Đại Kỷ Nguyên

Tâm sự của một bác sĩ: Hai cái kết khác nhau của hai bệnh nhân ung thư

Tâm sự của một bác sĩ: Hai cái kết khác nhau của hai bệnh nhân ung thư

Đời người tựa như một ngày, cất tiếng khóc chào đời lúc ban mai, và khi bóng đêm bao trùm, cũng là dấu hiệu hành trình cuộc sống đang dần tới trạm cuối. Khi hoàng hôn buông xuống, tức là lúc người ta đã vào tuổi xế chiều, có lẽ, không phải những toa thuốc, mà ý nghĩa cuộc sống mới là điều quan trọng nhất.

Ở Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán, có hai bệnh nhân. Họ ở cùng một phòng bệnh, đều bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Một bà 78 tuổi, một bà 81 tuổi. Một bà bị ung thư di căn lên não, bà kia bị di căn vào gan. Họ không đủ sức khỏe để phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, cũng không thể tìm ra một loại thuốc hiệu quả.

Bác sĩ phân họ lần lượt vào giường số 19 và giường số 20. Sau đây là câu chuyện của bác sĩ kể lại.

“Ở giường số 19 là một giáo sư đại học được đưa vào bệnh viện do phù não. Sau khi điều trị, chứng phù não đã thuyên giảm và tôi nói với cô Ly (tên nhân vật đã được thay đổi), con gái của bà ấy là bà có thể xuất viện.

Cô Ly rất ngạc nhiên: ‘Ung thư mà? Không điều trị nữa sao?’. Tôi nhẹ nhàng giải thích rằng, thực ra, với bệnh ung thư, việc điều trị không có ý nghĩa gì cả, người bệnh đến thời khắc mà thời gian còn lại chỉ còn đếm theo từng ngày rồi thì nên để bà về nhà, việc chăm sóc và phụng dưỡng sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều, nhưng thái độ của cô rất kiên quyết: ‘Bệnh chưa chữa khỏi, nhất quyết không cho bà về!’.

Đây là lần đầu tiên tôi nhận thấy sự bướng bỉnh của cô.

Cô Ly năm nay 52 tuổi và đã định cư tại Úc. Ba năm trước, vì mẹ cô bị ung thư, cô đã xin nghỉ việc và trở về Trung Quốc. Cô đưa mẹ đi khắp nơi để gặp bác sĩ và tự mình đi khắp thế giới để tìm kiếm phương thuốc cho mẹ mình. Cô đã từng đến Hội nghị Ung thư Quốc tế, gặp gỡ và nhờ một chuyên gia người Mỹ tư vấn.

Cô đã đọc rất nhiều sách y khoa của các nước. Khi có bất kỳ phương pháp điều trị mới hoặc loại thuốc mới, cô đều cho mẹ thử nghiệm giống như chiếc phao cứu sinh vậy.

Tuy các chuyên gia đều lắc đầu, nhưng cô Ly không nản lòng. Cô nghe nói có một loại ‘liệu pháp hải sâm’ có thể ức chế sự phát triển của khối u và mua một loại hải sâm tốt của Hoa Kỳ.

Mỗi tối, cô hầm ở nhà mình, sáng hôm sau, cô cho vào cặp lồng giữ nhiệt mang đến phòng bệnh và cho mẹ ăn.

Thời gian đó, hai mẹ con luôn to tiếng với nhau.

Có một lần, bệnh nhân ở giường số 19 nhờ tôi giúp đỡ: ‘Con gái bắt tôi ăn hải sâm. Nếu tôi không ăn hết, tôi sẽ không được ăn sáng. Nó còn nói là vì muốn tốt cho tôi, nhưng khi tôi ăn xong thì toàn thân thấy nóng bừng!’.

Dưới sự thuyết phục của tôi và một bác sĩ khác, cô Ly chỉ đồng ý giảm xuống bằng cách cho bà ăn cách nhật.

Hơn một tháng sau, bệnh nhân giường số 19 bị suy đa tạng, khó thở và được chuyển đến chuyên khoa hô hấp. Vào thời điểm đó, bà nói rõ rằng bà không muốn sử dụng máy thở, không muốn nhận thêm đau đớn và thậm chí từ chối để các bác sỹ đặt các loại ống vào cơ thể mình.

Nhưng cô Ly không đồng ý và không chịu hiểu cho mẹ.

