Râu ngô có chứa các protein, carbohydrate, vitamin, khoáng chất và chất xơ có tác dụng như thuốc lợi tiểu, làm thay đổi lượng đường trong máu và giúp giảm viêm bảo vệ xương khớp…
Ngô là loại thực phẩm có nguồn gốc từ Hoa Kỳ với lịch sử hơn 10.000 năm. Ngày nay ngô được trồng ở những vùng khí hậu nhiệt đới trên toàn thế giới. Hầu hết mọi người chỉ sử dụng hạt ngô cho các món súp, bánh và các công thức nấu ăn khác.
Tuy nhiên, có một bộ phận trên cây ngô nằm trong lớp vỏ (bẹ) ngô với các sợi râu màu vàng, đỏ trên bắp ngô tươi được gọi là râu ngô, có công dụng chữa được nhiều bệnh.
Theo Y học cổ truyền, râu ngô có vị ngọt, tính bình, có tác dụng chữa đái vàng rắt buốt, bí tiểu, viêm tiết niệu, tiểu ra máu, xuất huyết nội tạng, sạn trong gan, mật, thận, sạn niệu, bàng quang, phù thủng, làm hạ áp huyết, làm thông mật trong điều trị gan mật, sỏi mật, vàng da… Đặc biệt, râu ngô là một trong các loại thảo dược dùng để điều trị bệnh gan có hiệu quả nhất.
Dưới đây là 9 tác dụng của dâu ngô:
1. Tăng cường chức năng đường tiết niệu
Do tính chất khử trùng và lợi tiểu, râu ngô có tác dụng tuyệt vời chống lại bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Dùng trà râu ngô mỗi ngày giúp làm giảm viêm, làm dịu cơn khó chịu và ngăn ngừa sự phát triển của các loại vi khuẩn.
2. Chống đau khớp
Râu ngô có chứa đặc tính chống viêm và thành phần kiềm giúp hỗ trợ điều trị chứng đau khớp tuyệt vời. Trà râu ngô còn giúp giảm lượng axit trong cơ thể, chống lại sự tích tụ nước, giảm cơ chế gây viêm.
3. Điều chỉnh huyết áp cao
Râu ngô chứa hàm lượng flavonoid giúp cải thiện tuần hoàn và điều chỉnh huyết áp. Vị thuốc này cũng giúp kiểm soát nồng độ natri trong cơ thể, mức độ cao của natri có thể tăng nguy cơ huyết áp cao.
4. Hỗ trợ chữa trị các bệnh đường hô hấp
Trà râu ngô còn giúp làm sạch đường thở, làm giảm viêm ở cổ họng và kiểm soát các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Loại trà này cũng làm tan đờm, dịu các triệu chứng tắc mũi.
5. Thanh nhiệt, giúp thải độc cơ thể
Các chất chống oxy hóa trong râu ngô rất tốt cho việc kích thích loại bỏ các độc tố tích tụ trong cơ thể. Điều này giúp tăng cường chức năng gan, tối ưu hóa chức năng bài tiết và giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
6. Điều chỉnh lượng đường trong máu
Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 và những người dùng trà làm từ râu ngô có thể giúp giảm đáng kể mức đường trong máu. Phương pháp điều trị này giúp điều chỉnh sản xuất insulin và chống lại sự đề kháng insulin của cơ thể.
7. Giảm đau đầu
Nhờ khả năng chống viêm và giảm đau, râu ngô giúp giảm chứng đau đầu mãn tính. Uống trà râu ngô giúp làm dịu mọi căng thẳng, cải thiện tuần hoàn máu.
8. Kiểm soát sự căng cơ
Trà râu ngô được khuyến khích dùng cho các vận động viên vì nó giúp làm dịu sự căng cơ sau các hoạt động thể chất. Râu ngô cũng chứa lượng calo thấp, giúp bù đắp và cân bằng mức điện giải của cơ thể.
9. Hỗ trợ giảm cân
Bởi vì nó có chứa lượng calo thấp và mang đặc tính lợi tiểu, nên trà râu ngô có thể giúp hỗ trợ những người đang cố gắng giảm cân. Uống trà râu ngô thường xuyên giúp tăng năng lượng, cải thiện quá trình trao đổi chất, kiểm soát viêm và hỗ trợ quá trình thải độc cơ thể.
Cách chế biến trà râu ngô
Thành phần:
- 3 muỗng canh râu ngô tươi (30g)
- 1 lít nước
Chuẩn bị:
- Đun sôi 1 lít nước, giảm nhỏ lừa và cho râu ngô vào
- Đun nhỏ lửa trong 2 phút, tắt bếp
- Để nguội, lọc lấy nước và uống 3-4 ly mỗi ngày
Lưu ý:
- Chỉ nên uống liên tục trong vòng 10 ngày.
- Trong trường hợp đang dùng một loại thuốc khác để trị bệnh thì không nên dùng chung với trà râu ngô.
- Râu ngô dễ bị nhiễm thuốc trừ sâu từ ngoài ruộng nên khi sử dụng để nấu nước uống giải nhiệt cần rửa thật sạch.
- Phụ nữ có thai cần lưu ý râu ngô có tính lợi tiểu mạnh, nếu uống quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều và cạn ối. Để an toàn, thai phụ chỉ nên uống 2 lần mỗi tuần, những thai phụ bị chẩn đoán nước ối ít thì hạn chế dùng loại nước này.
Cao Sơn
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.