Đại Kỷ Nguyên

Thói quen cắn móng tay: Không chỉ vì lo lắng, họ còn có tính cách đặc biệt

Khi thấy một người cắn móng tay, người ta thường cho rằng đó là dấu hiệu của sự lo lắng và bất an. Nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thói quen này còn nói lên nhiều điều về tính cách của bạn.

Từ nhỏ, chúng ta đã được nhắc nhở thường xuyên rằng: “Không được cắn móng tay”. Nhưng đôi khi, chúng ta vẫn làm một cách tự động mặc dù biết rằng có vô số vi khuẩn trên móng tay của mình.

Các nhà khoa học dành riêng một thuật ngữ cho thói quen này là ‘onycophagia’ và phân loại nó vào nhóm các hành vi lặp lại tập trung vào cơ thể, theo tạp chí Psychology Today. Một số hành vi khác cũng thuộc nhóm này như kéo hoặc xoắn tóc, cắn bút hoặc dứt da tay.

Trước đây, người ta cho rằng cắn móng tay chủ yếu là do tình trạng lo âu. Theo tạp chí Psychology Today, cắn móng tay có liên quan đến tình trạng lo âu. Các báo cáo cho thấy cắn móng tay giúp giải tỏa căng thẳng và làm giảm cảm giác buồn chán.

Nhưng đôi khi không chỉ là lo lắng, họ còn là một người theo chủ nghĩa cầu toàn

Một nghiên cứu ở trường đại học Montreal cho thấy, nguyên nhân căn bản của hành vi này không chỉ bắt nguồn từ sự lo lắng mà còn liên quan nhiều đến ‘chủ nghĩa cầu toàn’.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Kieron Connor đã trả lời phỏng vấn trên báo Huffington Post: “Chúng tôi tin rằng những người có các hành vi lặp đi lặp lại thường là người theo chủ nghĩa cầu toàn, điều này khiến họ không thể thư giãn và không thể làm việc với nhịp độ bình thường”.

Những người cắn móng tay thường có tình trạng buồn chán khi rảnh rỗi. Mặc dù họ có thể yêu thích công việc đang làm, nhưng khi xong việc, sự tập trung quá mức và năng lượng của họ thường trở nên dư thừa. Cũng theo nghiên cứu, người theo chủ nghĩa cầu toàn có mức độ nhàm chán cao.

Người theo chủ nghĩa cầu toàn thường có các vấn đề cảm xúc về công việc đang làm, họ phân vân giữa đúng và sai, tự đánh giá mình chưa làm tốt. Tiến sĩ O’ Connor cho biết, những người này thường có xu hướng mất tập trung, thiếu kiên nhẫn và không thỏa mãn bản thân khi không đạt được mục tiêu.

Nghiên cứu không tập trung vào tác hại của thói quen cắn móng tay mà chú ý đến lý do tại sao nhiều người thích cắn móng tay. Nguồn gốc của thói quen này là do tâm trạng thất vọng và thiếu kiên nhẫn dẫn đến hành vi thay thế là cắn móng tay.

Những người cắn móng tay nên làm gì để kiểm soát thói quen này?

Theo tiến sĩ O’connor, thay đổi lối ‘suy nghĩ hoàn hảo’ của bệnh nhân là cách điều trị tốt nhất. Nếu các nhà tâm lý giúp bệnh nhân làm việc ít tập trung vào kết quả hơn thì thói quen này có thể biến mất mà không cần thiết phải tìm hành vi thay thế. Như vậy, thói quen cắn móng tay phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng của bạn phải không?

Theo The Epoch Times

Exit mobile version