Ngày bé, lần nào đi họp phụ huynh về, mẹ cũng phàn nàn rằng các thầy cô giáo phê bình tôi đã cẩu thả như thế nào trong những bài kiểm tra. Lúc đó, tôi không ý thức được lỗi lầm của mình, cho đến mãi tận sau này…
Tính bất cẩn khiến tôi gặp rắc rối
Thời đi học, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh gia đình và trường lớp, vậy nên, những rắc rối gây ra sẽ là tôi tự lãnh hậu quả và không có quá nhiều rắc rối. Tuy nhiên, khi đã đi làm, bắt đầu phải làm quen với khái niệm teamwork và xử lý công việc, mọi thứ dần trở thành “thảm hoạ” với tôi.
Năm hai đại học, tôi đi làm thêm vị trí nhân viên sale cho một công ty tìm nhà cho người nước ngoài. Tôi phải làm việc với khá nhiều hợp đồng. Có nhiều lần tôi đã ghi sai hợp đồng cho khách khiến họ khó chịu, mất thời gian của cả hai bên và làm giảm uy tín của tôi cũng như của công ty.
Tính bất cẩn đã khiến tôi trải qua hết tình huống dở khóc dở cười này đến những thảm hoạ khác. Quan trọng hơn cả, không chỉ mình tôi lãnh chịu hậu quả mà rất nhiều người khác cũng liên luỵ. Có lần, tôi nhìn nhầm lịch, khiến team bị khách mắng “tơi bời” vì trễ dealine cho khách. Có lần, tôi quên take note yêu cầu của khách, quên lịch hẹn, quên điều khoản hợp đồng… Còn rất nhiều tình huống rắc rối khác nữa đã thức tỉnh tôi phải thay đổi. Tôi nhận ra là mình không thể cứ mãi như thế này.
Tôi đã vượt qua tính bất cẩn như thế nào?
Sau rất nhiều rắc rối trong cuộc sống cũng như công việc, tôi quyết định phải thực sự làm một điều gì đó để thay đổi. Tuy nhiên, tôi không chỉ trích bản thân hay hạ thấp bản thân mình sau những sai lầm. Tôi hiểu rằng, chúng ta là con người, và con người thì phạm sai lầm là chuyện bình thường, quan trọng là chúng ta sẽ vượt qua nó như thế nào.
Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy có hai cách phổ biến mà não phản ứng sau khi bạn mắc lỗi. Trường hợp thứ nhất là khi bạn mắc lỗi bất cẩn, não bộ của bạn sẽ tự phản ứng lại như một lời nhắc nhở và bạn sẽ nhìn lại lỗi lầm của mình. Trường hợp thứ 2 là bộ não sẽ phản hồi lại một cách tiêu cực và bạn cho rằng nó chính là mối đe dọa đáng sợ. Điều này khiến cho bộ não tránh không suy nghĩ đến hành động đó nữa.
Những người theo cách đầu tiên có nhiều khả năng học hỏi từ những sai lầm của họ và thay đổi hành vi hơn. Những người theo cách thứ hai thường bị luẩn quẩn trong những hành vi bất cẩn của mình và lặp đi lặp lại sai lầm đó.
Tôi đã bắt đầu thói quen ghi lại mọi việc mình đã làm sai do bất cẩn hàng ngày: Những sai lầm xảy ra ở đâu? Công ty hay cuộc sống thường ngày? Trong khi lái xe hay đang làm việc vặt? Tôi đã làm sai điều gì? Tôi không hoàn thành dealine? Tôi quên trả hóa đơn? Quên mua quà sinh nhật tặng bạn? Tại sao tôi mắc sai lầm?
Cảm giác phải thừa nhận sai lầm của bản thân, nhìn sâu vào vấn đề thật chẳng dễ dàng chút nào nhưng nó đã giúp tôi tự nhắc nhở bản thân cần phải kiểm tra mọi thứ thật kỹ trước khi hành động. Tôi theo dõi các lỗi mình mắc phải hàng ngày và rút kinh nghiệm cho bản thân. Nó đã giúp tôi rất nhiều trên con đường thay đổi bản thân trở thành một người tốt hơn.
Cổ ngữ có câu rằng: “Nhân thùy vô quá? Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên”, tức là con người ai mà không có lỗi lầm? Có lỗi mà có thể sửa thì chẳng gì tốt đẹp bằng.
Bạn đang đọc bài viết: “Tôi đã khắc phục tính bất cẩn của mình như thế nào?” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |