Các chương trình “Đi tìm thần tượng” có thể có hại với khả năng âm nhạc tự nhiên của trẻ em.
Bộ phim của Hungary có tựa đề “Sing” (Tạm dịch: ‘Hãy hát’) vừa đoạt giải Oscar cho bộ phim ngắn hay nhất. “Sing” kể về câu chuyện của một cô bé có tên Zsofi, tham gia vào dàn hợp xướng thiếu nhi nổi tiếng tại trường tiểu học nơi mà “mọi người đều được chào đón”.
Ngay sau khi gia nhập, giáo viên Erika nói với Zsofi rằng cô bé không được hát thật, mà chỉ hát nhép. Cô bé đành chấp nhận làm theo yêu cầu của cô giáo. Nhưng sau đó, nỗi đau và sự tổn thương của cô bé trở nên rõ ràng hơn, khi Zsofi dè dặt nói với người bạn thân nhất của mình về chuyện đã xảy ra.
Bộ phim tiếp tục cho thấy Zsofi không phải là thành viên duy nhất của nhóm hợp xướng phải hát nhép như vậy. Còn giáo viên dàn hợp xướng cho rằng: “Nếu tất cả mọi người cùng hát thì chúng ta không thể là đội hát hay nhất”.
Sau khi xem bộ phim trên, Giáo sư đào tạo âm nhạc Steven M. Demorest của trường Đại học Northwestern khẳng định rằng, câu chuyện trên rất bất thường. Nhưng chính ông đã từng nhiều lần nghe thấy việc giáo viên âm nhạc yêu cầu học sinh không hát.
Những nghiên cứu cho thấy nhiều người trưởng thành tin rằng bản thân họ “không có khiếu âm nhạc”, chính vì các giáo viên hoặc gia đình đã nói với họ như vậy khi còn bé.
Theo Giáo sư Steven, tất cả trẻ em đều có năng khiếu âm nhạc. Trẻ em là những nhạc công tự nhiên, vì chúng luôn sẵn sàng hát, khiêu vũ và chơi nhạc từ khi còn nhỏ. Ông nói: “Mọi người thường hỏi tôi làm thế nào để phát hiện con họ có năng khiếu âm nhạc. Tôi đảm bảo rằng con của họ – thực ra là mọi đứa trẻ – đều có khả năng âm nhạc và khả năng ấy có thể được phát triển đến mức gắn bó với âm nhạc suốt đời một cách thoải mái”.
Tuy nhiên, khi chúng lớn lên, một số trẻ bắt đầu nhận được thông điệp từ bạn bè, gia đình, truyền thông và cả giáo viên âm nhạc rằng họ có thể không có năng khiếu âm nhạc – rằng họ không có “tài năng”.
Quan niệm về “tài năng”
Các chương trình như “Đi tìm thần tượng” đã hình thành quan niệm rằng ca hát là một khả năng hiếm hoi dành cho số ít người tài năng, còn những người không có tài năng thì chỉ làm trò cười và sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Nghiên cứu của Giáo sư Steven cho thấy, nếu trẻ em có quan điểm tiêu cực về khả năng âm nhạc của bản thân thì chúng sẽ khó tham gia các hoạt động âm nhạc dưới bất kỳ hình thức nào.
Và quan niệm này sẽ thành hiện thực khi trưởng thành. Trẻ yêu âm nhạc nhưng không nghĩ mình có năng khiếu âm nhạc có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội tham gia các hoạt động âm nhạc, trải nghiệm về cảm giác kết nối với người khác thông qua bài hát. Những lợi ích này không liên quan gì đến tài năng.
Khuyến khích trẻ em ca hát
Làm thế nào có thể truyền tải cho trẻ em thông điệp rằng ca hát là dành cho tất cả mọi người? Giáo sư Steve cho rằng nên bắt đầu từ gia đình và trường học.
Ví dụ: nếu là cha mẹ, bạn có thể hát những bài hát mà bạn yêu thích và đừng lo lắng về việc bạn sẽ hát như thế nào. Có một người lớn trong nhà thích âm nhạc, có thể hát mà không xấu hổ thì đứa trẻ sẽ thấy tự tin. Bạn cũng có thể hát với lũ trẻ từ khi chúng còn nhỏ, hát cùng radio, hát trong xe hoặc hát tại bàn ăn.
Còn giáo viên âm nhạc cần khuyến khích tất cả trẻ em trong lớp học, trường học và cộng đồng hát bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào các em có cơ hội.
Giáo viên dạy nhạc cần tạo môi trường hợp tác và gắn kết cho các em nhỏ, nơi tất cả giọng hát đều được nghe và đánh giá – không phải là thử giọng và cạnh tranh.
Còn bộ phim “Sing” truyền đạt một thông điệp: ca hát không phải là dành cho một số ít người, mà cho tất cả mọi người.
Theo The Conversation
Tự Kiên biên dịch
Xem thêm: