Đại Kỷ Nguyên

Xoa dịu cơn đau vai gáy đơn giản mà hiệu quả bằng 3 bài thuốc dân gian

Ngoài việc sử dụng thuốc, chú ý tư thế khi sinh hoạt… mọi người có thể kết hợp sử dụng bài thuốc dân gian từ ngải cứu, hạt gấc, cam để đẩy lùi tình trạng đau mỏi vai gáy. 

Bệnh đau mỏi vai gáy là dạng rối loạn thần kinh cơ, thường xuất hiện vào buổi sáng, có liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu. Đây là bệnh lý có tỷ lệ mắc khá cao, chủ yếu ở người cao tuổi, người trưởng thành có công việc đặc thù.

Bà Hoàng An (78 tuổi, Lào Cai) bị đau vai gáy nhiều năm. Bệnh khiến bà An luôn bị đau nhức mỗi khi thời tiết thay đổi.

Trường hợp anh Vũ Hồng Hà (32 tuổi, Hà Nội) bị đau vai gáy từ hồi sinh viên. Ban đầu chỉ nghĩ là cơn đau thông thường, anh đã tự mua thuốc về xoa bóp. Khi các cơn đau ngày càng kéo dài, đi kèm với biểu hiện tê tay, anh Hà đi khám và được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cổ.

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau:

– Tư thế sinh hoạt sai: Nằm co quắp,vẹo cổ, gối đầu quá cao…

– Những người có tính chất công việc đặc thù: Nhân viên văn phòng, công nhân, tài xế…

– Các bệnh lý gây chèn ép dây thần kinh: Thoái hóa đốt sống, chấn thương cổ, thoát vị đĩa đệm, thiếu máu lên não…

Tùy theo mức độ và tính chất của bệnh mà biểu hiện cũng khác nhau. Cơn đau có thể từ vùng gáy lan ra tai, cổ hoặc xuống bả vai, cánh tay ở một hay cả hai bên.

dau-moi-vai-gay

Biện pháp khắc phục

Muốn điều trị bệnh cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Người bệnh nên tới cơ sở y tế để được thăm khám, chụp CT, cộng hưởng từ, đo mật độ xương, xét nghiệm sinh hoá máu nếu có bệnh liên quan đến tim mạch…

Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bằng cách dùng cao dán, hoặc xoa bóp vùng cổ, vai, gáy để giảm đau. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đến các cơ sở vật lý trị liệu để xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.

Bệnh nhân bị đau vai gáy nặng do thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống… cần can thiệp bằng thuốc, phẫu thuật… để giảm đau.

Một số bài thuốc dân gian giúp giảm đau vai gáy

1. Ngải cứu và muối

Trong Đông y, ngải cứu là vị thuốc có tác dụng điều trị các bệnh xương khớp, thường sử dụng để làm thuốc đắp, chườm chữa đau vùng cổ, vai, gáy, thắt lưng…

– Lấy 200 g lá ngải cứu cho vào chảo, thêm 2 thìa cà phê muối tinh, xao vàng.

– Cho ngải cứu đã xao nóng vào túi vải, chườm lên vùng vai gáy.

– Khi hỗn hợp ngải cứu nguội, có thể đổ ra chảo và tiếp tục xao nóng rồi chườm thêm 1-2 lần. Thực hiện phương pháp hằng ngày.

Lưu ý: Lá ngải cứu xao nóng có thể gây bỏng, do đó khi chườm phải hết sức cẩn thận.

2. Hạt gấc ngâm rượu

Hạt gấc giàu tannin, chất đạm (protit), xenluloza, chất béo và rất nhiều chất khoáng có tác dụng điều trị đau khớp.

– 1 kg hạt gấc chín bỏ sạch ruột đỏ, đem nướng, sau đó bóc vỏ cứng bên ngoài.

– Cho hạt gấc đã sơ chế vào bình thủy tinh.

– Đổ 1 lít rượu trắng (45 độ), sau đó đậy kín. Ngâm hỗn hợp khoảng 1 tuần là có thể lấy ra và xoa bóp lên vùng bị đau mỏi.

– Xoa bóp vai gáy với rượu gấc trong vòng 5-10 phút, thực hiện hằng ngày từ 1-2 lần.

3. Phèn chua, hành khô và cam

Bài thuốc từ cam, phèn chua, hành khô có tác dụng giảm đau vai gáy hiệu quả.

– Dùng 1 quả cam cắt núm, khoét bớt ruột, sau đó cho thêm 30g phèn chua, 1 củ hành khô vào trong.

– Đặt quả cam lên bếp, nướng đến khi vỏ đen lại.

– Cắt cam thành lát mỏng và đắp lên vùng vai gáy (cẩn thận bị bỏng).

– Đắp khoảng 5-10 phút. Áp dụng phương pháp tuần 4 lần giúp đẩy lùi cơn đau vai gáy.

Phòng đau vai gáy

Phòng ngừa đau cổ, vai, gáy bằng cách sinh hoạt đúng tư thế.

– Khi ngủ, mọi người nên gối đầu cao khoảng 10 cm. Gối có độ cong phù hợp để tránh cột sống cổ và cơ bắp bị kéo giãn.

– Xem tivi, đọc sách… nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế.

– Nghe điện thoại nên cầm ở tay, không nên kẹp vào vai

– Người lao động hay phải cúi (công nhân, dân văn phòng…) nên thực hiện bài tập hàng ngày để khôi phục lại chức năng của các dây thần kinh, hạn chế cơn đau.

H.H

Exit mobile version