Đại Kỷ Nguyên

Vụ nữ bệnh nhân tử vong sau 3 mũi tiêm thuốc dị ứng: Bệnh viện lên tiếng

Nữ bệnh nhân, L.N.T 30 tuổi (Tp.HCM) đã nhập viện trong tình trạng dị ứng, nổi mề đay khắp người. Các bác sĩ tại Bệnh viện An Sinh đã tiêm cho bệnh nhân 3 mũi thuốc dị ứng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bệnh nhân T. rơi vào trạng thái ngưng tim, hôn mê sâu và tử vong. 

Ngày 22/4, Sở Y tế Tp.HCM đã yêu cầu Bệnh viện An Sinh (P.12, Q.Phú Nhuận) khẩn trương báo cáo nhanh về chẩn đoán và điều trị của bệnh viện đối với bệnh nhân L.N.T. – người điều trị ngứa tại bệnh viện này bị tử vong sau 3 mũi tiêm.

Sau khi thu thập thông tin qua báo cáo của Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện An Sinh, Sở Y tế Tp.HCM sẽ ra quyết định thành lập hội đồng chuyên môn và tổ chức họp để xác định nguyên nhân tử vong của bệnh nhân.

Trước đó, 18 giờ, ngày 18/4, chị T. đến Bệnh viện An Sinh (Phú Nhuận, Tp.HCM) khám bệnh vì bị dị ứng. Do ngoài giờ hành chính, chị T. được chuyển qua khoa cấp cứu để khám và điều trị, theo Zing.

Chị T. được bác sĩ tiêm 3 liều thuốc, truyền nước biển. Thấy vợ vẫn bình thường, anh Phan Nguyễn Phước (30 tuổi) – chồng của bệnh nhân đã rời bệnh viện để đón con. Tuy nhiên, khi trở lại, anh Phước hoảng hốt khi y tá cho biết, vợ mình nguy kịch, rơi vào trạng thái ngưng tim.

Gia đình nạn nhân bức xúc khi sự việc xảy ra 2 ngày, bệnh viện An Sinh vẫn không đến thăm hỏi, an ủi sau sự cố. (Ảnh: Zing)

Khoảng 22 giờ cùng ngày, chị T. đã hồi tỉnh và được hỗ trợ thở máy. Rạng sáng 19/4, bác sĩ chỉ định, nữ bệnh nhân cai thở máy và thông báo gia đình bệnh nhân có thể xuất viện.

7 giờ, ngày 19/4, chị T. tiếp tục rơi vào trạng thái ngưng tim, ngưng thở lần 2, có dấu hiệu tràn dịch màng phổi. Bác sĩ tiếp tục hồi sức tích cực, song do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115. Các bác sĩ đã nổ lực cứu chữa, nhưng 10 giờ ngày 20/4, chị T. đã trút hơi thở cuối cùng.

Theo giấy ra viện, chị T. tử vong do sốc phản vệ, bị ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa cơ quan, phù phổi cấp… (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Sau sự việc, gia đình nạn nhân vô cùng bức xúc: “Em tôi bình thường đến khám bệnh chứ không phải đưa vào viện bằng đường cấp cứu. Chưa hết, sau lần tiêm thuốc rơi vào nguy kịch được bác sĩ cấp cứu trở lại bình thường, chính bác sĩ còn nói ngày mai có thể xuất viện. Vậy tại sao em tôi chết?”, bà Phan Thị Thúy Hằng, người thân của chị L.N.T trao đổi với Zing.

Kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Tp.HCM cho thấy, hai biệt dược gồm chlorphenamine (giảm ngứa) và diazepam (an thần) trong máu và nước tiểu nạn nhân. (Ảnh: Zing)

Khai thác bệnh sử, Bệnh viện Nhân Dân 115 ghi nhận, trước khi nhập viện Bệnh viện An Sinh 1 ngày, người bệnh có ăn thịt bò, bánh tráng trộn, uống trà sữa, sau đó bị nổi mề đay khắp người. Bệnh viện cũng ghi nhận, chị T. có tiền sử dị ứng không rõ nguyên nhân.

(Ảnh: Thanh Niên)

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện bệnh viện An Sinh cho biết, nguyên nhân sốc thuốc là do cơ địa của bệnh nhân, có thể dị ứng vì ăn cá biển. Bệnh viện đã cứu bệnh nhân thoát khỏi dị ứng cấp, tỉnh táo trở lại. Tuy nhiên, đại diện bệnh viện không hiểu vì sao chị T. lại rơi vào hôn mê.

“Bây giờ thông tin đang ngược nhau, do đó phải làm việc để xác định cái nào đúng, cái nào sai, quan điểm của bệnh viện là đều cố gắng cứu chữa hết sức mình, còn cơ địa bệnh nhân quá mẫn cảm thì rất khó. Bởi có thể cùng một loại thuốc có người uống vào không sao nhưng có người uống vào lại dị ứng, sốc thuốc”, đại diện bệnh viện An Sinh cho biết.

H.H

Exit mobile version