Đại Kỷ Nguyên

Uống rượu tái mặt và đỏ mặt – Ai mới đích thực là cao thủ tửu lượng cao?

Đa phần người ta uống rượu đến ngưỡng thì mặt đỏ lên, nhưng cũng khá nhiều người da mặt lại tái sậm dần. Những người này hay bị ép uống thêm nữa được cho là có tửu lượng cao. Điều này có đúng không?

Bác sĩ Mã An Lâm, Chủ nhiệm khoa Lây nhiễm, Bệnh viện Trung Nhật (Trung Quốc) chia sẻ trên Healh Sina rằng: “Mặt đỏ hay tái sau khi uống rượu không liên quan đến tửu lượng”.

Bác sĩ Lâm giải thích, sau khi uống rượu, trên 90% ethyl alcohol sẽ chuyển hóa thành ethanol rồi chuyển hóa tiếp thành axit acetic, sau đó thải ra ngoài. Những người mặt đỏ sau khi uống rượu là do tốc độ phân giải thành ethanol trong máu diễn ra hơi nhanh, khiến ethanol tích tụ làm cho mao mạch phình lên, xuất hiện tình trạng mặt đỏ.

Ngược lại, người mặt tái sau khi uống rượu là do tốc độ ethanol phân giải thành axit acetic chậm, làm cho mạch máu co lại, máu cung cấp ít, sắc mặt tái đi. Tóm lại mặt đỏ hay tái khi uống rượu hoàn toàn không liên quan đến tửu lượng.

Ảnh: recruitingtimes.org

Bên cạnh đó, tửu lượng của một người không phải mang tính ổn định mà còn có mối quan hệ mật thiết với trạng thái tinh thần và sức khỏe của họ. “Một số người bình thường uống cả chục ly rượu không xỉn, nhưng khi uống rượu giải sầu lại nhanh chóng say mèm. Ngược lại một số người tửu lượng bình thường nhưng gặp chuyện vui tinh thần sảng khoái thì tửu lượng tăng lên”, bác sĩ Lâm cho biết.

Nhiều người không biết điều này, tự tin mình có tửu lượng cao nên uống thoải mái. Đặc biệt những người trung niên sức khỏe đã không còn như trước, thậm chí mắc nhiều chứng bệnh mãn tính thì càng nên uống có chừng mực để tránh các bệnh về tim và não.

Đừng tự tin mình tửu lượng cao mà uống quá nhiều

Ảnh: DellaVines.com

Bác sĩ Hoài Hương cũng cho biết trên báo Tiền Phong rằng, não là nơi hút rượu nhiều nhất, kế đó mới là gan, thận, cơ bắp. Khi uống rượu, có những người phản ứng bằng cách giãn nở hệ mạch máu trong các cơ quan nội tạng như tim, gan, dạ dày, ruột, lá lách; còn mạch máu ở da thì co lại, khiến da mặt bị tái. Lại có những người khi uống rượu, các mạch máu bên trong lục phủ ngũ tạng co nhưng mạch máu dưới da lại giãn mạnh nên mặt đỏ bừng bừng.

Do đó, hoàn toàn không có chuyện người mặt tái tửu lượng cao hơn người mặt đỏ. Và khi uống nhiều rượu, người mặt tái dễ bị chảy máu dạ dày, ruột, thận, lá lách và xơ cứng động mạch vành (động mạch nuôi dưỡng tim). Người mặt đỏ tuy ít bị các biến chứng này nhưng lại dễ bị trúng gió.

Tóm lại, uống rượu chỉ nên ở mức vừa phải, mỗi người cần tự xem ngưỡng của cơ thể mình để kịp thời dừng lại, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.

Theo thethaovanhoa
Minh Hoàng

Exit mobile version