Đại Kỷ Nguyên

Thói quen đổ lỗi, cách hành xử thiếu văn minh trong xã hội hiện đại

Trong cuộc sống hàng ngày, những mâu thuẫn, biến cố luôn nảy sinh thường trực. Khi gặp phải vấn đề không mong muốn, chúng ta sẽ chọn cách ứng xử nào để giải quyết: chịu trách nhiệm hay đẩy trách nhiệm đó sang người khác. Câu trả lời tưởng chừng không khó nhưng tại sao phần đông mọi người lại chọn cách ứng xử không văn minh?

Đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho điều kiện tự nhiên, đổ lỗi cho số phận,… phương thức tư duy này đã hình thành thói quen, nuôi dưỡng và cắm rễ sâu trong mỗi người, đến mức đã trở thành một phản xạ tự nhiên khiến nhiều người không thể tự mình ý thức được nữa. Thậm chí, nếu được người khác góp ý nhận xét thì thay vì biết ơn, họ lại quay ra bực bội, khó chịu.

Ảnh: mnrepublic.com

Thói quen đổ lỗi không chỉ dừng lại ở một vài sự việc hay hiện tượng mà ngày càng trở nên phổ biến, dường như đã trở thành một thói quen ứng xử trong xã hội ngày nay. Vậy, loại hành vi này bắt nguồn từ đâu?

Có thể nói, nguyên nhân cơ bản hình thành nên thói quen này bắt nguồn từ cách giáo dục của các bậc cha mẹ. Ở các nước phát triển, một trong những việc quan trọng đầu tiên các bậc cha mẹ dạy trẻ nhỏ là khả năng độc lập và thói quen tự chịu trách nhiệm. Thế nhưng, điều này lại vắng bóng trong cách giáo dục của người Việt chúng ta. Ví dụ, khi trẻ va vào chiếc bàn và bị ngã, bà bảo “ôi bà thương, để bà đánh chừa cái bàn này làm em ngã”. Câu nói “đánh chừa” của các bà, các mẹ không biết từ bao giờ đã trở thành câu cửa miệng. Thay vì khuyến khích trẻ tự đứng lên, người lớn chỉ dạy trẻ đổ lỗi tại những thứ xung quanh. Chính vì vậy, các em chưa bao giờ có ý thức rằng việc mình làm mình phải tự chịu trách nhiệm.

Lỗi hoàn toàn thuộc về các bậc phụ huynh? Tất nhiên là không hẳn vậy. Cách giáo dục chỉ đóng góp một phần, muốn bảo vệ hình ảnh bản thân, che giấu sự yếu kém của chính mình mới chính là nguyên nhân thật sự.

Ảnh: uxlblog.com

Văn hoá đổ lỗi ngày nay xuất hiện khắp mọi nơi. Trong môi trường giáo dục, giáo viên đổ lỗi cho học sinh lười nhác, chểnh mảng. Phụ huynh đổ lỗi cho giáo viên ở lớp giảng bài chỗ cần thì hời hợt, chỗ không quan trọng thì dông dài, không giảng trúng trọng tâm. Học sinh đi thi bị điểm kém lại đổ lỗi tại đề khó.

Ảnh: baodatviet.vn

Đi đường, nếu xảy ra va chạm thì câu đầu tiên phát ra là: “Đi đứng như thế à? Đi kiểu gì vậy? Không có mắt à?”,… Người thì đổ lỗi, người thì ăn vạ, chẳng ai chịu nhường ai mà xảy ra tranh cãi. Trong ngành xây dựng mà cầu đường, công trình chậm trễ tiến độ thì hoặc là do lỗi người tiền nhiệm, hoặc lỗi của đối tác, hoặc lỗi thầu phụ, hoặc lỗi dự án thiếu vốn. Do không dám đối mặt với thất bại của mình, hoặc đơn giản là muốn chối bỏ trách nhiệm nên mọi người thường tìm cách đổ lỗi vòng quanh.

Tiến sĩ tâm lý học lừng danh Menis Yousry, tác giả cuốn sách “Tìm lại chính mình” nói rằng: “Những người luôn đổ lỗi cho người khác là những người không bao giờ thành công, bởi bạn sẽ không thể biết được mình thất bại ở điểm gì để lần sau còn rút kinh nghiệm”. Quả đúng như vậy, khi đổ lỗi cho người khác, bạn cũng đang từ bỏ chính cơ hội để thay đổi bản thân mình trở nên tốt hơn.

Những người thành công luôn biết rằng mọi sai lầm đều có một phần lỗi của họ. Bởi vì bạn không đủ cẩn thận, không đủ quan tâm mới khiến nhân viên sai sót, bạn không đủ bản lĩnh, năng lực nên mới khiến toàn đội mắc sai lầm,…

Là con người ai không mắc lỗi, nhưng điều quan trọng là bạn có dám nhận lỗi và sửa sai hay không. Tôi có một anh bạn làm trong một công ty nổi tiếng của Hàn Quốc, trong một lần làm việc cùng đối tác anh đã phát hiện sản phẩm cung cấp cho khách hàng có vấn đề, tuy không lớn nhưng việc sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến thời hạn trong hợp đồng và uy tín của công ty. Thông thường, trong tình huống này các nhân viên khác đều lờ đi và khi xảy ra vấn đề sẽ đổi lỗi do quá trình khách hàng sử dụng sản phẩm. Thế nhưng, anh bạn tôi đã không làm thế mà ngược lại nhanh chóng nhận lỗi với khách hàng và báo cáo lên cấp trên. Chính hành động nhận lỗi kịp thời đã khiến anh được khách hàng tin tưởng, cấp trên khen ngợi và không lâu sau anh được thăng chức.

Nhận lỗi về mình sẽ không khiến mọi người chê bai, cười nhạo mà ngược lại nó còn khiến mọi người cảm thấy bạn là một người can đảm dám nhận sai, khiêm nhường và biết tôn trọng người khác. Hãy dũng cảm thay đổi bản thân, xây dựng một thói quen mới “tự nhận lỗi”, đây mới chính là văn hoá ứng xử tốt đẹp trong xã hội văn minh.

Tâm Liên

Exit mobile version