Đại Kỷ Nguyên

Tại sao cha mẹ tét mông trẻ mỗi khi muốn dạy dỗ chúng?

Một nghiên cứu mới cho thấy cha mẹ vẫn “tét mông” bọn trẻ cho dù họ nghĩ rằng việc này không có tác dụng. Vậy tại sao họ làm vậy?

Tổ chức đào tạo cha mẹ “Zero to Three” mới đây có một nghiên cứu cho thấy 90% cha mẹ muốn có thêm con, nhưng phần lớn, 70%, nói rằng nuôi trẻ không hề dễ dàng. Và có lẽ phần khó nhất khi nuôi trẻ là dạy dỗ chúng.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi cha mẹ cố dùng nhiều biện pháp khác nhau để dạy đứa bé, thậm chí là “tét mông” thường xuyên. Nghiên cứu này tiến hành ở Mỹ cho thấy một phần tư cha mẹ có con dưới 5 tuổi thường xuyên “đánh hoặc tét mông” con hằng ngày. Còn 17% cha mẹ thực sự đánh con bằng đồ vật nào đó, như bằng thắt lưng hoặc cây gậy.

Nhưng, phần lớn cha mẹ nói rằng họ biết đánh con không phải là cách dạy con hiệu quả và không giúp điều chỉnh hành vi của con cái.

Vậy tại sao cha mẹ vẫn đánh con? Claire Lerner, một chuyên gia trong lĩnh vực này, nói là do họ không biết cách xử lý khác trong tình huống đó hoặc họ sợ con gặp nguy hiểm. Ví dụ, nếu một đứa bé chạy ra đường, mẹ đứa bé sẽ tét vào mông để dạy đứa bé một bài học và ngoài ra người mẹ cảm thấy sợ hãi vì hành động của đứa trẻ.

Cô Lerner nói với tạp chí Time: “Chúng tôi thấy cha mẹ hay ở trong tình trạng lo lắng khi họ sử dụng biện pháp mạnh tay. Chúng tôi gặp những câu chuyện như khi đứa trẻ đang khóc thì người mẹ cũng khóc ở phòng bên cạnh. Chúng tôi nghe nhiều cha mẹ cảm thấy tuyệt vọng, nói rằng: ‘Tôi không muốn đánh con nhưng tôi không biết làm thế nào khác’”.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc ‘tét mông’ diễn ra thường xuyên hơn nhiều so với các phụ huynh công nhận. Lũ trẻ bị đánh dù chỉ mắc những lỗi sai lặt vặt và dù chúng sẽ lại không làm theo ý muốn của người lớn chỉ sau 10 phút bị phạt. (Ảnh minh họa/visualphotos.com)

Nghiên cứu này cũng cho thấy một phần nguyên nhân của sự thất vọng đó: nhiều cha mẹ không hiểu rõ về sự phát triển của trẻ. Ví dụ, trẻ em dưới 4 tuổi chưa phát triển được khả năng chia sẻ, kiểm soát cảm xúc, hoặc kiềm chế làm việc gì đó mà chúng biết là không nên làm. Chỉ có 29% cha mẹ biết được điều này.

“Cha mẹ thường đánh giá quá cao khả năng tự kiểm soát của con trẻ trong những năm đầu đời”, cô Lerner nói.

Nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ giữa các biện pháp trừng phạt trẻ em với kết quả tiêu cực như: tính bạo lực, thiếu tự tin và thậm chí uống rượu sớm.

Nhưng cũng đừng tự trách mình khi bạn tét mông đứa bé. Như cô Lerner cho biết, dạy cho đứa trẻ biết đúng sai là trách nhiệm lớn của cha mẹ, và không ai là chuyên gia. Chỉ cần nhớ rằng trẻ em thường xuyên hành động sai và chúng hay thử các giới hạn. Việc của cha mẹ là giúp chúng học cách tự kiểm soát và hành động đúng.

Nhưng cha mẹ cũng nên tự kiểm soát cảm xúc của mình.

Do đó khi đứa trẻ làm sai thì quan trọng nhất là bạn cần giữ được bình tĩnh. Nếu bạn cảm thấy bị kích động thì đứa trẻ cũng như vậy. Và cũng nên trấn an rằng cha mẹ cũng hay làm sai. Theo thời gian và rút kinh nghiệm, bạn có thể dạy con hiệu quả hơn mà không cần giơ cao tay với đứa bé.

Theo Parenting

Dương Lương

Xem thêm:

Exit mobile version