Đại Kỷ Nguyên

Từ vụ thảm sát 4 mạng người ở Quảng Ninh: Vì sao cái ác cứ mãi hoành hành?

Bất kể một tội ác nào thành hình cũng đều có quan hệ sâu sắc với sự tham lam, đố kỵ, tâm tranh đoạt của con người. Khi đạo đức xã hội ngày càng thêm mai một, sự trỗi dậy của tội ác là một điều tất yếu.

Khi cái ác trỗi dậy

Vụ thảm án rúng động dư luận mới đây ở Quảng Ninh tiếp tục đặt cho người ta nhiều câu hỏi về lương tâm, đạo đức và luật pháp. Nhiều người cho rằng, chấn động mà nó gây ra trong dư luận cũng tương đương với vụ giết người ở tiệm vàng Bắc Giang của Lê Văn Luyện hay vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước.

Chỉ trong vòng ít ngày, những vụ trọng án liên tiếp xảy ra. Giữa tháng 8, Bí thư và Chủ tịch HĐND Yên Bái bị bắn tử vong ngay tại trụ sở làm việc. Trước đó, vào tháng 6/2016, một vụ trọng án khác cũng xảy ra ở Nghệ An: 4 người trong một gia đình bị thảm sát không ghê tay.

Gần đây hơn cả, một thanh niên mới chỉ 23 tuổi gây ra vụ án rúng động: giết người, chặt xác phi tang. Xa hơn nữa hãy nhớ về những Nguyễn Đức Nghĩa, bác sỹ Cát Tường… với tội ác chấn động, vô nhân tính của mình.

Tang lễ 4 bà cháu bị thảm sát ở Quảng Ninh. Ảnh: Internet.

Qua những dòng tin án mạng dày đặc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, cuộc sống này đầy rủi ro, thật mong manh và quá u ám. Nhiều người thầm trách móc báo chí đã tô thêm những mảng màu tối vào hiện thực vốn đã chẳng mấy sáng sủa ấy. Nhưng có một điều cần phải nói rằng, dù báo chí có đưa tin về những vụ thảm án hay không, ở ngoài kia tội ác vẫn cứ hoành hành.

Chỉ cần một va chạm nhỏ trên đường, người ta cũng có thể nói chuyện với nhau bằng nắm đấm, thậm chí vũ khí, “hàng nóng”. Chỉ vì một món lợi nhỏ mọn, người ta quay sang lọc lừa, tráo trở, sẵn sàng đoạt mạng kẻ khác để thỏa mãn lòng tham, ích kỷ. Mạng người ngày càng rẻ. Chỉ vì 250.000 đồng, một lái xe taxi đang tâm ra tay sát hại cô giáo trẻ.

Nỗi đau xé lòng của thân nhân người bị hại trong vụ thảm sát 4 người ở Quảng Ninh.

Rất nhiều khi tội ác bùng phát từ những lý do thực sự tầm thường, thực sự… vớ vẩn: mời rượu không uống: giết, nhìn đểu: giết, quẹt xe: cũng giết… Cái ác đang lan tràn và được người ta bắt chước nhau quá nhanh.

Ở thời nào cũng vậy, tội ác giết người luôn là hành động bị cả xã hội lên án, tẩy chay, là hành vi vô đạo, mất nhân tính nhất. Nó đương nhiên là một sự bất thường. Nhưng có vẻ như trong xã hội hiện đại ngày nay, điều bất thường, bị tẩy chay ấy đang dần trở nên bình thường, được chấp nhận.

Câu hỏi là vì sao xã hội ngày càng hiện đại, văn minh thì tội ác lại càng có phần dã man, thảm khốc, bạo tàn hơn?

Lòng tham, lối sống ích kỷ, cá nhân, vụ lợi chính là nguồn gốc của những tội ác ghê rợn ấy. Không phải bom nguyên tử, lòng tham của con người mới là thứ vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp nhất. Nó khiến đạo đức của cả một xã hội, dân tộc, quốc gia bị xói mòn, khiến con người trở thành những con ác quỷ. Khi lòng tham được nuôi dưỡng bởi ngọn lửa hận thù, nó càng tác oai, tác quái khủng khiếp hơn nữa.

Con người vốn đang đi trên một bước đường tha hóa. Chuyển động ấy nhìn bề ngoài có vẻ rất nhẹ, rất chậm nhưng thực sự là đang lao dốc với tốc độ khôn lường. Đừng nhìn vào vẻ sang trọng, hào hoa, học thức của một người để đánh giá, đo lường bản tính tốt xấu của họ. Có một sự thật là rất nhiều kẻ thủ ác vẫn luôn hiện diện trong dáng hình của một thư sinh nho nhã, phong độ cho đến khi ra tay tàn độc.

Kẻ thủ ác (giữa) đã bị bắt giữ. Ảnh: Soha News.

Đạo đức xã hội vốn được duy trì là để ước chế con người về mặt tinh thần. Nó trái hẳn với pháp luật, vốn quản thúc người ta ở phương diện vật chất. Bởi vì thuộc về một phạm trù tinh thần nên những biến đổi của đạo đức xã hội cũng rất khó nhận ra. Người ta không thấy bất cứ một dấu hiệu rõ ràng nào cho đến khi tội ác, sự lọc lừa tràn lan gây hại như nấm mọc sau mưa.

Người xưa vốn cực kỳ trọng lễ nghĩa và quý tiếc sinh mệnh. Tội tự sát bị coi là điều bất hiếu với cha mẹ. Xã hội xưa duy trì một nền tảng đạo đức tương đối vững bền, trong đó có nhiều mối quan hệ câu thúc lẫn nhau: cha mẹ – con cái, vợ – chồng, bè bạn, thầy – trò, vua – tôi…

Con người hiện đại, bằng sức mạnh công nghệ, khoa học của mình đã cải biến điều kiện tự nhiên đến tận gốc rễ. Nhưng qua đó, họ cũng góp phần cải biến, đào xới cả một nền móng đạo đức vững chãi đã qua hàng nghìn năm truyền thống. Sự phóng túng, tự do, đề cao chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ khiến con người ta ngày càng phát triển tâm lý sở hữu, chiếm đoạt. Họ có thể làm mọi cách để chiếm đoạt những mối lợi từ tay kẻ khác bất chấp mọi thủ đoạn. Và lúc đó, tội ác ra đời.

Những tội ác vẫn đang hoành hành.

Xã hội nhân loại ngày nay rất cần những tấm gương đẹp đẽ, cao cả để lấy làm hình mẫu. Cuộc sống đang thiếu đi những giá trị nhân văn cốt lõi để điều hòa các mối quan hệ, làm dịu bớt những mâu thuẫn tưởng như vô cùng gay gắt. Người xưa nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người ta ban đầu vốn có tính thiện).

Điều đó vô cùng xác thực. Bản tính của con người vốn là thiện lương. Niềm tin vào bản tính nguyên thủy của con người vì thế có thể hưng khởi lại đạo đức xã hội, thăng hoa tâm tính của người ta. Một khi đạo đức được khơi tỏ, cái ác cũng không còn bóng đen nào để ẩn núp. Công lý, thiên lý cuối cùng cũng vẫn giành chiến thắng trong cuộc đấu một mất một còn với tội ác. Khi cái ác hoành hành dữ dội nhất, có lẽ cũng chính là lúc nó đang giãy chết.

Hữu Bằng

Xem thêm:

Exit mobile version