Đại Kỷ Nguyên

Tâm sự của một chàng trai trẻ: ‘Tôi thà làm một người đánh giày còn hơn làm nhân viên ngân hàng’

Đây là một câu chuyện có thật giữa lòng nước Anh, được nhà báo Lucy Kellaway của tờ Financial Times kể lại. Chàng trai ấy tên Marc, và anh đã làm công việc đánh giày gần 20 năm qua.

Marc đến London vào đầu những năm 1990, với hy vọng sẽ làm việc trong ngành truyền thông. Tuy nhiên, một thời gian không lâu sau, anh nhận ra công ty truyền thông này là một sự giả tạo. Những gì xảy ra giống như một vở kịch được diễn đi diễn lại hàng ngày bởi những nhân viên làm ở đó.

Marc bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi hằng ngày phải cố gắng gây ấn tượng với sếp, khách hàng và cả các đồng nghiệp. Anh càng chán nản hơn khi lúc nào cũng phải tỏ ra mình là người rất có bản lĩnh.

Marc quyết định từ bỏ công việc ở công ty truyền thông và tìm cho mình một “niềm hạnh phúc” mới – trở thành một người đánh giày. (Ảnh minh hoạ)

“Tồi tệ hơn cả việc bạn cứ phải giả vờ thông minh là khi bạn làm việc với những người giả vờ còn giỏi hơn cả bạn.” – Marc nói.

Cuối cùng, anh quyết định từ bỏ công việc ở công ty truyền thông và tìm cho mình một “niềm hạnh phúc” mới – trở thành một người đánh giày.

Tôi không cần phải thông minh. Tôi có thể câm như hến nếu tôi muốn. Tôi không cần phải cố gắng gây ấn tượng với bất cứ ai. Đó là điều tuyệt vời nhất. Tôi đã dành cả một nửa cuộc đời để gây ấn tượng với mọi người. Điều đó thật mệt mỏi. 

(Tâm sự của một chàng trai đánh giày)

Điều tuyệt vời thứ hai, sau sự tự do của chính mình là đem đến niềm vui cho người khác. Đó cũng chính là sự hài lòng đối với công việc.

Marc chia sẻ: “18 phút trước, bạn nhận từ khách hàng một đôi giầy bẩn, 18 phút sau nó đã hoàn toàn bóng sáng. Công việc của chúng tôi đem lại cho khách hàng niềm vui. Khi bước đi trên những đôi giày sáng lấp lánh, họ cảm thấy tự tin hơn và thông minh hơn. Người ta nói, một đôi giày tốt sẽ đưa bạn đến những nơi tuyệt vời”.

***

Nhà báo Lucy Kellaway tiếp tục kể câu chuyện về một người phụ nữ là cán bộ cấp cao của một ngân hàng lớn trong thành phố. Khi được hỏi có muốn trở thành bà chủ ngân hàng hay không, cô ấy đã trả lời kèm một nét mặt đau khổ rằng: “Tất cả những ai làm việc trong ngành dịch vụ tài chính đều rất điên.”

Có hàng tá lý do giải thích cho sự mệt mỏi của những nhân viên ngân hàng giống như cô. Thứ nhất, sức ép quy định khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn. Sau đó đến chính trị và sự khoa trương trở thành nhu cầu vô tận. Cuối cùng, sự kỳ thị giới tính và văn hóa quan liêu là bản chất không thể thay đổi ở những chốn công sở như vậy. Người phụ nữ nói rằng cô đã kiếm đủ tiền sau 2 thập niên làm việc để không bao giờ phải làm việc nữa.

Trong khi đó, một chàng sinh viên trẻ tuổi đã bắt đầu sự nghiệp của anh bằng chiếc giỏ đánh giày và đến thời điểm này anh vẫn muốn được làm công việc đó.

Vào cái ngày mà cô bắt đầu đến làm việc tại trụ sở ngân hàng lát đá hoa cương sáng loáng, một chàng thanh niên cũng đến sân nhà thờ cách văn phòng cô khoảng 100m để xin được đánh giày ở đây. Trong gần 20 năm qua, ngày nào anh cũng đến nhà thờ vào lúc 11h30, bật một chiếc ô xanh và kiếm tiền bằng những chiếc giày bẩn của đám công sở làm việc tại những tòa nhà quanh đó.

Hai con người, hai công việc, hai đẳng cấp – nhưng tựu chung lại vẫn là những mưu cầu cơ bản của một con người: cần được tự do và hạnh phúc.

Khi được hỏi, nếu có cơ hội lựa chọn lại cậu sẽ làm gì, Marc nói: “Tôi thà làm một người đánh giày còn hơn là một nhân viên ngân hàng”.

Còn bạn, bạn sẽ lựa chọn điều gì?

Trần Phong (TH)

Xem thêm:

Exit mobile version