Đại Kỷ Nguyên

Thông điệp ý nghĩa của người có chỉ số IQ cao nhất thế giới Kim Ung-Yong

Mọi người vẫn thường nói rằng thời đại ngày nay chúng ta không có nhiều thiên tài xuất sinh như trong quá khứ nữa. Nhưng đôi khi chúng ta vẫn được chứng kiến một số con người phi thường, những người mà có thể thực hiện được những việc đáng kinh ngạc ở độ tuổi còn rất trẻ.

Một trong số những người đó là Kim Ung-Yong, một kỹ sư người Hàn Quốc. Ngay ở độ tuổi rất nhỏ, ông đã có được một trí thông minh thiên phú, ông cũng được ghi danh trong Sách kỷ lục Thế giới Guinness với danh hiệu “Người có chỉ số IQ cao nhất”. Tuy nhiên, ông Kim muốn nói với tất cả mọi người trên thế giới rằng IQ không phải là ngọn nguồn của hạnh phúc. Ông đã có một thông điệp gửi cho cả thế giới về những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống.

Kim Ung-Yong là ai?

Kim Ung-Yong đang giải một phương trình bằng kiến thức lớp 12. (Dẫn ảnh: Danviet)

Sinh ngày 8 tháng 3 năm 1972, Kim bắt đầu nói được khi mới có 6 tháng tuổi và nắm được kiến thức về đại số lúc 8 tháng tuổi! Khi 2 tuổi, ông đã thông thạo 4 thứ tiếng gồm có tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức và tiếng Anh. Khi ông ba tuổi, ông thậm chí còn học và nắm vững nhiều ngôn ngữ khác nữa.

Ông bắt đầu theo học tại trường đại học vào lúc 4 tuổi, và tốt nghiệp vào năm ông 15 tuổi. Chỉ số IQ của ông là 210 khi ông mới chỉ có vẻn vẹn hai tuổi!

Ở độ tuổi thiếu niên, ông Kim đã được NASA săn lùng. (Dẫn ảnh: Norma.web.id)

Ở độ tuổi thiếu niên, ông Kim đã được NASA săn lùng và ông cũng đã làm việc ở đó trong suốt bốn năm với cương vị một nhà nghiên cứu. Nhưng, sau nhiều năm nỗ lực để đạt đến giới hạn của bản thân, ông bắt đầu cảm thấy một sự trống rỗng trong cuộc sống. Những năm tháng ở NASA ông luôn cảm thấy cô đơn buồn bã, ông nói: “Thời điểm đó, tôi sống chẳng khác gì một cỗ máy. Tôi thức dậy, giải quyết những công việc được giao hằng ngày, ăn, ngủ và cứ thế, thời gian trôi đi. Tôi thực sự không biết tôi đang làm gì. Tôi vô cùng đơn độc và không có lấy một người bạn”. Năm 1978, ở tuổi 16, ông quyết định trở lại Hàn Quốc. Mọi người ở quê nhà bắt đầu gọi ông là “một thiên tài khiếm khuyết” vì đã từ bỏ NASA. Sau khi nhận được nhiều lời chỉ trích từ công chúng, ông quyết định theo học tại một trường đại học địa phương.

Tính đến năm 2007, ông làm trợ giảng tại trường Đại học Quốc gia Chungbuk. Vào ngày 14 tháng 3 năm 2014, ông trở thành phó giáo sư của Đại học Shinhan, và trở thành phó chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu phát triển Bắc Kyeong-gi.

Điều gì cấu thành chỉ số IQ của một người?

Thuật ngữ IQ (Intelligent Quotient – Chỉ số thông minh) được dùng để mô tả điểm số trong một bài kiểm tra đánh giá khả năng nhận thức của một đối tượng cụ thể so với dân số nói chung. Các bài kiểm tra IQ sử dụng một thang đo chuẩn với 100 là điểm số ở giữa.

Trên hầu hết các bài kiểm tra, điểm số đạt được thường ở giữa 90 và 110, điều này cho biết mức độ thông minh ở dạng trung bình. Điểm số trên 130 cho thấy trí thông minh đặc biệt và điểm số dưới 70 có thể cho thấy một dạng trí tuệ chậm phát triển. Giống như những bài kiểm tra trước đó, những bài kiểm tra hiện đại sẽ tính đến tuổi của một đứa trẻ khi xác định chỉ số IQ.

Trở thành một người đặc biệt không quan trọng bằng việc sống một cuộc sống bình thường

Ông chia sẻ mình vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. (Dẫn ảnh: Roar Media)

Có IQ cao không phải lúc nào cũng là món quà. Ông Kim đã bỏ lỡ nhiều thứ mà những đứa trẻ ở độ tuổi của ông thường có, tuổi thơ của ông đã mất. Ông Kim chia sẻ: “Mọi người luôn cố gắng trở thành một người đặc biệt bằng cách bỏ qua hạnh phúc bình thường của họ. Nhưng họ nên biết rằng hạnh phúc có nghĩa là những thứ bình thường mà chúng ta làm như là nuôi dưỡng tình bạn, chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ với bạn bè ở trường… Tôi không thể có những thứ này ngay cả khi tôi muốn. Đó là lý do tại sao tôi biết rằng những gì tôi nói là quan trọng.”

Như vậy chúng ta đều có thể thấy rằng thông điệp của ông Kim Ung-Yong rất đơn giản và rõ ràng: “Việc trở thành người đặc biệt không quan trọng bằng sống một cuộc sống bình thường.”

Có lẽ mọi người đã kỳ vọng quá nhiều ở mức IQ cao nhất thế giới của ông, hy vọng có thể làm được nhiều điều, để lại được nhiều thành tựu như nhiều người có IQ cao trước đó như Albert Einstein. Thế nhưng trước những nghi ngờ hay thất vọng của mọi người, và dù có bị gọi là “thiên tài khiếm khuyết”, với triết lý sống của mình, ông chia sẻ mình vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.

Xuân Sang

Exit mobile version