Bà phải đặt ống thở và khuôn mặt bị che kín bởi mặt nạ và các loại dây chằng chịt của máy thở, toàn thân nào là ống thông dạ dày, ống thông tiểu, v.v.

Vào buổi trưa ngày tết Đoan Ngọ, bệnh nhân giường số 19 đã rơi vào hôn mê, rồi không kịp nói lời cuối, bà đã ra đi.

Đã vậy, cô Ly vẫn không để cho các bác sĩ rút ống, cô nói rằng mẹ mình vẫn chưa chết, lồng ngực vẫn phập phồng. Bác sĩ giải thích rằng đó là do máy thở chưa rút ra.

Tôi bị cô ấy gọi đến khoa hô hấp và yêu cầu nghe đi nghe lại nhiều lần.

Tôi đã phải nói: ‘Tôi thề với danh dự của bác sĩ, trái tim đã ngừng đập’, cô ấy vẫn không tin: ‘Anh hãy thề độc đi!’. Cuối cùng, tôi đã làm, cô ấy mới đồng ý rút ống.

Tại thời điểm này, bệnh nhân giường số 19 đã chết được hai đến ba giờ và miệng bị căng cứng, phải dùng sức nóng mới có thể làm bà ngậm miệng được.

Nhìn vào chiếc xe tang đã mang xác mẹ đi, cô Ly ôm tôi khóc: ‘Bác sĩ Kim, tôi sai rồi! Tôi hối hận vì đã không đưa mẹ về nhà!’.

Ngược lại, câu chuyện của bệnh nhân giường số 20 đơn giản hơn nhiều. Bà là một người đã về hưu, phải nhập viện do tràn dịch màng phổi. Tôi đã đặt một ống dẫn lưu cho bà ấy, hút dịch ra, sau đó kê một số loại thuốc và khuyên bà ấy về nhà.

Bà và hai cô con gái vui vẻ đồng ý.

Sau khi ra viện, bà sống ở nhà của cô con gái út và gọi điện cho cô con gái lớn mỗi ngày. Ngoài khó khăn về hô hấp, tình trạng của bà khá ổn, ăn uống bình thường, thỉnh thoảng bà ra ngoài tắm nắng vào buổi sáng và đi dạo vào buổi tối với cô con gái út. Có lúc bị mất ngủ, bà uống một viên thuốc an thần .

Bà bằng lòng với một cuộc sống như vậy.

Điều quan trọng là, cuộc sống của bà ấy vẫn đang diễn ra.

Tôi đã làm bác sĩ nhiều năm liền, luôn đối mặt với những người già, người yếu, những người cận kề cái chết. Có những căn bệnh có thể chữa được, nhưng có những căn bệnh mà các bác sĩ đầu ngành cũng phải bó tay, vì y học ngày nay bị hạn cuộc bởi khoa học – kỹ thuật. Tất nhiên, các bác sĩ vẫn sẽ nỗ lực hết sức để cứu lấy sinh mạng người bệnh, trừ những trường hợp không có y đức…

Dẫu vậy, có những người nhà bệnh nhân rất cố chấp, họ từ chối chấp nhận giới hạn cuộc đời, khiến bệnh nhân ở giai đoạn cuối cùng bị ‘giam’ mình trong những phòng bệnh với đủ loại thuốc thang và ống dẫn, trở thành nạn nhân của việc điều trị không hiệu quả và đặc biệt là thiếu sự chăm sóc về tinh thần. Nếu đã không còn cách nào khác, chi bằng hãy dũng cảm đối mặt và chấp nhận cái chết như một lẽ thường tình?

Cuộc sống của con người là hữu hạn. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật mà cho dù bạn là vua hay người ăn xin thì địa vị và tiền bạc cũng không thể thay đổi được. Khi ở tuổi xế chiều, điều quan trọng con người cần không chỉ là thuốc, mà là ý nghĩa của cuộc sống với tình yêu thương. Thay vì cố chấp và đau khổ, chúng ta hãy trân trọng từng giây phút còn được sống bên nhau và hãy nói những lời yêu thương trước khi quá muộn…”

Ảnh minh họa: Shutterstock

Huyền Thanh

Theo Secret China

Video xem thêm: Bác sĩ thận học Việt Nam cảnh báo về du lịch ghép tạng ở Trung Quốc

Exit mobile version