Đại Kỷ Nguyên

Thức trà bình dị và tác dụng chữa bệnh hiệu quả từ cây vối

Từ xa xưa, lá và nụ vối đã được sử dụng để đun, hãm, uống như trà. Thứ nước dân dã màu nâu đỏ, có vị đắng nhẹ, hơi ngọt, thơm nhè nhẹ dễ chịu vừa làm thức uống giải khát, vừa có tác dụng trị liệu.

Cây vối mọc hoang và cũng được trồng ở nhiều các tỉnh thành của nước ta. Cây vối có hai loại, vối nếp có lá nhỏ hơn bàn tay, màu vàng xanh; vối tẻ to hơn lá vối nếp, bằng bàn tay hoặc hơn, hình thoi và màu xanh thẫm. Hoa vối nhỏ, màu lục trắng nhạt, hợp thành cụm hình tháp và tỏa ra ở kẽ lá rụng. Quả vối hình cầu hoặc hình trứng, xù xì. Cây vối có nhiều tác dụng dược lý, công hiệu để làm thuốc chữa bệnh.

Bộ phận sử dụng

Lá vối, nụ vối: Có thể dùng tươi hoặc dùng khô. Theo kinh nghiệm dân gian thì lá và nụ vối nên được ủ trước khi đem phơi khô. Làm như vậy sẽ loại bỏ được chất nhựa, giảm vị chát của lá, nước uống sẽ ngon hơn. Tuy nhiên, với mục đích trị bệnh thì lá tươi sẽ tốt hơn.

Cách làm vối ủ: Thái lá, rửa sạch nhựa, cho vào thùng hay thúng ủ cho đến khi đen đều thì lấy ra rửa sạch và phơi khô.

Cây vối cho hai vị thuốc là lá với và nụ vối. (Ảnh: trathuylieu.com)

Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Trong nụ và lá vối chứa tanin, một số khoáng chất, khoảng 4% tinh dầu mùi thơm dễ chịu.

Năm 1968, Phòng Đông y thực nghiệm Viện nghiên cứu đông y, đã tiến hành nghiên cứu thăm dò tính chất kháng sinh của lá và nụ vối đối với một số vi khuẩn Gram (+) và Gram (-) đưa ra kết luận, ở tất cả các giai đoạn phát triển của lá và nụ đều có tác dụng kháng sinh, tuy nhiên vào mùa đông thì lá chứa nhiều kháng sinh nhất.

Hoạt chất kháng sinh này tan trong nước, các dung môi hữu cơ, vững bền với nhiệt độ và trong môi trường pH 2 – 9. Tác dụng mạnh nhất đối với Streptococcus (liên cầu khuẩn), vi khuẩn bạch hầu, Staphylococcus (tụ cầu), Pneumcoccus (phế cầu khuẩn)… Và không độc với cơ thể.

Lá và nụ vối chứa hoạt chất kháng sinh. (Ảnh: caythuoc.org)

Theo y học cổ truyền, vối có vị đắng, chát, tính mát, không độc; tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, tiêu trệ. Theo tài liệu”Thuốc và sức khỏe”: Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Tùy từng mục đích sử dụng khác nhau mà sử dụng lá tươi hoặc khô.

Vối hỗ trợ điều trị bệnh gout, đái tháo đường và một số bệnh tiêu hóa

Hỗ trợ phòng bệnh gout:

Lá và nụ vối có tác dụng lợi tiểu, tiêu độc, lợi tiêu hóa. Đối với bênh nhân gout do ăn uống nhiều chất béo ngọt, ứ đọng nhiều chất acid uric; mặt khác do hệ thống tiêu hóa và thận bài tiết đào thải không tốt dẫn đến acid uric ứ đọng thành tinh thể muối urat ở các khớp gây nên tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau.

Do vậy, nếu dùng thường xuyên lá và nụ vối có tác dụng hỗ trợ tiêu tích, lợi tiểu, acid uric được đào thải ra ngoài qua nước tiểu, nên góp phần trong phòng ngừa, điều trị bệnh gout. Tuy nhiên, người bệnh cần có chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý.

Hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường:

Theo nghiên cứu của Phạm Thị Lan Anh, Viện dinh dưỡng, nụ vối có hàm lượng Polyphenol cao (tương đương 128 catechin/gam trọng lượng khô) có khả năng hạn chế tăng glucose máu sau ăn và trợ giúp ổn định glucose máu khi điều trị lâu dài.

Nghiên cứu của tác giả Trương Tuyết Mai và cộng sự đã chứng minh được vai trò của trà nụ vối có tác dụng kiểm soát glucose máu lâu dài. Sau 12 tuần liên tục sử dụng trà nụ vối nồng độ glucose máu giảm xuống có ý nghĩa so với ban đầu. Nồng độ HbA1c của nhóm uống trà nụ vối đã giảm rõ rệt so với ban đầu và so với nhóm chứng (nhóm không uống nụ vối). Trà nụ vối đã cải thiện nồng độ insulin trong máu của bệnh nhân.

Nụ vối giúp kiểm soát ẹnh đái tháo đường. (Ảnh: rongvangphuongnam.com.vn)

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, uống nụ vối cũng đã giảm rối loạn lipid máu sau 3 tháng, nồng độ cholesterol, triglyceride giảm, nồng độ HDL-cholesterol (cholesterol tốt) tăng lên một cách đáng kể so với nhóm chứng không uống nụ vối.

Hỗ trợ tiêu hóa:

Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, chữa đầy bụng, khó tiêu. Còn tinh dầu có tính kháng khuẩn nên có thể dùng trong viêm đại tràng mạn tính.

Sát khuẩn ngoài da:

Trong nước lá vối có chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt khuẩn như đã liệt kê ở trên. Chính vậy mà lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Một số bài thuốc sử dụng lá hoặc nụ vối

Hỗ trợ kiểm soát tiểu đường, hạ mỡ máu: nụ vối khô 20g sắc, hoặc hãm uống ngày một tách, sau ăn.

Trị đầy bụng, ăn không tiêu: nụ vối tươi 15g, sắc lấy nước đặc chia 3 lần uống trong ngày.

Trị viêm đại tràng mạn tính, đau bụng, đi ngoài phân sống: Lá vối tươi 200g vò nát, hãm với nước sôi trong 1h, uồng thay nước

Trị viêm da mẩn ngứa, mụn nhọt: lượng vối vừa đủ, nấu kĩ, lấy nước tắm rửa.

Lưu ý khi dùng

Không uống lúc đói, do vối có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, nên sẽ làm nhu động ruột tăng lên, cảm giác đói, mất năng lượng, hoa mắt chóng mặt.

Không uống nước vối khi đói. (Ảnh: baomoi.com)

Nếu dùng nước uống thay trà hằng ngày, khuyến cáo nên dùng là vối ủ đã phơi khô. Lý do là vì lá tươi có tác nhân kháng khuẩn mạnh, nếu dùng nhiều và lâu dài sẽ ảnh hưởng tới lợi khuẩn trong cơ thể, gây rối loạn tiêu hóa.

Người suy nhược cơ thể không nên dùng.

Yến Dương

Exit mobile version