Đại Kỷ Nguyên

Từng là nạn nhân của a-xít, họ đã trở thành những “Nữ-Anh-Hùng” Ấn Độ

Nằm không xa so với “lâu đài tình yêu” Taj Mahal của thành phố Agra, Ấn Độ, là một quán cafe nhỏ mang tên “Sheroes Hangout”. Với tên gọi bắt đầu bằng hai từ tiếng Anh, “She” và “Hero”, đây thực sự là nơi các nữ anh hùng bước ra từ bi kịch cuộc đời mình.

Bạn có thể cho rằng những cô gái từng bị tấn công bằng a-xít ở Ấn Độ sẽ phải chịu sự hắt hủi và ruồng bỏ từ xã hội. Đúng vậy, đó là một vấn nạn tại Ấn Độ ngày nay. Khi thân phận người phụ nữ bị coi rẻ, họ chỉ có thể quanh quẩn trong xó nhà hay góc bếp, và không dám hòa nhập với cộng đồng xung quanh. Nhiều người trong số họ phải cam chịu với số phận, không dám lên tiếng cho chính bản thân mình.

Tại Sheroes Hangout cũng vậy, đây là mái nhà chung của những người phụ nữ kém may mắn như thế. Khi bước vào quán cafe nhỏ này, bạn sẽ được gặp 5 người phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau. Mỗi người trong số họ đều có câu chuyện của riêng mình…

5 người phụ nữ “anh hùng” tại Sheroes Hangout. Từ trái qua phải: Ritu, Chanchal, Neetu, Geeta, và Rupa (Ảnh: Sheroes Hangout, indiegogo.com)

Đứng sau quầy phục vụ là Neetu Mahour. Cả khuôn mặt cô bị biến dạng, đôi mắt cũng mù lòa do hậu quả của bạo lực gia đình khi Neetu mới 3 tuổi. Cha cô, vì muốn vợ sinh con trai nên đã tức giận đánh đập và tạt a-xít vào mẹ của Neetu – bà Geeta, cũng là một nhân viên tại Sheroes Hangout. Không chỉ Neetu và mẹ cùng bị thương trầm trọng, mà ngay cả em gái cô, khi ấy vẫn còn là đứa trẻ sơ sinh, cũng đã qua đời không lâu sau đó.

Neetu (phải) và mẹ, bà Geeta (Ảnh: Sheroes Hangout, indiegogo.com)

Còn đối với cô gái trẻ Rupa thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Rupa kể lại: “Tôi mới 2 tuổi khi mẹ tôi qua đời. Cha tôi tái hôn, và tôi cứ nghĩ người mẹ mới sẽ yêu thương tôi giống như đứa con đẻ của bà. Nhưng chẳng bao lâu sau, tấm màn cuộc đời được vén lên và bi kịch bắt đầu.”

Cô gái trẻ Rupa (Ảnh: Youtube)

“Đó là khi tôi đang hạnh phúc bởi mọi người luôn nói rằng khuôn mặt tôi giống với người mẹ trước kia, tôi cũng cảm thấy yên bình vì nghĩ rằng nét mặt ấy là tài sản cuối cùng từ bà mà tôi có được. Mọi thứ đều trong sức chịu đựng cho đến khi người mẹ kế tìm cách cướp đi ký ức còn sót lại ấy bằng cách tạt a-xít vào mặt tôi. Tôi không chỉ sống sót qua một cơ thể cháy bỏng mà còn sống sót qua những ký ức bị thiêu đốt”.

Xinh đẹp, thông minh, và tài giỏi, Chanchal Kumari từng ước mơ trở thành kỹ sư tin học. Và mặc dù xuất thân từ tầng lớp “tiện dân” (dalit), nhưng Chanchal đã nỗ lực theo học tới các cấp bậc cao hơn. Ý chí và nghị lực của một cô gái nghèo vô tình lại trở thành nỗi sỉ nhục đối với những thanh niên giàu có khác trong làng. Vì vậy, trong một buổi đêm khi đang ngủ ở nhà, Chanchal đã bị bốn nam thanh niên đột nhập vào phòng và tấn công bằng a-xít. Em gái của Chanchal cũng bị ảnh hưởng từ vụ tấn công này.

