Đại Kỷ Nguyên

Tiến lại gần ô tô xin tiền, cậu bé vô gia cư bỗng bật khóc nức nở khi nhìn vào bên trong

Vì sao một cậu bé vô gia cư khốn khổ có thể làm lay động trái tim hàng triệu người chỉ bằng hành động vô cùng đơn giản này? Có những việc xảy ra giữa đời thường nhưng chẳng mấy ai tin là có thật. Nó chính xác là một câu chuyện cổ tích kỳ diệu…

Như hàng triệu đứa trẻ cực khổ khác ở châu Phi, John Thou ngày ngày phải lang thang kiếm kế sinh nhai trên đường phố Nairobi (Kenya). Vài đồng shilling lẻ của người đi đường chỉ đủ giúp em rau cháo qua ngày. Cuộc sống khốn khổ cứ thế từng ngày nặng nề trôi đi.

Thành thực mà nói, người ta thường không dành quá nhiều thiện cảm cho những cậu bé kiểu như John Thou. Ở Kenya, những đứa trẻ vô gia cư thường phải mang rất nhiều tiếng xấu: trộm cắp vặt, móc túi, lừa đảo… Nhưng trong vũng bùn đen ấy, John Thou vẫn không bao giờ để mình vấy bẩn. Cậu chỉ xin tiền và không bao giờ lèo nhèo khi người khác khó chịu, từ chối.

Một buổi sáng nọ, như thường lệ, John Thou lại lê bàn chân chai sạn của mình trên những con phố quen thuộc ở Nairobi. Cái nắng của xứ nhiệt đới đã bắt đầu thiêu đốt mặt đất còn em thì vẫn chưa có gì trong bụng. Đường phố Nairobi luôn đông đúc, những hàng xe nối đuôi nhau tưởng như dài vô tận. John Thou lặng im quan sát dòng xe ùn ùn dừng san sát cạnh nhau vì tắc đường.

Em tiến đến gần một chiếc xe đỗ ngay vệ đường và chìa tay qua cửa kính để xin chút tiền lẻ bố thí. Nhưng khi liếc nhìn vào bên trong, một cảnh tượng kỳ lạ diễn ra trước mặt em. Ngồi trong xe là một người phụ nữ cứng đơ người, trên mình, trên cổ cô còn gắn đầy những thiết bị lạ lùng.

John Thou tò mò hỏi thăm sự tình. Người phụ nữ tên là Gladys Kamande đã không giấu giếm chút gì về câu chuyện đời mình. Cô mắc một chứng bệnh rất hiểm nghèo: tràn khí màng phổi. Suốt 24/24 giờ, Gladys buộc phải mang theo bên mình thiết bị trợ thở, máy tạo oxy để duy trì sự sống. Dù mới chỉ 32 tuổi nhưng cô Gladys trông như già hơn tới 20 tuổi vì bệnh tật.

Sau 12 ca phẫu thuật, sức khỏe Gladys vẫn không thể ổn hơn. Cô vẫn phải trải qua quá trình trị liệu lâu dài, phức tạp. Các bác sĩ đã khuyên cô sang Ấn Độ để điều trị nhưng Gladys còn nấn ná chưa đi vì lo ngại trước khoản viện phí quá lớn.

Đã có những tiếng nấc nghẹn xen lẫn câu chuyện của Gladys. Nhưng nó không phải của khổ chủ. Đó là tiếng nấc, là những dòng nước mắt tuôn dài trên má của cậu bé John Thou đáng thương. Em đã không thể kìm nổi lòng mình khi nghe câu chuyện bi kịch của cô Gladys. Em chợt nhận ra mình hãy còn quá may mắn so với biết bao người. Em vẫn còn có thể tung tăng đi lại bình thường trên những con phố, vẫn có một sức khỏe đủ dẻo dai. Dù cuộc mưu sinh chật vật, dù ngày tháng gian khó vẫn bám riết lấy em nhưng nỗi khổ của John Thou chưa thấm vào đâu so với những dày vò mà người phụ nữ kia phải chịu đựng.

John Thou vẫn khóc. Em không thể ngăn nổi con tim mình thổn thức. Em khóc vì thương cô Gladys nhưng cũng khóc vì mình bất lực, chẳng thể giúp nổi cô. Dường như em nhớ ra một điều gì. Lồng tay vào túi áo, dốc sạch những đồng tiền lẻ cuối cùng, em rón rén đặt vào tay cô Gladys như một sự an ủi khiêm tốn. Và thế là từ người xin tiền, xin bố thí, em đã trở thành nhà hảo tâm với tấm lòng rộng rãi nhất, với tình yêu thương lớn nhất.

Những người đi đường hiếu kỳ đã vây quanh John Thou và cô Gladys. Quá xúc động trước câu chuyện cổ tích diễn ra ngay trước mắt, họ đã chụp lấy hình em. Một vài người sau đó lại đăng những bức ảnh này lên mạng xã hội. Khoảnh khắc John Thou trút những đồng shilling cuối cùng tặng cho cô Gladys đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Câu chuyện của John Thou đã tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ. Rất nhiều nhà hảo tâm xa lạ từ khắp nơi đã chung tay quyên góp tiền giúp cô Gladys chống chọi với bệnh tật. Chỉ trong vòng 4 ngày, số tiền từ thiện đã lên tới 3 triệu shilling (tương đương 670 triệu đồng). Với cô Gladys, đó không khác nào món quà được Chúa ban cho. Với 3 triệu shilling, cô đã có thể chi trả một nửa tiền viện phí cho quá trình điều trị ở Ấn Độ.

Chưa hết, cậu bé hảo tâm John Thou cũng đã nhận được phúc báo cho hành động của mình. Cô Gladys đã giúp cậu được đi học trở lại, được đến trường như bao bạn đồng trang lứa khác. John Thou cũng chuyển đến ở cùng Gladys và coi cô như chính mẹ đẻ của mình.

Suy ngẫm:

Thông thường, khi phải ở trong cùng cực người ta không còn đủ bao dung để chia sẻ đau khổ của người khác. Điều đó không quá khó lý giải. Vậy nên người đời mới nói từ thiện là việc của người giàu. Sở dĩ người giàu có thích làm từ thiện là bởi không còn phải lo âu gánh nặng cơm áo gạo tiền của riêng mình đương nhiên họ có điều kiện nghĩ cho người khác.

Nhưng cậu bé John Thou trong câu chuyện trên đã chứng minh một điều ngược lại. Cậu đã cho chúng ta thấy sự hảo tâm, lòng từ bi là không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Bất kể ai cũng đều có thể lấy thiện đãi người và bao dung người khác. Bao dung ấy không phải chỉ bằng bạc tiền, vật chất mà bằng yêu thương, sẻ chia, bằng tấm lòng chân thật, trong sáng, chất phác nhất. Ở trong một hoàn cảnh khổ cực nhường ấy, John Thou vẫn đủ lòng trắc ẩn để yêu thương người khác. Trái tim cậu đã bao chứa một tình cảm thật chẳng nhỏ nhoi chút nào.

Hữu Bằng (Tổng hợp)

Xem thêm:

 

Exit mobile version