Đại Kỷ Nguyên

Thót tim nghe bố kể chuyện, tôi thầm ước mang tấm lòng như ông…

Tôi đã ấp ủ từ lâu trong tim mình cuốn nhật ký viết về bố, về những tháng năm của bố mà chưa hề một ngày phai mờ trong ký ức cuộc đời tôi. Những câu chuyện bố kể cho tôi từ khi còn nhỏ, vẫn luôn là hành trang tôi mang theo bên mình. Khi nào khó khăn tôi lại nhớ đến chúng. Tôi nhận ra đó chính là món quà vô giá mà bố dành tặng cho tôi trong cuộc đời này.

Bố tôi là một cựu chiến binh, năm xưa tham gia cuộc chiến tranh đánh Mỹ. Bố hay tâm sự với tôi về cuộc chiến, nhưng những gì ông kể cũng không giúp tôi hình dung hết được sự tàn khốc của chiến tranh. Tôi chỉ biết nó thật khủng khiếp và nhiều khi rùng mình đến độ không dám nghe tiếp. Nhà bà nội tôi có chú và bác cũng tham gia chiến tranh nhưng chỉ còn duy nhất bố tôi quay trở về. Chú và bác tôi đều để lại thân mình nơi chiến trường. Lúc nào nghĩ về việc này bố tôi cũng chảy nước mắt. Đến giờ gia đình tôi cũng chưa tìm thấy hài cốt của bác và chú tôi. Tôi cảm nhận được nỗi đau khắc khoải trong tim bố, cũng mấy lần tôi nhờ chương trình tìm mộ liệt sỹ trên VTV chỗ chị Thu Uyên nhưng đều không có kết quả gì, vì gia đình tôi không còn đủ giấy tờ gốc khi chính quyền báo tử.

Khi chiến tranh kết thúc, bố tôi là một sỹ quan trong quân đội. Bố được các sếp rất quý mến và giữ lại đơn vị công tác tại phía Nam, nhưng bố tôi không đồng ý. Bố muốn về quê chăm sóc ông bà lúc tuổi già và đóng góp sức mình cho quê hương, vì bố nghĩ mình là con trưởng nên cần có trách nhiệm với gia đình, và lúc đó ông bà nội tôi cũng có mong muốn như vậy. 

Tôi cảm nhận được nỗi đau khắc khoải trong tim bố… (Ảnh minh hoạ)

Những câu chuyện đơn giản của bố cứ rót vào tai tôi từng ngày từng ngày, tôi nghe không bỏ sót một từ nào. Tôi thấy ở bên bố và nghe những lời tâm sự chân thành ấy cũng đủ hạnh phúc lắm rồi…

Bố còn kể về những đêm đánh Mỹ khi ở chiến trường, hành quân trong đêm, có lần quân đoàn của bố bị trúng bom, 13 người đi đầu bị chết hết còn bố là người thứ 14. Tôi nghe đến đây mà tim thót lại, tôi nghĩ bố tôi chắc thuộc con nhà trời nên được Thượng Đế trông giữ. Lần nào đến đoạn đó của câu chuyện bố kể tôi cũng khóc, sợ ơi là sợ, nếu lúc đó bố cũng giống 13 chú kia thì tôi chẳng bao giờ còn được nghe những câu chuyện này. Bố nói rằng có buổi đêm vượt sông, chân dẫm vào cả xác đồng đội nhưng cũng chẳng kịp đưa đi chôn. Kể những chuyện thế này, bố luôn dừng lại giữa chừng để lau nước mắt, lúc đó tôi cũng khóc… Có lần hai bố con để câu chuyện dở dang vì quá xúc động…

