Đại Kỷ Nguyên

Thêm bệnh nhân nguy kịch do vi khuẩn ‘ăn’ não

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 30 tuổi (Hưng Yên) bị viêm màng mủ do nhiễm vi khuẩn não mô cầu. 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 14/4, bệnh nhân có dấu hiệu đau họng, ho khan. Hai ngày sau, bệnh nhân bị sốt cao 39 độ C kèm đau đầu và buồn nôn.

Đêm 17/4, thấy bệnh nhân sốt cao, nôn nhiều, người nhà đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên để khám. Trưa ngày 18/4, bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn ý thức và được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Bệnh nhân được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, trao đổi với Sức Khỏe & Đời Sống, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh, còn hơi sốt. Hiện, bệnh nhân vẫn đang được điều trị và theo dõi thêm.

Trước đó, tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 trường hợp nguy kịch do mắc viêm não mô cầu. Ngoài ra, gần 40 người từng tiếp xúc với hai bệnh nhân trên cũng được cách ly và uống kháng sinh phòng bệnh.

Bệnh nhân nữ 15 tuổi (Hà Nội) xuất hiện những vết xuất huyết hình sao, đặc trưng của viêm não mô cầu. (Ảnh: Vietnamnet)

Viêm não mô cầu là bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, thường tăng cao vào mùa xuân. Bệnh do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên.

Bệnh viêm não mô cầu gây tổn thương nghiêm trọng nhiều cơ quan như hô hấp, máu, hệ thần kinh (màng não), khớp, màng tim, mắt… Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc viêm não mô cầu, đặc biệt trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người già có sức đề kháng yếu.

Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người bệnh. Rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng, vệ sinh sạch sẽ nơi ở. Khi có dấu hiệu bất thường, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh viêm não mô cầu lây lan nhanh qua đường hô hấp, do tiếp xúc với người bệnh. Viêm não mô cầu cũng có thể lây gián tiếp qua da, đồ dùng hàng ngày như ly, bát, điện thoại…

Viêm não mô cầu thường ủ bệnh 2-10 ngày sau khi nhiễm khuẩn. Bệnh nhân có các biểu hiện như sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng, phát ban hình sao…

Đối với trẻ nhỏ thường thấy dấu hiệu như thóp phồng, lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể phát ban, xuất huyết hình sao hoặc sốc nhiễm khuẩn… Bệnh diễn tiến nhanh, người lớn có thể tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Hiện nay, tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất. Có 2 loại vắc-xin phòng ngừa viêm não mô cầu là BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi). Người lớn cũng có thể tiêm phòng.

H.H

Exit mobile version