Đại Kỷ Nguyên

Cảnh sát bó tay trước ngôi làng trộm cắp, cho đến khi một anh tài xế lương thiện đi qua bị cướp…

Tại khu vực phía Bắc của Ấn Độ có một ngôi làng hẻo lánh tên là Gemma, đây là một vùng đất khô cằn, cuộc sống của người dân thiếu thốn khổ cực. Ngay cả việc kiếm đủ cái ăn cũng là cả một vấn đề nan giải của người dân nơi đây. Họ rất muốn cải thiện điều kiện cuộc sống của mình mà không tìm ra phương án nhưng chỉ một hành động chân thành của anh tài xế xe đã thay đổi cả thế giới nhỏ bé của họ.

Cách ngôi làng không xa có một tuyến đường quốc lộ, mặt đường gập ghềnh nhiều ổ gà, xe cộ qua lại nơi đây thường xuyên xảy ra sự cố. Có một lần, một chiếc xe chở đầy thức ăn đóng hộp đi qua bị lật, tài xế bị thương và được đưa đến bệnh viên. Chiếc xe hàng còn lại ở đó, không người trông giữ, người dân ở ngôi làng Gemma gần đó thấy vậy liền trộm đồ mang về.

Mấy ngày sau đó, nhà nhà người người đều được ăn thức ăn đóng hộp. Sự việc này đã khởi đầu cho một chuỗi thay đổi của thôn Gemma. Người xưa có câu: “sống núi nhờ núi, sống sông nhờ sông, cả ngôi làng này sống gần đường nên dựa vào đường kiếm sống”. Sau sự việc xảy ra, lúc đầu họ thường ra đường trông ngóng những xe chở lương thực đi qua khu đó, với mong muốn lại có một chiếc xe gặp tai nạn để kiếm ăn. Nhưng họ đợi mãi mấy ngày không có kết quả, nhìn theo những chiếc xe hàng chở đầy lương thực đi qua mà thực sự không cam tâm.

Vậy là họ nghĩ ra một chủ ý, đợi khi đêm đến vắng vẻ, trên đường không có xe qua lại, họ lấy dụng cụ, cuốc xẻng ra đào bới mặt đường cho thêm lồi lõm gập ghềnh. Như vậy, tỉ lệ xe qua đây gặp sự cố sẽ cao hơn, cho dù không gặp sự cố, cũng không thể đi nhanh được, bọn họ sẽ chạy theo xe, nhân lúc tài xế không chú ý sẽ nhảy lên ăn trộm đồ.

Sự việc dần dần biến tướng, lúc đầu họ chỉ dám lấy trộm ít lương thực trên xe, sau rồi ngay cả những đồ có giá trị khác họ cũng lấy để mang vào thành phố bán lấy tiền mua thức ăn, rồi thậm chí không dừng ở chỗ lấy trộm nữa mà là quay sang trấn lột cướp bóc. Trong một thời gian ngắn, con đường này đã trở thành một nơi nguy hiểm. Tháng nào cũng vậy, cảnh sát địa phương luôn nhận được nhiều vụ báo án. Họ ra tay điều động nhân lực đi phá án, cuối cùng cũng bắt được hai người dân chuyên cướp bóc đồ rồi tống vào nhà giam.

Tưởng chừng việc này có thể răn đe những người khác, nhưng ngược lại khiến cho người dân nơi đây thêm phần cảnh giác, hoạt động trộm cắp ngày càng tinh vi và có tổ chức hơn. Người thì chuyên làm công tác theo dõi cảnh sát, người thì nhận phần việc thay đổi nhãn mác và bao bì sản phẩm cướp được, người thì có nhiệm vụ đem giấu sản phẩm tẩu tán kỹ càng. Họ làm việc hết sức chuyên nghiệp khiến cho cảnh sát không thể điều tra ra được tung tích, chứng cứ. Bao nhiêu biện pháp cũng không đủ làm họ cải tà quy chính, và sự việc xấu vẫn cứ phát sinh.

