Đại Kỷ Nguyên

Truyền hơn 3 lít máu cứu sống người phụ nữ ở Long An bị đâm thủng tim

Chị N.T.A. (35 tuổi, Long An) được đưa vào bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP. HCM cấp cứu với vết thương dài 2 cm ở giữa ức và vết thương khác dài 2,5 cm ở ngực trái, da và niêm mạc trắng nhợt…

Báo Người Lao Động đưa tin, trước đó, trong lúc đang ở nhà buổi tối, chị A. bị cướp tấn công, ra tay tàn độc với chị. Tại bệnh viện chị A. rơi vào trạng thái lơ mơ, mạch khó bắt, huyết áp không đo được.

Nhận định tình huống nguy cấp, bệnh nhân có vết thương thấu ngực, sốc mất máu, kèm tổn thương ổ bụng, nguy cơ tử vong cao nên các bác sĩ đã mổ khẩn cấp.

Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ phát hiện tim bệnh nhân bị chèn ép cấp do tràn máu màng tim dẫn đến máu phun ồ ạt. Các bác sĩ phải vừa dùng tay bịt vết thương cầm máu tạm thời, vừa khâu lại vết thương tim.

Sau đó kíp mổ tiếp tục phát hiện cơ hoành bệnh nhân thủng dài 3 cm, qua đó máu từ ổ bụng tràn lên.

Ê-kíp quyết định mở vết mổ kéo dài xuống bụng, kiểm tra thấy vết đâm thủng cơ hoành làm đứt một tĩnh mạch trên gan đang chảy máu, đâm xuyên ra sau làm thủng thùy I của gan.

Cuối cùng các tổn thương tĩnh mạch trên gan, vết thương nhu mô gan và chỗ rách cơ hoành của bệnh nhân đã được kíp mổ xử lý an toàn. Bệnh nhân mất đến 3,4 lít máu, được bệnh viện huy động máu dự trữ truyền kịp thời.

Ngay sau khi cầm máu, tim co bóp trở lại, không có vùng nhồi máu rõ, huyết động tạm ổn với hỗ trợ thuốc vận mạch. Tuy nhiên, bệnh nhân xuất hiện rối loạn đông máu nặng và suy chức năng gan ngay sau mổ.

Đến ngày 13/12, các thông số huyết động cũng như xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhân dần ổn định, tình trạng rối loạn đông máu đã được điều chỉnh.

Hiện tại, chị A. đã tỉnh táo hoàn toàn, không có di chứng tổn thương não, nhu động ruột đã có trở lại và tự thở.

Đại diện bệnh viện Đa khoa Xuyên Á trao đổi với VnExpress, trường hợp này nếu đến chậm thì khó qua khỏi. Vết thương tim là một thách thức lớn trong cấp cứu ngoại khoa, gây tử vong rất cao, uớc tính có khoảng 80-90% các trường hợp vết thương tim không đến kịp bệnh viện.

Khả năng cứu sống bệnh nhân còn phụ thuộc vào loại tổn thương, thời gian cấp cứu, tính sẵn sàng của cơ sở y tế tiếp nhận…

(Tổng hợp)

Exit mobile version