Nữ sinh Hannah Jones được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và bệnh tim lúc còn trẻ đã tốt nghiệp đại học sau khi thay tim. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Hannah Jones 22 tuổi của hiện tại đã từng ra tòa năm 13 tuổi để đòi quyền được chết của mình sau khi cô bé từ chối phẫu thuật ghép tim.
Tuyên bố của Hannah rằng cô bé muốn sống những ngày cuối cùng của mình trong bình yên và từ từ ra đi, chứ không làm phẫu thuật tại bệnh viện đã khiến rất nhiều người tại thời điểm đó bàng hoàng, lo sợ. Tuy nhiên, cô gái này hiện đã bước sang tuổi 22 và đã tốt nghiệp Đại học Aberystwyth với tấm bằng cử nhân chuyên ngành Anh văn và Kịch nghệ với trình độ 2:2. Hannah nói rằng cô không hối hận về bất kỳ quyết định nào của cô trong quá khứ.
Hannah trở thành tiêu điểm trên báo chí 9 năm trước khi cô từ chối tất cả mọi nỗ lực pháp lý từ các bác sỹ trong lúc họ cố gắng buộc cô phải điều trị bệnh tim. Bệnh viện địa phương của cô đã bắt đầu tiến hành những thủ tục pháp lý tại Tòa án Tối cao để đưa cô ra khỏi sự quản thúc của cha mẹ, như vậy việc cấy ghép tim sẽ được tiến hành. Nhưng sau khi Hannah đưa vụ việc của cô đến một văn phòng bảo vệ trẻ em, Bệnh viện Hereford đã quyết định từ bỏ.
Thật không may, tình trạng của Hannah bắt đầu xấu đi. Mãi tới năm tuổi 14, cô mới thay đổi ý định và trải qua một cuộc cấy ghép trong sáu giờ rưỡi tại Bệnh viện Great Ormond Street. Người hiến tặng trái tim cho Hannah là một người đàn ông 40 tuổi đã chết trong một tai nạn xe máy tại Scotland.
Hannah, hiện đang sống cùng cha mẹ. Cô bé nói:
“Tôi không thể tin được rằng ca phẫu thuật đã diễn ra lâu như vậy rồi. Vào thời điểm nó diễn ra, nó đã mang đến cho tôi một thế giới khác. Trên thực tế, tôi đã nhận được sự động viên khích lệ từ rất nhiều người, từ Mỹ đến New Zealand. Khi tôi quyết định làm phẫu thuật, tôi nghĩ rằng bởi vì đã đến lúc tôi phải làm việc này. Tôi không chịu sự thúc ép nào cả, sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm tôi đã giúp tôi đưa ra quyết định đó.
Tôi đã kiệt sức bởi các loại thuốc và áp lực mà tôi phải chịu. Thật sự, tôi đã thách thức các bác sĩ vào thời điểm đó. Tôi đã thay đổi tư tưởng khi tôi 14 tuổi và tôi bắt đầu suy nghĩ về những điều tôi muốn làm với cuộc sống của mình. Lúc đó, những kế hoạch mới chỉ hình thành mơ hồ trong tâm trí tôi nhưng có một điều lại trở nên vô cùng rõ ràng, rằng tôi cần phải ghép tạng để thực hiện chúng. Nếu tôi chọn ghép tạng sớm thì tôi sẽ không ở trong vị trí hiện tại, có lẽ tôi sẽ chán nản vì bị thúc ép ghép tạng và sau đó là chối bỏ cuộc sống này. Tôi không một chút hối tiếc về những quyết định của mình. “
Hai năm sau khi phẫu thuật, Hannah đã được đưa đến chăm sóc đặc biệt trong hai tuần sau vì mắc virus cúm A H1N1 và được chỉ định uống 15 viên thuốc mỗi ngày. Cô nói tình trạng của bản thân nhắc nhở cô rằng mình phải cẩn trọng hơn trong cuộc sống, đặc biệt là những thực phẩm sử dụng hàng ngày:
“Tôi phải chăm sóc bản thân mình. Tôi không uống rượu và phải xem xét những gì tôi ăn. Mỗi ngày tôi vẫn phải uống nhiều thuốc và phải chăm sóc trái tim mình nhưng tôi biết mình có một tương lai phía trước.
Tôi không biết nhiều về người đã hiến tạng cho tôi ngoài việc đó là một người đàn ông đã chết trong một tai nạn xe máy ở Scotland. Tuy ông không thể tiếp tục hiện diện trên cuộc đời này nhưng ông đã làm một điều vô cùng cao cả. Ông đã cho tôi cơ hội được sống”.
Hannah hiện đang tiếp tục theo học tại Bath, Vương quốc Anh, và ước mơ của cô là trở thành một giáo viên. Cô cũng đang đứng đầu một chiến dịch nhằm cứu hộ những chiếc tàu bị đắm ở New Quay, nơi cô sinh ra. Mẹ của Hannah, cô Kirsty nói rằng bà hạnh phúc và tự hào biết bao về con gái của mình. Bà muốn gửi lời cảm ơn tới gia đình của người hiến tạng vì những gì họ đã làm. Điều đó thật quá lớn lao.
“Chúng tôi hy vọng gia đình người hiến tạng biết được rằng nhờ sự giúp đỡ của họ, Hannah đã sống khỏe mạnh và hạnh phúc như thế nào. Bây giờ, Hannah có thể dạy và truyền cảm hứng cho trẻ nhỏ và nhiều người khác bằng chính câu chuyện của mình. Con bé khích lệ mọi người, rằng mọi thứ đều có thể nếu chúng ta biết tự tạo cho mình những cơ hội. Kết quả cuối cùng đôi khi không giống với những gì chúng ta hình dung, nhưng điều lưu lại cho chúng ta chính là cảm giác chiến thắng bản thân mình và vượt lên trên những sợ hãi yếu mềm vốn có trong trái tim mình”.
Câu chuyện của Hannah thực sự đã gây ra những chấn động trong xã hội thời điểm đó dù nó chỉ vừa được tường thuật một cách giản dị, nhẹ nhàng. 13 tuổi và đòi quyền được chết, cô bé Hannah chắc hẳn đã trải qua những giây phút tuyệt vọng và chán nản nhất trong cuộc đời. Nếu cô bé không dũng cảm vượt qua những suy nghĩ tiêu cực của bản thân và cho mình một cơ hội bằng cách chấp nhận ghép tạng, có lẽ Hannah sẽ không thể thực hiện được những ước mơ trong hiện tại, càng không thể làm ngọn đuốc thắp sáng trong trái tim những người đang tuyệt vọng giống như cô ánh sáng của hy vọng.
Trong cuộc sống của chúng ta không tồn tại khó khăn mãi mãi. Điều thực sự tồn tại chính là với bất kỳ sự việc nào không xảy đến như ta mong đợi, ta sẽ coi nó là chướng ngại, khó khăn. Dũng cảm đôi khi cũng không phải gồng mình gánh vác, mà chỉ là một câu nói giản dị cuối ngày: Ngày mai ta sẽ nỗ lực hơn. Bởi vậy, nếu trên con đường mình đang đi, bạn cảm thấy có quá nhiều gập ghềnh, gian nan, vậy hãy thử dừng lại và hỏi chính mình: Trong tâm ta còn đang ôm giữ điều gì? Trong tâm ta còn điều gì chưa thể vứt bỏ?
Tuệ Minh – Lưu Thủy
Xem thêm: