Đại Kỷ Nguyên

Viên chống nắng, uống sai cách vẫn cháy da như thường

Các chuyên gia cảnh báo, viên uống chống nắng thực chất là thực phẩm chức năng giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng hỗ trợ các biện pháp bảo vệ da thông thường khi hoạt động dưới trời nắng nóng.  

Ảnh minh họa.

Để đối phó với thời tiết nắng nóng, nhiều chị em truyền tai nhau viên uống chống nắng để bảo vệ da. Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những lời quảng cáo như “bảo vệ da chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời, tác hại của tia cực tím”; “viên uống xuất hiện là để khắc phục những nhược điểm của kem chống nắng”; “sản phẩm phù hợp với mọi đối tượng”…

Một loại viên uống chống nắng được chị em phụ nữ tin dùng.

Nghe lời mách bảo của đồng nghiệp, chị N.N.P. (40 tuổi, Tp.HCM) đã mua thử viên chống nắng về uống. Dùng được 2 tháng, da chị P. bắt đầu xỉn màu, sạm đen, vết thâm nám rõ ràng hơn.

Khác với trường hợp P., chị H.T.B (35 tuổi, Hà Nội) đang điều trị laser nám tại một cơ sở thẩm mỹ. Sau khi kê những loại thuốc điều trị, chị B. được bác sĩ tư vấn uống thêm viên chống nắng để bảo vệ da.

Theo vị bác sĩ, viên chống nắng giúp da tránh nắng từ bên trong cơ thể. Trước khi ra nắng chỉ cần uống một viên. Nếu hoạt động liên tục ở ngoài trời, cách 3 giờ lại uống tiếp.

Gần 1,5 triệu kết quả “viên uống chống nắng” được tìm thấy trong 0.42 giây.

Các chuyên gia cho biết, viên uống chống nắng thực chất là thực phẩm chức năng giàu chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa mạnh sẽ làm giảm hiện tượng viêm và các tác hại của gốc tự do gây ra bởi tia UV.

TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc bệnh viện Da liễu Tp.HCM chia sẻ với Tuổi Trẻ, dù viên chống nắng đã được chứng minh công dụng, hiệu quả vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn kem chống nắng.

Viên uống chống nắng chỉ có tác dụng không quá 4 giờ. Do đó, những lời quảng cáo như ” 1 viên đủ chống nắng cả ngày” là sai sự thực. Về nghi vấn viên chống nắng gây hại cho sứ khỏe, Tiến sĩ Trọng Hào cho biết, đến nay chưa ghi nhận tác hại khi sử dụng viên chống nắng.

Viên uống hỗ trợ kem chống nắng phát huy tối đa tác dụng.

Bác sĩ Hoàng Văn Minh, bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM cho biết, hiện nay không có biện pháp chống nắng đạt hiệu quả 100%.

Muốn chống nắng có hiệu quả, nên kết hợp nhiều biện pháp chống nắng. Khi hoạt động ngoài trời nắng, mọi người nên che chắn các vùng da tránh tiếp xúc với ánh nắng, thoa kem, kết hợp với đội mũi, đeo kính…

H.H

Exit mobile version