Thời gian cứ trôi qua và con đường xưa kia giờ nay nổi danh “con đường cướp bóc”, các tài xế xe chuyển sang đi đường vòng để tránh nguy hiểm làm người dân không còn kiếm được gì để ăn nữa. Bất ngờ, có một chiếc xe đi qua nhưng trên xe không phải lương thực mà là những chiếc bao đựng chất phụ gia công nghiệp màu trắng. Nhưng trong mắt những người dân nơi đây đó vẫn là những bao lương thực, họ thi nhau nhảy lên xe lấy trộm, tổng số lên đến hai chục bao tải.

Tài xế phát hiện có người lấy trộm đồ bèn dừng lại đuổi theo về phía làng Gemma để giải thích và xin lại những chiếc bao chứa chất phụ gia độc hại ấy. Nhưng người dân không những không trả lại đồ mà còn không chịu nghe những lời giải thích của người tài xế. Họ vẫn nghĩ đó là những bao lương thực mà không hề biết rằng nguy hiểm đang cận kề.

Sau một hồi thuyết phục, sự chân thành của người tài xế vẫn chưa đủ để người dân tin tưởng. Chẳng nhẽ không còn cách nào khác sao, chẳng lẽ cứ để nguy hiểm đến với họ mà mặc kệ sao, giờ nếu như đi báo cảnh sát thì không kịp nên ý định đó của anh bèn dừng lại. Anh đi gõ cửa từng nhà một để cố gắng giải thích cho họ hiểu, thậm chí còn quỳ xuống van lạy họ: “Số phụ gia đó mọi người không trả lại tôi cũng không sao, cùng lắm là tôi bị tổn thất một ít, nhưng tôi cầu xin mọi người, xin mọi người đừng có ăn nó, sẽ nguy hiểm tới tính mạng của mình, sẽ chết người đó“.

Câu nói của anh tài xế như động đến tâm can của người dân nơi đây, khiến cho những người không tin cũng phải nghĩ lại. Có cả người đem một chút phụ gia ra ăn thử để kiểm tra xem lời nói của tài xế là thật hay giả, kết quả, một lúc sau có phản ứng nguy kịch. Cả thôn làng kinh hãi, đồng thời mọi người vô cùng cảm động trước hành động của người tài xế. Bọn họ ăn cắp đồ của người ta, đáng lẽ anh ta phải oán hận họ, để họ ăn mà chết, đó cũng là báo ứng lẽ thường. Nhưng mà vì để cứu bọn họ, người tài xế bất chấp bản thân mình, còn quỳ xuống để cầu xin họ đừng ăn số phụ gia này. Một tấm lòng từ bi lương thiện như vậy đã khiến cho người dân nơi đây vô cùng xấu hổ.

Bọn họ lần lượt từng người đem trả số bột đó cho người tài xế. Từ đó về sau, người dân nơi đây cũng không còn có ý đồ cướp bóc hàng hoá của tài xế qua đường nữa, nếu như có một ai còn có ý đồ cướp bóc nữa, liền có người nói: “Hãy nghĩ đến người tài xế lương thiện đó, chúng ta đã cướp đồ của người ta như thế, vậy mà người ta đã cứu cả thôn chúng ta, chúng ta còn mặt mũi nào đi làm cái công việc này nữa, lẽ nào chúng ta thật sự là quỷ dữ hay sao?

Quốc lộ gần thôn Gemma đã trở lại những ngày tháng bình an như trước. Bao nhiêu nỗ lực của cảnh sát nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân nơi đây, tất cả đều thất bại. Nhưng chỉ một người lái xe trẻ, bằng tấm lòng từ bi lương thiện của mình lại có thể thay đổi tất cả. Từ đó cho chúng ta một bài học sâu sắc về lương tri của mỗi con người, nếu ai cũng có sự yêu thương, hy sinh cho người khác bằng cả tấm lòng thì sẽ thay đổi được cả thế giới.

Minh Vũ 

Xem thêm:

Exit mobile version