Đại Kỷ Nguyên

Virus Zika có thể là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn hơn cả dịch Ebola

Trong cuộc họp khẩn mới đây do Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức, một số chuyên gia hàng đầu đã cho rằng đại dịch virus Zika có thể là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, thậm chí nguy hiểm hơn cả đại dịch Ebola năm 2014-2015, vốn đã từng làm thế giới bàng hoàng với 11.000 người tử vong ở Châu Phi.

Virus Zika là gì?

Đây là một loại virus lây truyền qua muỗi, có mối liên hệ rất gần với virus gây sốt như virus gây sốt xuất huyết. Nó được biết đến lần đầu tiên vào những năm 50 của thế kỷ trước theo tên ngôi rừng Zika nơi lần đầu tiên phân lập được; tuy phổ biến ở Châu Á và Châu Phi, nhưng bệnh lại không phát triển mạnh ở khu vực Tây bán cầu, mãi cho đến đợt bùng phát vào tháng 5 năm 2015 tại Brazil.

Tại sao virus Zika lại nguy hiểm?

Trên thực tế, virus Zika thường không gây nguy hiểm cho người nhiễm. Các triệu chứng khi nhiễm Zika virus có thể bao gồm sốt, nổi ban, đau khớp, đỏ mắt. Có đến 80% người nhiễm không biểu hiện ra triệu chứng, và có thể khỏi sau 2 – 7 ngày nhiễm virus. Tuy nhiên các nhà khoa học đang nghi ngờ virus này gây dị tật cho thai nhi nếu bà mẹ mang thai nhiễm virus. Ngày càng có nhiều bằng chứng mạnh mẽ cho thấy có mối liên hệ giữa bà mẹ mang thai nhiễm virus Zika và việc sinh con bị tật đầu nhỏ.

Tật đầu nhỏ đặc trưng bởi phần đầu nhỏ bất thường và những tổn thương não bộ. Trước đó người ta cũng phát hiện ra các nguyên nhân khác dẫn đến tật đầu nhỏ, như do rối loạn chuyển hóa (tiểu đường), hay hội chứng nhiễm sắc thể (bệnh Down).

Hàng năm tại Brazil có khoảng 3 triệu trẻ ra đời, và thường có khoảng 150 trẻ bị tật đầu nhỏ được báo cáo. Nhưng trong năm 2015, Brazil ghi nhận gần 4.000 trường hợp bị tật đầu nhỏ kể từ cuối tháng 10. Cũng khoảng thời gian này, virus Zika lây lan nhanh chóng ở đất nước này. Còn nhiều bằng chứng khác như 2/3 bà mẹ có con bị tật đầu nhỏ nói rằng họ có nổi ban trong lúc mang thai, người ta cũng tìm thấy virus Zika trong tử cung và ở những đứa trẻ chết trước khi sinh. Hiện không có phương pháp điều trị cho những trẻ bị tật đầu nhỏ

Do có đến 80% số người nhiễm không biểu hiện ra triệu chứng nên việc phát hiện, theo dõi, kiểm soát người bị bệnh gặp nhiều khó khăn, đồng thời những phụ nữ mang thai nằm trong nhóm dễ bị lây nhiễm, góp phần làm tăng mức độ nguy hiểm lên gấp bội. Những hệ quả do virus Zika để lại có thể kéo dài đến nhiều thập kỷ về sau.

Bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt là cách duy nhất phòng tránh lây nhiễm virus Zika ở thời điểm hiện tại (Ảnh: Facebook)

Virus Zika lây truyền như thế nào?

Virus Zika có thể lây truyền theo 3 con đường:

Qua muỗi đốt: Virus Zika lây nhiễm cho người chủ yếu qua muỗi vằn, tương tự như phương thức lây truyền của sốt xuất huyết. Khi muỗi đốt người bị nhiễm virus Zika, muỗi sẽ bị nhiễm virus và có thể truyền cho người khác khi đốt người đó.

Truyền từ mẹ sang con (rất hiếm): Người mẹ nhiễm virus Zika trong thời gian gần sinh con thì có thể truyền cho trẻ sơ sinh vào khoảng thời gian sinh con. Tuy nhiên điều này là rất hiếm. Hiện cũng chưa có báo cáo về việc virus Zika lây từ mẹ sang con qua đường sữa mẹ.

Thông qua tiếp xúc với máu nhiễm virus hay quan hệ tình dục. Đã có báo cáo về việc lây truyền qua truyền máu và quan hệ tình dục.

Phòng ngừa và điều trị

Hiện chưa có vắc-xin để phòng bệnh. Các biện pháp phòng ngừa chủ yếu hiện nay bao gồm tránh bị muỗi đốt (lưu ý muỗi truyền virus Zika có thể đốt vào cả vào ban ngày) và hạn chế đi tới vùng có dịch (đặc biệt là các bà mẹ mang thai).

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, để phát triển thành công vắc-xin.

Các triệu chứng của bệnh thường nhẹ, có thể khỏi sau 2-7 ngày. Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để chữa bệnh do virus Zika gây nên, nhưng có thể áp dùng các biện pháp sau để giảm bớt các triệu chứng:

Virus Zika có nguy cơ xâm nhập và tạo thành dịch ở Việt Nam hay không?

Đại diện cho Bộ Y tế cho biết, virus Zika hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập và tạo thành dịch ở Việt Nam.

Nguyên nhân là Việt Nam đang có sẵn véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn, đồng thời người dân chưa có miễn dịch cộng đồng đối với căn bệnh này, nên chỉ cần một trường hợp mắc bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng hoàn toàn có thể xảy ra.

Đặc biệt là vì việc chẩn đoán hết các ca mắc bệnh cũng rất khó khăn, vì 80% người mắc bệnh không biểu hiện ra triệu chứng. Do dó người dân cần lưu ý chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế rủi ro lây nhiễm.

Đại Hải tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version