Chanchal Kumari, cô gái với ước mơ trở thành kỹ sư tin học (Ảnh: Sheroes Hangout, indiegogo.com)

“Nhiều tháng sau khi sự việc xảy ra, không có bất kỳ ai đến giúp đỡ chúng tôi. Ngay cả mukhia (trưởng làng) và những người bảo vệ luật pháp (MLA) cũng né tránh chúng tôi, nói chi đến chuyện giúp đỡ. Lý do là bởi hung thủ thuộc tầng lớp quyền thế hơn”, Chanchal nói, được thuật lại bởi phóng viên của thời báo Hindustan Times.

Ritu (Ảnh: Sheroes Hangout, funddreamsindia.com)

Không giống như Chanchal, cô gái 20 tuổi Ritu Saini bị tạt a-xít sau khi khước từ tình cảm của một người họ hàng. Trải qua 10 cuộc phẫu thuật tái tạo mà đối với cô là “cũng đau đớn như khi bị tấn công”, Ritu vĩnh viễn mất đi con mắt trái của mình. “Trước khi đến Sheroes, tôi từng phải che mặt…”, Ritu cho biết.

Đó là 5 con người, 5 mảnh đời, 5 số phận khác nhau nhưng cùng chung một nghị lực. Họ muốn đứng dậy bằng đôi chân của mình, muốn được khẳng định, và muốn tự mình xây dựng tương lai cho bản thân. Nếu như trước kia, họ bị gia đình ruồng rẫy, bị xã hội coi khinh, hay bị cộng đồng bỏ mặc, rồi phải che giấu khuôn mặt biến dạng hay phải né tránh thế giới bên ngoài, thì ngay tại Sheroes Hangout, họ có thể tự tin gặp gỡ mọi người mà không cần e ngại. Sheroes Hangout cũng là nơi chắp cánh ước mơ, nơi thắp sáng tài năng cho những người khao khát thể hiện mình. Khách đến thăm quán hàng không chỉ được thưởng thức cà phê và đồ ăn ngon của đầu bếp Geeta mà còn có thể đọc sách trong thư viện do Neetu quản lý, ngắm nhìn bộ sưu tập thời trang do Rupa thiết kế, hay ghé thăm triển lãm hàng thủ công do Ritu thực hiện.

Thư viện sách tại Sheroes Hangout (Ảnh: Sheroes Hangout, Facebook)

Và như thế, bước chân vào Sheroes Hangout bạn sẽ có một cảm giác hoàn toàn mới lạ. Tại đây, những người phụ nữ mặt biến dạng và chân tay đầy sẹo vẫn có thể tự tin tươi cười chào đón bạn. Trên các bức tường là bức vẽ chân dung một cô gái bị tạt a-xít – nhưng vẫn đẹp rạng ngời và tỏa sáng cho dù ngoại hình có thay đổi thế nào.

Một góc quán cafe Sheroes Hangout (Ảnh: Sheroes Hangout, Facebook)

Sheroes Hangout được thành lập bởi một chương trình xã hội nhằm chống nạn tấn công bằng a-xít (Stop Acid Attacks – SAA). Đây cũng là loại hình đầu tiên được thiết lập ở Ấn Độ, nơi hàng ngàn phụ nữ vô tội trở thành nạn nhân của tội ác này. Ý nghĩa của dự án cafe Sheroes Hangout không nằm ở mục đích kinh doanh, mà là để khuyến khích xã hội có thái độ tích cực hơn về những con người sống sót từ a-xít. Câu chuyện của 5 người phụ nữ tại Sheroes Hangout cũng truyền thêm cảm hứng và nghị lực sống cho những ai từng trải qua các tình huống tương tự.

Nếu có dịp đến thăm thành phố Agra của Ấn Độ, xin đừng quên ghé thăm quán cafe Sheroes Hangout nằm trên phố Fatehabad, đối diện với khách sạn The Gateway Hotel. Chỉ cần một nụ cười, một cái bắt tay thân thiện, hay một lời động viên khích lệ của bạn cũng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những “nữ anh hùng” kiên cường tại nơi đây.

Hồng Liên

Xem thêm:

Exit mobile version