Đại Kỷ Nguyên

Y án đông y: Xử trí trường hợp tử cung xuất huyết sau sảy thai

Dưới đây là chia sẻ lâm sàng của một bác sĩ Đông y với trang Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung. Thuật lại một ca lâm sàng đông y điều trị cho bệnh nhân 20 tuổi có tử cung xuất huyết sau sảy thai 3 tuần.

“Mấy ngày trước, tôi có xem bệnh cho một nữ bệnh nhân khoảng 20 tuổi, chứng trạng chủ yếu của cô ấy là: Tử cung xuất huyết sau sảy thai 3 tuần, lượng không nhiều, bụng dưới đau, toàn thân vô lực, chỉ muốn nằm, cùng với đó là chóng mặt, hoa mắt, đứng lâu thì đau lưng, ngoài ra ăn uống không tốt, hay buồn nôn.

Bệnh nhân nữ này có rất nhiều thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, thức đêm, chơi ma túy, còn từng 2 lần định tự sát. Nói chuyện với bệnh nhân, tôi có thể cảm thấy sự tuyệt vọng trong suy nghĩ của cô ấy. Thân và tâm của con người cùng là một thể, mạch bắt được của cô bé cũng là mạch hư tổn, thật khổ, sao lại không biết yêu quý sức khỏe bản thân như vậy chứ?

Mạch hư tổn thường gặp ở các bệnh mạn tính do sức khỏe tiêu hao trong một thời gian dài, nuôi dưỡng không đầy đủ dẫn tới tình trạng âm dương khí huyết đều hư.

Cụ thể mạch tượng của cô bé là: Mạch đập đều nhỏ yếu vô lực, nguyên khí ở bộ xích tay phải rất hư nhược; mạch tế nên dung lượng huyết dịch không đủ, là huyết hư; 6 bộ mạch sờ phù – trung – trầm đều lạnh băng, chính là dương hư; tần số mạch trên 100 lần/phút, trạng thái nhanh gấp, chính là âm hư. Dưới đáy 6 bộ mạch có rất nhiều vật chất bùn lắng đọng và sợi thừng, nút thắt dây, chính là sự tắc nghẽn nghiêm trọng của kinh lạc. Qua tổng hợp và suy xét đó chính là âm dương khí huyết đều hư, kinh mạch ứ trở.

Các bộ vị thốn, quan, xích trong bắt mạch của Đông y. (Ảnh: Pinterest)

Mẹ cô bé nói, hôm qua họ có đi khám một vị bác sĩ Trung y, ông ấy nói nên đi bệnh viện kiểm tra, cô bé quá hư nhược rồi, hư mà không tiếp nhận bồi bổ nên ông không thể kê đơn thuốc cho.

Vị bác sĩ Trung y này rất có trình độ, trị bệnh trong tình huống này vô cùng khó khăn. Muốn bổ khí, sẽ bốc hỏa lên đầu; bổ huyết, lại sẽ tăng chất dính bẩn trở ngại Vị (dạ dày); bổ dương, sẽ thương âm; bổ âm lại sẽ thương dương. Khi dùng thuốc cần dùng liều lượng cực nhỏ, chầm chậm bồi bổ, thời gian chí ít cũng phải nửa năm đến một năm. Hơn nữa quá trình trị liệu giống như đi trên dây vậy, khi ôn dương thái quá, lần sau phải tăng thêm lượng thuốc bổ âm; tư âm thái quá, lần sau phải tăng thêm lượng thuốc ôn dương; trong khi điều chỉnh không ngừng mà làm cho âm dương khí huyết dần dần nâng cao lên đến mức bình thường. Đương nhiên người bệnh cần phối hợp bằng việc duy trì tâm thái tích cực, không ăn đồ lạnh, cay, nhiều dầu mỡ, không thức đêm, ngủ đủ giấc; từ bỏ tất cả thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, v.v.

Đơn thuốc cụ thể như sau (bởi để cô bé thuận tiện sử dụng trong thời gian dài cho nên thuốc được bào chế dưới dạng bột):
Hồng sâm 0,2g, Thục địa 0,2 g, Hoài ngưu tất 0,2g, Thảo đậu khấu 0,2g, Sơn dược 0,2g, Nhục quế 0,05g, Bổ cốt chi 0,1g, hòa với nước uống, mỗi lần uống cần ăn cùng một trái Kỷ tử loại to, ngày uống 02 lần sáng – chiều, sau 07 ngày lại đến xem mạch để điều chỉnh thuốc.

Trong đơn thuốc trên, Hồng sâm đại bổ nguyên khí, Hồng sâm thiên về tính ấm hơn so với các loại sâm khác, có tác dụng bổ khí nhiếp huyết tương đối tốt trong điều trị xuất huyết tử cung. Thục địa bổ âm bổ huyết, không thể dùng nhiều, dùng nhiều trở ngại Vị (dạ dày). Ngưu tất có thể đả thông kinh mạch bên trái, đặc biệt là những tắc trệ của mạch quan bên trái. Thảo đậu khấu có thể khư hàn trong Vị, còn có thể kiện Vị, làm khai nguồn sinh hóa khí huyết; còn có thể hành khí, làm cho bổ mà không trệ. Sơn dược tư âm, còn có thể kiện Tỳ Vị. Nhục quế ôn bổ bộ xích bên trái, Bổ cốt chi bổ nguyên dương của bộ xích bên phải, Kỷ tử cũng ôn bổ bộ xích bên phải.

Tuy rằng 3 bộ thốn quan xích hai bên của cô bé đều hàn, nhưng thân người lấy phía dưới làm gốc, đầu tiên cần bồi bổ hạ nguyên, giống như múc nước từ dưới giếng vậy, nếu như phía dưới không có nước, bạn không thể múc nước lên được.

Toàn phương thuốc trên bổ quân bình cả âm dương khí huyết, cùng với đó là kiện Vị, thông sướng kinh lạc.

Còn một điểm đó là cô bé thường hay dùng thuốc Tây, hay có những thói quen sinh hoạt không tốt nên trong quá trình dùng thuốc, tùy theo sự khôi phục của chính khí mà có thể sẽ xuất hiện một số phản ứng như phát sốt, mọc ban chẩn, ho có đờm, v.v. Đây là sự khôi phục của chính khí, là biểu hiện tất nhiên của việc kinh lạc được thông sướng, là quá trình bình thường phải trải qua của việc hồi phục mạch hư tổn”.

Hùng Hoàng biên dịch
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung – Bác sĩ Trung y Tiếu Xuyên

Exit mobile version