Tôi không chỉ yêu bố qua những câu chuyện bố kể thời còn tham chiến, tôi còn yêu bố trong tất cả những việc bố làm. Bố về công tác tại địa phương, tôi luôn lén nhìn theo. Bố là thần tượng của tôi. Thần tượng về sự chuẩn mực đạo đức, về sự gọn gàng ngăn nắp, nhất là trong những cuộc hẹn của bố với cấp dưới, dù bận đến mấy bố cũng luôn đúng giờ. Bố quá thật thà nên hay bị người khác lừa. Có lần khi tôi 5 tuổi, bố tôi bị một người khác nói dối và đã đưa tất cả tài sản trong nhà cho họ để làm ăn. Sau đó họ biến mất không dấu vết, bố cũng chẳng đi tìm vì bố nghĩ rằng tìm cũng chẳng thấy… Bố muốn làm lại từ đầu, mẹ tôi cằn nhằn bố nhiều lắm, nhưng bố không có vẻ gì tỏ ra tức giận cả. Tôi cố tìm một biểu hiện nào đó trên gương mặt bố nhưng không thấy, tấm lòng bố bao la như đại dương vậy…

Tôi không chỉ yêu bố qua những câu chuyện bố kể thời còn tham chiến, tôi còn yêu bố trong tất cả những việc bố làm. (Ảnh minh hoạ)

Sau này bố làm công tác bí thư xã, nên nhà hay có khách ra vào. Có nhiều lần tôi thấy người ta mang quà đến cám ơn bố tôi vì đã giúp họ công việc, nhưng chưa một lần tôi thấy bố nhận. Nếu không trả lại được khi đó thì nhất định ông sẽ mang đến tận nhà để trả lại. Đối với tôi bố đúng là giống một nhân vật vĩ đại trong lịch sử ở những bộ phim Trung Quốc mà tôi hay xem…

Mỗi khi hai bố con có dịp trò chuyện, ông hay nhắc tôi: “Làm người thì quan trọng nhất là phải có đạo đức, đạo đức là gốc rễ để có thể gắn kết mình với bạn bè, mình có thể cho đi thật nhiều cũng được, nhưng đã cho đi thì đừng bao giờ mong được nhận lại”. Tôi lớn lên cùng với những lời dạy của bố và cũng không biết từ khi nào tôi hay bị mẹ mắng: “Mày giống y như bố mày, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tôi thì cứ nghe thấy bị mắng giống bố là may rồi, vì giống mẹ thì tôi sẽ trở thành người hay phàn nàn.

Hơn 60 tuổi bố nghỉ công tác ở chính quyền về làm công việc nhà giúp mẹ. Bố làm đủ mọi thứ, và cố gắng thử chăn nuôi các loại động vật nhưng hình như lần nào cũng thất bại… Mẹ lại đau khổ vì bố, mẹ nói “Sao ông cứ phải chọn những cái việc mạo hiểm như vậy làm gì, thất bại như thế còn chưa đủ à?”. Nhưng lạ thay bố chỉ cười và nói mẹ là người không hiểu biết. Bố nói có mất thì cũng có được, mất tiền nhưng mà được kinh nghiệm, được niềm vui trong công việc, bố không thích ngồi không mà hưởng thụ. Cuộc sống của bố mẹ nhiều khi thật sự vô cùng sóng gió với những trò mạo hiểm của bố, năm nay bố gần 80 tuổi rồi nhưng chưa thấy có dấu hiệu dừng lại việc muốn làm các dự án mới.

Tôi lớn lên cùng với những lời dạy của bố. (Ảnh minh hoạ)

Tôi vẫn như ngày còn bé, vẫn thèm được nghe bố kể chuyện và có chuyện gì xảy ra cũng muốn chạy về nói với bố. Bố luôn là người đầu tiên xuất hiện trong tôi mỗi khi có niềm vui hay nỗi buồn. Trong bố có những phẩm chất thiện lương mà tôi mong muốn có được. Nghĩ đến bố là tôi thấy mình đang đứng dưới nụ cười tỏa nắng, mang theo mình đầy ắp ánh bình minh…

Gia Viên

Xem thêm:

Exit mobile version