã không có nhiều cửa hàng trong khu giải trí suốt một thời gian dài”, cô Till nói. “Bây giờ nó luôn luôn đầy màu sắc, nó làm cho không khí nơi này vui tươi hơn”, bà Till hào hứng.

Bên trong cửa hàng, các bức tường được trang trí bằng các bản in của nghệ sĩ người Mexico Frida Kahlo. “Tôi yêu Frida. Cô ấy đại diện cho sự mạnh mẽ, cô ấy đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời”, cô Page bộc bạch.

Ảnh chụp màn hình trang abc.net.

Cô Page cảm thấy cô có chút gì đó giống Kahlo có lẽ bởi khả năng chịu đựng của cô. “Tôi là một bà mẹ đơn thân – không có tiền, phải vật lộn với cuộc sống”, cô chia sẻ.

Nhưng sự hiện diện của Kahlo cũng là lời nhắc nhở về những gì cô ấy đã vượt qua và những gì cô ấy có thể trao cho người khác: “Tôi rất muốn có một nhóm sẵn sàng giúp đỡ tôi thực hiện công việc ý nghĩa này”, cô Page bày tỏ.

Huyền Thanh

Theo abc.net

Video xem thêm: Vì sao người Israel không thu hoạch hoa màu ven đường?

Exit mobile version