Đại Kỷ Nguyên

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam tăng 41%

Béo phì ở trẻ em dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ khi bị bạn bè trêu chọc dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống, kết quả học tập sa sút.

VTV đăng tải, hiện nay, tỷ lệ mắc béo phì ở trẻ em và thiếu niên đang gia tăng ở mức báo động. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016 có 340 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 19 tuổi mắc bệnh thừa cân, béo phì. Tỷ lệ béo phì ở nhóm đối tượng này đã tăng gấp 4,5 lần chỉ trong vòng hơn 40 năm qua.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có sự gia tăng nhanh trong thập niên qua, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Theo kết quả điều tra năm 1996, tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì tại Hà Nội và TP. HCM là 12%. Sau 13 năm (năm 2009), tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở Tp.HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Người Lao Động thông tin, cụ thể, học sinh tiểu học ở thành thị có tỉ lệ béo phì là 22,7% còn học sinh ở vùng nông thôn chiếm 7,4%. Đối với học sinh THCS, học sinh thành thị thừa cân chiếm 20,9%, trong khi học sinh nông thôn là 7,9%. 

Đối với học sinh THPT, tỉ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh cấp tiểu học và THCS, tỉ lệ này lần lượt là 13,5% và 6,2%. 

Phụ huynh cần quan tâm hơn nữa về chế độ ăn uống, cũng như tập luyện, ngủ nghỉ của trẻ (ảnh minh họa).

Nguyên nhân dẫn đến béo phì ở trẻ 

Thừa cân, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ bất thường hoặc vượt quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguyên nhân cơ bản là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu thụ. Khi năng lượng ăn vào nhiều hơn mức năng lượng tiêu thụ, cơ thể sẽ chuyển hóa và tích lũy năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ trong các cơ quan của cơ thể. Nếu quá trình này được lặp đi lặp lại và duy trì trong thời gian dài sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng này như chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, chế độ ăn có nhiều năng lượng cao, giàu chất béo, gia tăng các hoạt động tĩnh tại (xem tivi, chơi điện tử…). Trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, ăn thức ăn nhanh, ăn nhiều vào buổi tới trước khi đi ngủ đều có nguy cơ thừa cân, béo phì.

Ngoài ra, xã hội, môi trường, yếu tố di truyền ở trẻ có bố mẹ mắc thừa cân, béo phì, ngủ ít cũng là những yếu tố gây thừa cân béo phì ở trẻ.

Tác hại của béo phí với trẻ nhỏ

Theo báo Gia Đình, béo phì ở trẻ em trước tiên sẽ khiến cho trẻ nặng nề, phản xạ kém, di chuyển khó khăn. Khi tăng cân quá nhanh, trẻ sẽ phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe như rạn da, biến dạng xương chân, khó thở…

Mức độ béo phì sẽ ngày càng tăng nên việc điều trị muộn về sau sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Béo phì ở trẻ em cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị mắc các bệnh như gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, đái tháo đường type 2…

Rối loạn tâm lý: khi bé bắt đầu đi học, sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.

Trẻ béo phì sẽ dễ dậy thì sớm, bé gái dễ bị vô kinh, kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, trẻ bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao.

Biện pháp phòng tránh béo phì ở trẻ em

– Không cho trẻ ăn quá thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, uống nước có ga và đồ ăn vặt. Thay vào đó hãy ăn những thức ăn ít dầu mỡ, chất béo.

– Tập thể dục: Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tham gia thể dục. Đừng chọn những bài tập quá khó, hãy chọn những bài tập đơn giản như: đi bộ, nhảy dây…. để gây hứng thú và tránh tình trạng lười vận động ở trẻ.

– Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vận động: Bằng cách chơi đùa với bạn bè và nếu có thời gian hãy tham gia chạy nhảy cùng trẻ.

– Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây vào bữa ăn của trẻ: Nên nói cho bé biết về tác hại của béo phì ra sao, lợi ích của việc ăn nhiều rau xanh và trái cây để khuyến khích trẻ ăn thêm.

Exit mobile version