Đại Kỷ Nguyên

Vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương – Trải lòng của một người học và làm ngành y

Phiên xét xử sơ thẩm lần 2 (ngày 8/1/2019) bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 6 bị can khác trong vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong đã hoãn lại. Thời gian vụ án lại kéo dài thêm nữa. Hiện tại, tâm lý của anh không ổn định và đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Người hành nghề y là vậy, chỉ một chữ ký thôi là gánh trên vai cả núi trách nhiệm.

Bác sĩ Hoàng Công Lương phải hầu toà với cáo buộc phạm tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ 3 – 10 năm tù. Tuy nhiên, trước khi phiên toà diễn ra, vợ của bác sĩ Lương đã viết đơn mong toà xử vắng mặt bởi lẽ người bác sĩ này cũng đã trở thành bệnh nhân với chẩn đoán “Rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm” của Bệnh viện Bạch Mai.

Gia đình cho biết, Bs. Lương có dấu hiệu mệt mỏi, căng thẳng từ khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề vào tháng 8/2018. Anh tỏ ra căng thẳng, lo âu và mất ngủ trầm trọng kéo dài, hay quên, không còn nhanh nhẹn, minh mẫn trong giao tiếp, đặc biệt ít nói và thường xuyên từ chối giao tiếp với mọi người.

Bác sĩ Hoàng Công Lương trên giường bệnh. (Ảnh: tintucvietnam.vn)

Ngày 3/1, Tổng hội Y học Việt Nam có văn bản gửi các cơ quan tố tụng tỉnh Hoà Bình, cho rằng nguyên nhân sự cố là do tồn dư hoá chất HF trong nước chạy thận nhân tạo sau sửa chữa hệ thống RO. “Việc sửa chữa hệ thống do người khác thực hiện vậy Lương có mắc tội Vô ý làm chết người hay không?”, Tổng hội nêu quan điểm.

Tổng hội Y học Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét vào ngày xảy ra sự cố, máy móc hoạt động bình thường và đồng hồ đo dẫn điện hệ thống RO trong giới hạn an toàn, vì thế “không ai có thể thấy trước hậu quả chết người xảy ra”.

Nhiều cơ quan y tế, bạn bè đồng nghiệp, thậm chí cả người nhà của những bệnh nhân xấu số cũng đã lên tiếng giúp anh, gửi đơn từ đến nơi có thẩm quyền nhưng hầu như mọi thứ đều đang trong vô vọng.

Bác sĩ trong nghề ai cũng biết, bệnh tật thì do 7 phần tinh thần, 3 phần bệnh. Những lời anh dặn vợ con trước hôm vào cấp cứu mà nghe đau nhói lòng: “không có anh thì mấy mẹ con cố gắng chăm nhau”, rồi lại nói “chẳng biết tương lai đời mình thế nào”.

Vụ việc kéo dài cũng hơn một năm rưỡi rồi. Khoảng thời gian đủ để một người bị mài mòn đi ý chí và thể xác. Nhìn anh như hiện nay, bị tước giấy phép hành nghề, tinh thần ảnh hưởng nghiêm trọng, từ chối gặp cả người thân, bất giác tôi lại nghĩ đến những lời thầy cô căn dặn khi còn ngồi trong ghế nhà trường, những lời người làm trong nghề truyền tai nhau.

“Nghề nào cũng có cái khó của nó, nhưng mà nghề của mình có đặc thù là liên quan trực tiếp đến tính mạng người. Các em có thể cứu được 9 người mà không nhận được lời cảm ơn, nhưng chỉ cần 1 ca sai sót nhỏ các em phải trả giá bằng cả tương lai nghề nghiệp của mình. Vậy nên, sau này các em cầm tấm bằng trên tay, phải đặc biệt cẩn trọng trong từng chữ ký”.

“Nghề này bạc lắm em à. Nghe thì cao quý đấy, cơ mà có vụ rắc rối nào trong viện là tất cả bác sĩ, y tá lại được xã hội gom lại chửi um lên”…

Tôi cười. Dù sao, nói chuyện với nhau xong, bổn phận của ai thì người đó cố hết sức để hoàn thành tốt. Trong cuộc sống vẫn còn nhiều người thật sự cảm động trước tấm lòng của các bác sĩ. Và vẫn có bác sĩ xem bệnh nhân như thân nhân của mình.

Cuộc đời học và hành ngành y chẳng bao giờ là yên bình cả. Có chăng chỉ là giây phút thấy bệnh nhân mình điều trị như từ cõi chết trở về, tiến triển tốt đẹp.

Khi còn là sinh viên y, cặm cụi học từng chút, chăm chỉ đi lâm sàng để học hỏi kinh nghiệm của người thầy, của bác sĩ viện, của các anh chị điều dưỡng. Đến khi học xong ra trường cầm tấm bằng trong tay. Các thầy cô cũng chỉ mỉm cười động viên: “Chào mừng các em – những con muỗi vào thế giới của bầy voi”. Đánh dấu những năm miệt mài hơn nữa, nỗ lực hơn nữa vì phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những gì mình làm. Thế nên mới nói, thầy cô, bác sĩ bệnh viện luôn bao bọc sinh viên từ phía sau. Họ mong muốn chỉ dạy sinh viên cặn kẽ để sau này có thể đương đầu với sóng gió cuộc đời.

Tôi nhớ rằng, những sinh viên y như chúng tôi gần như chỉ có đến trường, đi viện, học, trực, ôn thi và thi. Có lúc bạn bè lâu ngày không gặp í ới gọi nhau đi thì tôi hầu hết phải khước từ vì “Mai tớ thi, phải ở nhà ôn”, “Hôm nay tớ trực rồi, làm thế nào đây, hẹn các cậu dịp khác nhé!”… Đi trực những đêm đông giá rét, chỉ có thể mặc thêm chút quần áo, mang thêm một cái chăn mỏng để quấn qua người. Trực thức qua đêm, học ôn thức qua đêm, làm nghiên cứu thức qua đêm, cứ thế cứ thế ngày tháng trôi đi. Rồi ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay đúng là bắt đầu cảm thấy áp lực thật nặng nề.

Bác sĩ Lương từ một người nhanh nhẹn hoạt bát, đã điều trị cho biết bao bệnh nhân. Giờ đây, anh cũng đang trong bệnh viện với vị trí hoán đổi lại – bệnh nhân điều trị tâm thần. Người viết chỉ mong rằng, anh cố gắng kiên cường như khi anh đối mặt với khó khăn để cứu sống người bệnh. Dù thế nào, trách nhiệm vẫn là trách nhiệm, chuyện gì đến sẽ đến, giông bão của cuộc đời hỏi mấy ai không gặp?

Trước tình huống này, hẳn sẽ khiến nhiều người trong ngành y, cho dù là đang làm việc hay đang còn theo học phải suy nghĩ ít nhiều. Đôi khi, cố hết khả năng của mình nhưng rủi ro vẫn có thể đến. Sinh nghề tử nghiệp, đã hết lòng với nghề cứu người thì cứ ngẩng đầu bước qua sóng gió…

Thạch Anh

Exit mobile version