Đại Kỷ Nguyên

Trầm cảm sau sinh: Nỗi đau im lặng cần được chia sẻ

Sự kiện người mẹ sát hại đứa con 33 ngày tuổi xảy ra mới đây tại Thạch Thất, Hà Nội đã thu hút dư luận quan tâm đến hiện tượng trầm cảm sau sinh. Khi còn ở giai đoạn đầu của trầm cảm, nhiều phụ nữ xu hướng “cắn răng chịu”, tuy nhiên đây không phải là lối thoát.

Bị trầm cảm sau sinh, người mẹ có thể cảm thấy tuyệt vọng, đau khổ, thậm chí nghĩ đến tự sát hoặc làm đau đứa con mới chào đời.

Mang thai là giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời người phụ nữ. Tuy nhiên, mang thai dẫn đến hàng loạt thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần và đôi khi gây ra những bệnh không mong muốn như trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh.

Chia sẻ với VnExpress.net, thạc sĩ tâm lý Ngô Thị Thu Huyền, Trung tâm Toán tư duy và Kỹ năng xã hội IXL cho biết ở Canada cứ 10 phụ nữ thì 1-2 người bị trầm cảm sau sinh, còn tỷ lệ loạn thần sau sinh là một trên 1.000. Ở Việt Nam, tỷ lệ này có thể nhiều hơn do điều kiện kinh tế cũng như nhận thức còn hạn chế.

Người mẹ trẻ sát hai con mình khiến nhiều người bàng hoang về thực trạng xã hội (Ảnh:

Trầm cảm sau sinh xảy ra vài ngày hoặc vài tháng sau khi sinh con, ảnh hưởng đến cả phụ nữ lần đầu làm mẹ lẫn người đã nhiều lần “vượt cạn” hoặc nhận con nuôi. Triệu chứng bao gồm buồn bã, tuyệt vọng, lo lắng, khó chịu; gần giống tình trạng “buồn bã sau sinh” nhưng mạnh mẽ và kéo dài hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh bao gồm:

Một chuyên gia cho rằng lối sống và chế độ dinh dưỡng cũng tác động đến nguy cơ trầm cảm. Những người ngồi nhiều, ít vận động, tính cách hướng nội ít chia sẻ, người dinh dưỡng kém thuộc diện nguy cơ cao hơn.

Bị trầm cảm sau sinh, người mẹ không kiểm soát được cảm xúc nên thường khóc không rõ nguyên nhân và lên cơn hoảng sợ. Họ gặp khó khăn trước trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ, khó chịu bực bội vì sự có mặt của con, sợ làm con đau hoặc oán giận cả gia đình rồi lại thấy tội lỗi vì chính những cảm xúc tiêu cực ấy. Rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ có thể đi kèm.

Bệnh nhân trầm cảm sau sinh cần được hỗ trợ từ phía gia đình, người thân và bác sĩ. Nếu không được can thiệp kịp thời, các triệu chứng dễ chuyển nặng, thậm chí xuất hiện ám ảnh về cái chết hay nảy ra ý tưởng tấn công em bé mới chào đời. Tuy nhiên, thạc sĩ Huyền nhận định các suy nghĩ này hầu như không dẫn đến hành vi cụ thể. Trên thực tế, nguy cơ phụ nữ trầm cảm sau sinh hãm hại con rất nhỏ. Nếu thực sự làm tổn thương đứa trẻ, bà mẹ nhiều khả năng đã rơi vào tình trạng loạn thần sau sinh.

Cần một sự mở lòng chia sẻ để vượt qua cơn trầm cảm (Ảnh minh họa: Internet)

Là căn bệnh tâm thần cực kỳ nghiêm trọng, loạn thần sau sinh chủ yếu tác động đến phụ nữ lần đầu làm mẹ. Nó thường diễn ra trong vòng 3 tháng đầu sau sinh, khiến bệnh nhân mất liên hệ với thực tế, không kiểm soát hành vi, xuất hiện ảo thanh (nghe thấy tiếng nói trong đầu) và ảo giác. Các triệu chứng đi kèm bao gồm mất ngủ, tức giận, rối loạn nhịp tim, bồn chồn, hành vi cảm xúc bất thường.

Đôi khi, phụ nữ loạn thần sau sinh làm hại con mình vì cho rằng đó là cách bảo vệ đứa trẻ hoặc do tiếng nói, ảo ảnh nào đó ép buộc. Vì vậy, bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức bằng thuốc. Một số ca phải nhập viện nếu có nguy cơ gây thương tích cho bản thân hoặc người khác.

Để bảo vệ bản thân người mẹ cũng như gia đình, thạc sĩ Huyền cho rằng điều quan trọng nhất là phụ nữ phải biết chia sẻ, nói ra nỗi đau của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ. “Im lặng, chịu đựng, tắt đi tiếng nói của cá nhân, không chỉ giết chết tâm hồn của cá nhân ấy mà còn gây hậu quả tới người xung quanh”, bà nói. “Điều này không chỉ đúng với phụ nữ trầm cảm sau sinh mà còn đúng với nhiều tình huống khác trong xã hội”.

Theo VNE

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version