Đại Kỷ Nguyên

Thu hoạch 7 tác dụng bất ngờ nhờ ăn tỏi đều đặn mỗi ngày

Tỏi không chỉ là gia vị quen thuộc của người Việt trong bữa ăn hằng ngày, trong Đông y tỏi còn có nhiều tác dụng điều trị và phòng bệnh.

Theo Đông y: Củ tỏi có vị cay, tính ấm, hơi độc, vào các kinh Tỳ, Vị, Phế và Đại tràng. Có tác dụng ôn trung hành khí (ấm bụng tăng cường chuyển hóa), giải độc, sát trùng. Thường dùng chữa bụng ngực lạnh đau, ho gà, cảm mạo, kiết lỵ, tiêu chảy, mụn nhọt, lở ngứa…

Tỏi: gia vị ngon có “sức mạnh” trong phòng và trị bệnh. Ảnh dẫn theo Poptamin.com

Các tác dụng của tỏi trong phòng và trị bệnh:

1. Trị cảm cúm

Đây là một chứng bệnh phổ biến nhất mà tỏi được “chào hàng” để ra tay trừng trị. Nhiều người bị sổ mũi khẳng định rằng chỉ cần ăn một hoặc vài tép tỏi cũng có thể giúp họ xoay chuyển tình hình.

Các nghiên cứu cho thấy những tinh chất trong tỏi có tác dụng tăng cường chức năng của hệ miễn dịch, bảo tồn các chất kháng oxy hóa trong cơ thể, qua đó giúp cơ thể giải cảm một cách hữu hiệu và nhanh chóng.

2. Ngừa ung thư

Tỏi có tác động đáng kể trong việc giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh ung thư, nhất là ung thư đường ruột. Nghiên cứu thực hiện trên người, động vật và trong ống nghiệm cho thấy tỏi có tác dụng kháng ung thư nhờ vào khả năng vô hiệu hóa những hợp chất sinh ung thư, trì hoãn tăng trưởng của tế bào ung thư, tiêu giảm đi kích thước của bướu.

Tỏi trở thành “khắc tinh” của các loại ung thư như ung thư vú, thực quản, dạ dày, ruột, tiền liệt tuyến, bàng quang. Riêng ung thư vú, tỏi có tác dụng rõ rệt trong việc ngăn chặn các tác nhân sinh ung thư (carcinogens) tấn công vào các tế bào nhũ hoa. Những thành phần sáng giá trong tỏi có tác dụng kháng ung thư chứa lưu huỳnh như diallye disulphide. Ngoài ra, trong tỏi cũng có một hợp chất kháng ung bướu quan trọng là ajoenes.

Tỏi trở thành “khắc tinh” của các loại ung thư như ung thư vú, thực quản, dạ dày, ruột, tiền liệt tuyến, bàng quang. Ảnh dẫn theo food.ndtv.com

3. Phòng bệnh tim mạch

Tỏi vừa làm hạ mức “cholesterol xấu”, đồng thời làm tăng lượng “cholesterol tốt”, có tác dụng dọn dẹp những mảng xơ vữa đu bám vào thành mạch máu. Tỏi có tác dụng hạ lượng cholesterol tới 9% nếu chỉ cần nhai 2 tép mỗi ngày. Tỏi cũng có tác dụng bảo vệ các động mạch chủ. Đây là những mạch máu của tim có tác dụng duy trì huyết áp và lưu lượng máu khi tim đập.

Tuổi tác, thiếu dinh dưỡng, khói thuốc sẽ gây ra sự xơ cứng đối với các động mạch chủ. Ăn tỏi thường xuyên sẽ giúp làm chậm tiến trình lão hóa các động mạch chủ cũng như giúp chúng linh hoạt và dẻo dai hơn.

4. Cao huyết áp

Tỏi có tác dụng kiểm soát huyết áp bằng cách làm giảm độ nhớt của máu nhờ vào chất ajioene. Chất này còn ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông.

Nhiều nghiên cứu cho thấy cư dân ở những vùng nào tiêu thụ nhiều tỏi thì ở đấy, họ hiếm gặp các bệnh về huyết áp và tim mạch. Y học cổ truyền Trung Hoa từ lâu đã dùng tỏi để trị đau thắt ngực hoặc rối loạn tuần hoàn máu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy cư dân ở những vùng nào tiêu thụ nhiều tỏi thì ở đấy, họ hiếm gặp các bệnh về huyết áp và tim mạch. Ảnh dẫn theo youtube.com

5. Trị chứng nhiễm trùng

Người ta đã phát hiện ra đặc tính kháng khuẩn của tỏi từ năm 1858 khi Louis Pasteur khám phá rằng tế bào vi khuẩn sẽ bị chết nếu được thấm tỏi. Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, các bác sĩ Anh đã dùng tỏi như một chất kháng sinh để điều trị vết thương cho binh sĩ.

Albert Schweitzer (nhà triết học và là bác sĩ người Đức gốc Pháp) đã dùng tỏi để trị bệnh sốt phát ban (typhus) và bệnh dịch tả (cholera). Không những có tính kháng khuẩn, tỏi còn có tính kháng nấm và kháng virus.

6. Tăng cường chức năng sinh lý

Nhiều nghiên cứu cho thấy tỏi là cộng sự đắc lực cho những người bị nhược dương. Những hợp chất có trong tỏi sẽ giúp sản sinh ra loại men nitric oxide synthase, giúp cho những người có vấn đề về sinh lý.

7. Hỗ trợ thai kỳ

Theo những nghiên cứu của các bác sĩ tại Bệnh viện London (Anh) thì tỏi có tác dụng tăng trọng cho những thai nhi không may thiếu cân. Tỏi cũng giúp giảm thiểu những rủi ro khác trong thai kỳ, như tiền sản giật (vốn có liên hệ với chứng cao huyết áp).

Cho dù ăn sống hay nấu chín thì tỏi vẫn có tác dụng tốt cho sức khỏe. Để hưởng lợi tối đa từ tỏi, cần bỏ công một chút để giã hoặc bằm nhuyễn chúng khi chế biến thức ăn.

Tỏi cũng giúp giảm thiểu những rủi ro khác trong thai kỳ, như tiền sản giật (vốn có liên hệ với chứng cao huyết áp). Ảnh dẫn theo dongduocgiatruyen.com

Lưu ý: tỏi là thứ cay nóng, có tính kích thích mạnh, chỉ nên dùng lượng nhỏ.

Những ngườn âm hư hỏa vượng, lưỡi lở loét, mắt đỏ, trĩ sang không nên dùng.

Không dùng tỏi trong trường hợp đang dùng thuốc điều trị chứng máu loãng, hay thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.

Lương y Cao Sơn t/h

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version